Truyền thuyết ông già thỏ – Biểu tượng cúng trăng của người xưa.


Ông già thỏ (Thố nhi gia) là đồ chơi truyền thống trong dân gian Bắc Kinh, xuất hiện từ cuối đời nhà Minh. Người ta vẫn thường truyền nhau câu chuyện ly kỳ về chú thỏ tốt bụng này.

Tết Trung thu tại Bắc Kinh hoặc Sơn Đông, dân gian có tập tục chơi với ông già thỏ. Ông già thỏ, lớn thì cao hơn 3 thước, nhỏ nhất thì cũng khoảng 3 thốn, đều có khuôn mặt bôi phấn trắng, đầu đội mũ sắt, thân khoác chiến bào.
Vào thời nhà Minh, ông già thỏ là một loại tượng đất sét dùng để cúng trăng vào mỗi dịp Trung thu, đến thời Thanh thì dần chuyển biến thành đồ chơi của trẻ con. Mọi người cho rằng, hình tượng ông già thỏ không phải chỉ loài gia súc ở thế gian, cũng không phải thỏ rừng, mà là thỏ ngọc ở cung Quảng Hàn.
Trong “Hoa vương các thặng cảo” có ghi chép lại: “Tết Trung thu tại Bắc Kinh, người ta thường dùng đất sét để nặn hình con thỏ, có đầy đủ áo mũ, ngồi trông giống người. Đây chính là đồ vật để cho trẻ em cúng trăng”.
Trong “Yến kinh tuế thì ký” cũng có ghi lại: “Mỗi khi Trung thu, những người khéo tay trong thành lại dùng đất vàng nặn thỏ để bán, gọi chúng là ông già thỏ” . Trước đây, tại các cổng ra vào ở phía Đông của Bắc Kinh, thường có các sạp hàng chuyên bán ông già thỏ dùng để cúng trăng.
Liên quan đến ông già thỏ, có một câu chuyện được lưu truyền tương đối rộng rãi như sau:
Một năm nọ, trong thành Bắc Kinh đột nhiên xuất hiện ôn dịch, dường như nhà nào cũng có người mắc phải, uống thuốc gì cũng không khỏi.
Hằng Nga trên cung trăng nhìn thấy tình cảnh dân gian thắp hương cầu khấn, trong lòng rất đau buồn, liền sai thỏ ngọc bên cạnh mình đến nhân gian trị bệnh cho bách tính.
Thỏ ngọc biến thành người đi đến từng nhà chữa bệnh. Để cảm tạ thỏ ngọc, mọi người đã mang tặng rất nhiều thứ, nhưng thỏ ngọc đều không nhận thứ gì, chỉ mượn mọi người quần áo để mặc.
Như vậy, thỏ ngọc mỗi lần đến một nơi nào đó liền thay trang phục, có lúc thành người bán dầu, có lúc giống thầy tướng số… có lúc thành đàn ông, lúc sau thành thiếu nữ. Để có thể trị bệnh cho nhiều người hơn nữa, thỏ ngọc lúc cưỡi ngựa, cưỡi hươu, hoặc cưỡi cả sư tử, cọp, đi khắp trong ngoài thành Bắc Kinh.
Thỏ ngọc trừ xong ôn dịch trong thành Bắc Kinh liền trở về lại cung trăng. Nhưng hình tượng đẹp của thỏ ngọc vĩnh viễn lưu lại trong lòng người dân. Vì thế mọi người đã dùng đất sét nặn thành hình tượng thỏ ngọc. Có thỏ ngọc cưỡi hươu, có thỏ ngọc cưỡi phụng, lại có thỏ ngọc khoác áo giáp, cũng có đủ loại quần áo khác, muôn hình vạn trạng.
Mỗi năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, nhà nhà đều cúng thỏ ngọc, dâng dưa leo, đậu ván để cảm tạ thỏ ngọc đã mang đến cát tường và hạnh phúc cho nhân gian. Mọi người gọi thỏ ngọc với cái tên thân mật là “ông già thỏ”.
Đến đời nhà Thanh, ông già thỏ dùng để cúng trăng đã chuyển thành món đồ chơi Tết Trung thu của thiếu nhi, hơn nữa, trải qua quá trình sáng tạo của các nghệ nhân, thỏ ngọc đã tiến thêm một bước nghệ thuật hóa, nhân cách hóa, hơn nữa các chế tác cũng ngày càng tinh xảo.
Để biểu hiện ông già thỏ là thỏ thần trên cung trăng, không phải thỏ phàm chốn nhân gian, nghệ nhân dân gian khi tạo hình tượng đã vận dụng các loại thủ pháp nghệ thuật nhằm thể hiện cái “thần”.
Có người chú trọng biểu hiện thỏ ngọc giã thuốc, làm cho hai tay (chân trước) của ông già thỏ hoạt động, bưng chày ngọc, dùng dây điều khiển, thỏ ngọc có thể giã thuốc lên xuống. Có người chú trọng biểu hiện thần lực của ông già thỏ, đem ông già thỏ biến thành vị tướng thân khoác chiến bào, đầu đội mũ sắt, tay cầm binh khí, mắt nhìn trừng trừng, uy phong lẫm liệt.
Quang Trung -Sưu tầm
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang