Hý luận về "ăn chay giả mặn" - người chống kẻ bênh!


Vấn đề "ăn chay giả mặn" - tức là ăn chay nhưng với những thực phẩm gốc từ thực vật được chế tác thành các thức ăn có hình dạng như từ động vật đủ loại: heo, bò, gà, vịt, cá, tôm, cua, mực... thậm chí cả ốc, rùa, ếch, dê, cừu v.v... và v.v... cũng như nhiều món "cao lương, mỹ vị" khác với những tên gọi rất sang trọng, rất mỹ miều - đang là một đề tài "nóng" không chỉ trong giới xuất gia và tại gia Phật Giáo chúng ta mà còn được đề cập đến nhiều trên báo chí, truyền thông internet của các doanh nghiệp về các lĩnh vực ẩm thực, sức khỏe, đời sống, thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật và cả các trang tin... thời sự.

Thật ra, các món nấu nướng chiên xào "chay giả mặn" chẳng hề có gì mới mẻ trong lĩnh vực "trì trai", tức là ăn chay "thiệt", ăn chay theo kiểu... tu. Nó đã có và cũng đã đặt thành vấn đề khiến nhiều người phân vân từ ít nhất hơn 40 năm trước. Vấn đề là trong nhiều năm trở lại đây, số người ăn chay - và cả ăn chay trường (trường trai) - trở nên tăng rất cao về số lượng và rất khác nhau về mục đích. Không chỉ đơn thuần vì lý do tôn giáo, tránh sát hại sinh mạng động vật, hiện nay tùy trường hợp người ta còn ăn chay vì lý do sức khỏe lâu dài; ăn chay để điều trị một vài căn bệnh nào đó; ăn chay vì lý do thẩm mỹ (giảm béo, đẹp da chẳng hạn); ăn chay để thưởng thức "văn hóa" ẩm thực (như cách nói theo thói quen hiện nay); ăn chay... thử cho biết; và ăn chay... "theo phong trào" (tỷ như một thời học Anh văn và vi tính ngoài giờ mới đây vậy mà!).

Do vậy, vấn đề "ăn chay giả mặn" được đặt ra với nhiều ý kiến tương đồng và dị biệt, tán đồng và phản bác rất trái chiều nhau khiến nhiều Phật Tử sơ cơ học Phật hoang mang không biết thế nào cho đúng, còn những "ngài" tu mà không tu, kiểu CÓ CÓ - KHÔNG KHÔNG, tự kỷ mình đã đủ nội lực công phu "thõng tay vào chợ" như các vị Thiền Sư cao minh đắc đạo rồi tha hồ nói hươu, nói vượn cốt biện minh cho cái món "dược thực" của nhà thiền trở thành ngon miệng tự nhiên mình khi ăn, càng làm cho con đường tìm hiểu giáo lý của bá tánh trở nên rối tinh rối mù và... tối mò mò!

Chỉ nói riêng một loại thực phẩm quen thuộc nhất và đã từng nghe các Phật Tử mới tìm hiểu đạo Phật thường hỏi Giảng Sư tại các buổi thuyết pháp hồi trước là món trứng (gà, vịt...), chính người góp nhặt bài viết này đã có lần tá hỏa khi nghe một vị xuất gia hỏi tại một nhà cư sĩ tại gia khi trong nhà đang dọn món bánh mì ốp-la (Oeufs au plat) điểm tâm sáng: Trứng gà đẻ hay "trứng công nghiệp" để cùng ăn chung với gia đình cho vui(!) Sau đó tôi còn tá hỏa hơn khi kể lại chuyện này thì nhiều vị "cười hết nổi" nhưng vẫn có khá nhiều vị - tại gia lẫn xuất gia - khẳng định một cách chắc nịch: TRỨNG GÀ công nghiệp vẫn ăn chay được vì đâu có... trống (tức không có sinh mạng)!!!


Vậy đó! Còn quan niệm quý vị thì sao? Hay chúng ta hãy cùng nhau thâm nhập vào cái mê cung "chay giả mặn" này xem đâu là con đường chúng ta sẽ lựa chọn cho mình - dĩ nhiên theo tư duy cá nhân, kết hợp với nhân sinh quan, thế giới quan Phật Giáo - để vừa phù hợp với quan niệm xã hội vừa không xa rời giáo lý Phật Đà âu cũng là một điều hữu ích, không bỏ phí thì giờ huân tu thiết thực vậy.

Trước hết chúng ta nghe miêu tả (chưa phải là toàn cảnh) về "thị trường chay giả mặn" trên tờ Thế Giới Tiếp Thị mà 2 phóng viên Tấn Giang và Minh Cúc gọi là Cầu kỳ tên gọi trong bài tường thuật của họ:

Nếu dạo một vòng quanh các chợ, cửa hàng thực phẩm chay, siêu thị… nhiều người hẳn sẽ không khỏi bất ngờ trước hàng loạt các thực phẩm chay giả mặn như vịt quay, heo quay, tôm, mực, sườn, ốc bươu… Mà các sản phẩm này khi chế biến xong lại rất giống món ăn mặn khiến không ít người phải dở khóc dở cười.

Chẳng hạn như một anh bạn đồng nghiệp ở quận 10, TP.HCM, đã phải nhăn mặt chửi đổng: “… đã ăn chay mà còn ham sân si thì ai mà chứng cho…” khi sớn sác mua nhầm nửa ký thịt heo quay chay về để… nhậu.


Còn những người “cố tình” ăn chay như vợ chồng ông LK, ở quận 7 lại khá thoải mái với món chay giả mặn khi đến ngày ăn chay. Vốn là chủ một hệ thống nhà hàng lớn ở TP.HCM và các tỉnh/thành miền Nam, dịp rằm và ba mươi hàng tháng, vợ chồng ông đều ăn chay để cầu... mua may bán đắt! Ông K vừa gắp miếng “cá thu” chiên vừa cười toe toét khoe: “Ăn chay thời nay cũng không có gì khó! Mình muốn ăn tôm hùm kho tàu hay cá kèo kho tiêu hoặc cá thu chiên nước mắm đều có. Hương vị y chang món mặn”.


Ngoài các sản phẩm khô, tại các nhà hàng chay món chay giả mặn được chế biến cầu kỳ và phong phú hơn. Nhà hàng LTT trên đường Hoa Sứ (Q. Phú Nhuận) có thực đơn 200 món với một số tên gọi khá kêu như Ngọc Thực cung đình, cơm chiên Dương Châu, bún xào Singapore, salad Nga… giá từ 30.000-200.000đ.

Còn nhà hàng chay V... ấn tượng với thực đơn 120 món Tây Tạng (Kim Cang Thừa), phù hợp khẩu vị Việt. Nhiều tên gọi mỹ miều như Kỳ viên thiên kim, Thúy trúc hoàn hoa, Khai tâm kiến nguyệt, Long Hoa hải hội… Ngoài ra, còn có các món như miến trộn Nepal, nấm né Nepal, sườn dừa ram Ấn Độ, cơm trộn Nepal, cà tím xào nấm Bhutan… giá từ 60.000-200.000đ.

Đặc sắc hơn, có một số nhà hàng chay giới thiệu các món chay nước ngoài như hamburger, pizza, mì Ý, lẩu Thái, sandwich nướng patê, sandwich nướng xúc xích, bánh rong biển chiên… Món chay nước ngoài thực sự là các món chay “nhái” theo các món ăn nổi tiếng của nước ngoài nhằm tạo sự đa dạng về khẩu vị cho người ăn chay, nhất là giới trẻ.

Đa dạng các món chay nước ngoài nhất phải nhắc đến các quán chay tại “khu phố Tây” trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1). Ngoài phục vụ các món chay Việt Nam, các quán này còn phục vụ các món chay của Ý, Mexico, Thái Lan. Quán ALC tại khu này phong phú các món chay của Ý, Mexico, Thái Lan với cách chế biến khiến những người không thích ăn chay vẫn cảm thấy thật ngon. Nào là pizza Ý, càri Thái, gà xào Thái Lan, bánh mì bơ tỏi, trứng ốp-la… Đặc biệt, bánh Mexico đa dạng màu sắc với vỏ bánh vàng ươm, cà chua tươi rói và cải xanh mát mắt. Kẹp bên trong là lớp nhân bánh làm từ đậu đen thật bùi, thật thơm. Chan thêm ít nước xốt cà chua lên bánh nữa là hoàn hảo.


Còn quán chay BĐ nguyên thủy có bộ sưu tập các loại bánh kếp như cuốn rau mồng tơi xốt kem, chuối, xoài, thơm, sôcôla… giá 30.000đ/phần. Ngoài ra còn có các loại pizza và mì Ý. Món mì Ý trái ô-liu có hương thơm đặc trưng của món Ý, không nồng mùi bơ, xốt cà chua đỏ thắm cùng trái ô-liu cắt khoanh khiến món ăn không những đẹp mắt lại ngon miệng.

Tuy nhiên, bài báo này cuối cùng có một cảnh báo cho thực khách ăn "chay giả mặn" cần phải cảnh giác với nguồn gốc nguyên liệu:

Các đầu bếp của quán LKM, (Q. Bình Thạnh) cho rằng các món chay giả mặn chứa nhiều bột ngọt, tinh bột và hương liệu không tốt cho sức khỏe. Ở quán này, họ chủ trương không nêm đường, bột ngọt. Thay vào đó, họ sử dụng chất ngọt tự nhiên, được hầm từ củ sắn (củ đậu), cà-rốt, nấm rơm… Còn một số chuyên gia dinh dưỡng thì cho rằng, nếu ăn chay không vì lý do tôn giáo thì việc ăn chay giả mặn không có gì là xấu nếu sử dụng các thực phẩm tươi và ăn đủ chất. Cảnh giác với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, có chứa các chất độc hại chưa được kiểm soát như phụ gia, chất bảo quản, phẩm màu, hàn the…

Đặt tên “mỹ miều” để... nhử thực khách, đó là cách phóng viên Bùi Hiền của trang mạng kienthuc.net nói trong bài “Món chay giả mặn” mang bản chất... gợi cảm". Trang này viết:

Hiện nay ăn chay đã được xem như một cách để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp, ung thư... nhưng nhiều người trong số đó đã quen ăn thịt, cá. Vì vậy, để hút khách tới quán chay đòi hỏi công nghệ chế biến thực phẩm chay làm sao tạo ra những sản phẩm thực vật nhưng lại có hương vị của đạm động vật. Đồng thời, các món này cũng phải bắt mắt nhìn như các món mặn, để đánh lừa giác quan của những người muốn ăn chay nhưng lòng còn vương vấn mùi thịt, cá.


Cũng trong bài báo này, kienthuc.net phỏng vấn 1 vị Đại Đức (thuộc VP.I/T.Ư.GHPGVN) về vấn đề này và được trả lời:

Theo lời Phật dạy, người Phật Tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tính cách gợi cảm làm cho con người sinh tâm đắm nhiễm. Trong nhà Phật thường nêu ra hai thứ dục nhiễm: Thiện nhiễm và Ác nhiễm. Chúng ta cần phải tập cho mình những thói quen tốt, đó là thiện nghiệp. Thói quen ăn chay là một trong những thiện nghiệp mà người Phật Tử cần phải phụng hành.

...Việc đặt tên món chay giả danh món mặn cũng là một bí quyết, thủ thuật rất hay của những nhà làm thương mại. Bí quyết đó nhằm đánh động được tính hiếu kỳ của con người. “Gợi cảm” như vậy mới có thể lôi cuốn hấp dẫn người ăn chay. Cách đặt tên đó, ngoài việc đánh động thị hiếu tò mò của con người, còn có một tác dụng là làm cho người ta dần không gây thêm tội sát sinh hại vật nữa.

...Con người vốn chìm đắm trong sắc dục, trong đó có ham ăn ham uống. Vì thế dù có ăn chay họ cũng chưa đoạn dứt được sự thèm muốn các món ăn mặn. Nhưng dù là món chay được làm theo hình dáng của thức ăn mặn thì đó vẫn là đồ chay, vẫn giảm thiểu được sự sát sinh.

...Người tu không phải là người đặt ra tên gọi của những thức ăn đó. Đây là lĩnh vực chuyên môn trong phạm vi thương mại. Ðã là thương mại, tất nhiên ai cũng muốn có lợi nhuận dù đó là bán thức ăn chay. Việc đặt tên món chay giả mặn, tuy mang tính thương mại nhưng vẫn là điều rất tốt. Trong một quốc gia nếu có được nhiều tiệm cơm chay và nhiều người ăn chay thì đó là một điều hạnh. Vì ít ra, cũng có nhiều người hướng thiện.

...Trên thực tế, những người vào quán ăn chay hay tự tay làm đồ chay đâu phải tất cả là Phật Tử. Có những người không phải là Phật Tử nhưng họ thích ăn chay. Còn người đặt tên “chay giả mặn” như thế cũng không có tội lỗi gì. Có thể nhờ vào sự gợi cảm bằng những tên gọi hấp dẫn đó mà nhiều người thích ăn chay. Khi ăn chay lâu ngày trở thành thói quen, từ đó họ sẽ phát tâm ăn chay trường luôn. Việc đặt tên món chay giả mặn như thế cũng là một cách hay để khêu gợi cảm giác thưởng thức háo ăn của con người. Và những thực khách thưởng thức ăn chay qua “nhãn hiệu” đồ mặn đó, nếu như có vọng tưởng nghĩ đến đồ mặn đi chăng nữa, cũng là điều tốt chớ không có gì là tội lỗi cả.

Lại trong một bài viết khác tựa đề Thương cho người ăn “món chay giả mặn”, PV Bùi Hiền bày tỏ nhận định Món chay giả mặn không gợi cảm với người xuất gia. Bài báo viết:

Các “món chay giả mặn” được sản xuất tràn lan và đã có rất nhiều người tại gia hào hứng đón nhận. Tuy nhiên, với người xuất gia thì ngược lại, họ ăn với tâm không tác ý.

Mục đích của việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn để họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn. Tuy nhiên hình thức này chỉ phục vụ cho đại đa số người tại gia, chứ những người xuất gia thì hoàn toàn không có gợi cảm gì cả.

Tác giả bài này cũng tìm hiểu một tu sĩ Phật Giáo là Thầy TGT (Bình Định) và được Thầy chia sẻ:

Rất ít người xuất gia muốn ăn các món ăn "chay giả mặn" vì sản xuất bằng hóa chất nhiều không tốt sức khỏe. Ăn chay lâu rồi nghe đến mùi vị đồ mặn thấy sợ. Khi nhìn thấy các món ăn đó, không gợi lên điều gì trong người xuất gia. Chỉ cảm thấy tội cho người ăn mặn vì mùi vị thôi mà họ sát hại quá nhiều sinh mạng, chứ ăn vào bao tử rồi thì chỉ còn là chất dinh dưỡng.


Đối với người xuất gia, khi phải ăn các món "chay giả mặn" chỉ vì bắt buộc thì khi ăn phải với cái tâm không tác ý. Nếu ăn ở chùa thì sẽ nấu bằng nguyên liệu của rau quả, đạm bạc, đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh hơn.

Trong cùng bài báo trên, theo Đại Đức TNT (Thành Hội Phật Giáo TPHCM) thì cần loại trừ thói quen ăn món "chay giả mặn":

Thay vì để thực khách ăn thịt những con vật thật, nhà sản xuất tạo ra những món chay giả các loại thịt để cho người ăn bớt đi nghiệp sát. Khẩu vị tiếp xúc thì giống nhau nhưng nghiệp sát mạng sống thì không có, nhằm mục đích dẫn dụ người chưa quen ăn chay.

Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm chay giả mặn không còn hương vị chay tịnh nữa mà tanh hôi. Ăn những thực phẩm đó nếu không biết trước là đồ chay giả mặn thì không thể phân biệt được giữa thật và giả. Lúc ăn những đồ chay giả mặn, hạt giống sát hại thầm lặng được xúc tác, tưới tẩm và nuôi lớn. Ăn thực phẩm này chẳng khác nào ăn những động vật thật dưới góc độ tâm tưởng.


Còn về phương diện y dược học và tâm lý học đối với sức khỏe, Dược Sĩ QHH (quận 12, TP.HCM) thẳng thắn trình bày với phóng viên và độc giả của bài báo:

Các thực phẩm đó không có dưỡng chất và chứa nhiều độc tố. Hạt giống của tâm sát hại vô tình vẫn được tồn tại dưới dạng tùy miên (ngủ trong tạng thức con người - PV).

Thấy thị trường đồ chay có cơ hội phát triển nên hiện nay nên đã có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm "chay giả mặn". Để có thể tạo món chay có hình dáng và hương vị giống như món mặn, người ta phải sử dụng nhiều loại hóa chất tạo mùi, tạo màu... Với ý nghĩa ăn chay để thanh lọc cơ thể thì những món chay giả mặn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn kiêng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người ăn chay. Vì người ăn chay là phải ăn theo chế độ dinh dưỡng thuần khiết tự nhiên nhất, mà thực phẩm chay giả mặn đã có thêm các chất phụ gia và chế tạo qua, sẽ ảnh hưởng đến nguyên chất của thực phẩm. Nếu thường xuyên ăn các món này, với người còn ăn chay kỳ trong một thời gian dài và ăn liên tục trong cả tháng, thì không những đã không thanh lọc được cơ thể mà trái lại đang tự cung cấp những tác nhân xấu, đầu độc chính mình và sẽ gây ra một số bệnh về sau.

Cũng đứng hẳn về phương diện sức khỏe, tờ báo mạng Một Thế Giới cũng có bài viết Ăn chay giả mặn như ăn cơm chấm cơm để nói lên quan điểm chay tùy tâm - chay cũng tùy tạng của một bác sĩ trả lời câu hỏi: Hiện có rất nhiều các món chay giả mặn chế biến sẵn. Các món này có cung cấp đủ chất dinh dưỡng như các món mặn hay không?

Đa số các món chay giả mặn đều làm từ chất bột đường như khoai sọ, khoai mì, bột mì, bột bắp, bột gạo… Những chất này dễ làm người sử dụng hiểu lầm một cách tai hại rằng rằng mình ăn đủ chất đạm. Nhưng thực tế, phần lớn các thực phẩm trên được làm từ nhóm bột đường chứ không phải là nhóm cung cấp đạm nên không thể thay thế cho nhóm đạm trong khẩu phần, Vì thế, ăn các thức ăn giả mặn như “tôm, ốc, gan, thịt…” thay cho nhóm đạm không thể đáp ứng cho nhu cầu đạm của cơ thể. Giống như hiện tượng “cơm chấm cơm, bột chấm bột”, khi ăn chỉ làm tăng chất bột đường, gây mất cân đối, thiếu các chất đạm, dư chất bột đường, không lợi cho sức khỏe nhất là những người trường chay. Mặt khác, những món chế biến này thường dùng các chất phụ gia, phẩm màu, bột ngọt và các chất bảo quản nên khó tránh gây độc khi ăn với lượng nhiều và thời gian dài. Khi ăn các món chay giả mặn thì nên ăn bớt cơm, bún lại và ăn thêm các thực phẩm chay giàu đạm làm từ đậu, mè, nấm, tảo…


Và bây giờ chúng ta sẽ nghe các quan điểm hoàn toàn khác nhau về vấn đề "ăn chay giả mặn" này của những người ăn chay là Phật Tử.

Trong bài Đừng cố chấp vào việc ăn chay giả mặn của một bạn đọc post trên diễn đàn Báo Giác Ngộ sau khi đọc bài Thức ăn chay giả mặn, lợi bất cập hại của tác giả Lâm Minh Triết:

Trên báo Giác Ngộ, tôi đọc được bài viết "Thức ăn chay giả mặn, lợi bất cập hại" của ông Lâm Minh Triết phản ứng kịch liệt về những thức ăn chay mà toàn dùng những từ "mặn" để gọi tên (như cháo lòng, thịt gà xé phay...) khiến người ăn chay không quên được mùi thịt cá, khó thể tiến tu được, làm người tu gợi nhớ đến những chủng tử thịt cá trước kia, vô tình trở thành thứ yêu quái quyến rũ người tu quay lại con đường ác... và còn làm tổn hại lòng từ bi của người con Phật".

Tác giả bài viết là người ăn chay trường, tham dự một khóa tu tại chùa PT, Tp.HCM, và tác giả đã bỏ dở khóa tu trở về nhà vì không chịu nỗi những thực phẩm như vậy và không muốn tâm linh mình bị nhiễm bẩn một lần nữa.

Đọc bài viết, tôi bỗng sinh lòng lân mẫn (thương xót) đối với ông Triết. Sự phản ứng mạnh mẽ về chuyện ăn chay tới mức phải bỏ dở khóa tu đã trở thành định kiến quá khích khiến suy nghĩ của bạn trở thành hẹp hòi, chấp thủ: "Điều gì không hợp với ta dứt khoát điều đó chống lại ta".

Tác giả đã rơi vào một trong tam độc của con người: Sân (hai độc kia là tham và si). Chỉ vì giận chùa nấu loại thực phẩm giả mặn mà bỏ khóa tu và vì không muốn tâm linh bị nhiễm bẩn với tư tưởng "ăn chay thuần khiết, quyết không để thứ giả mặn kia làm tâm ô nhiễm". Than ôi! Ông Triết liệu có biết Phật đã dạy "lửa sân hận thiêu đốt cả rừng công đức".

Vâng. Tại sao ông không nghĩ lại rằng khi chùa tổ chức một khóa tu hàng chục, có khi là hàng trăm Phật Tử tham dự, thì khổ nhọc nhất chính là các vị đầu bếp nhà chùa, thức khuya dậy sớm, tẩn mẩn tỉ mỉ nấu nướng các món chay với nhiều hình thức phong phú (cũng phải gia công suy nghĩ đổi món dùng mỗi ngày - khó lắm chứ phải chơi sao!) để phục vụ các Phật Tử tham dự ăn ngon miệng, ăn đúng bữa, có sức khỏe để mà tu tập tinh tấn. Cho dù họ có nhào nặn hình thức món ăn giống con tôm, con cá nhưng không phải là nhà hàng nên chẳng có thực đơn, tên gọi, cứ đúng bữa là dọn lên.


Thay vì nghĩ đến công lao nhọc nhằn của các đầu bếp chùa để thương xót họ, ông Triết lại nhảy dựng lên khi thấy các món chay giả mặn trên bàn để rồi giận quá bỏ dỡ khóa tu; có khác gì một gáo nước lạnh tạt vào những vị công quả tại chùa, khiến họ buồn lòng (mong rằng họ không đọc được bài viết của ông Triết), đã thế lại còn nói không để tâm linh bị nhiễm bẩn.

Những đầu bếp của chùa dùng tâm chúng sinh để nấu nướng thức ăn phục vụ Tăng chúng. Họ vui khi thực khách khen ngon, ăn hết thức ăn, họ buồn khi nhìn thấy còn thừa nhiều (có lẽ vì nấu dở). Tâm họ không nhiễm bẩn mà chính ông Triết tự làm cho nhiễm bẩn bởi bức bối đối với việc giả mặn của thức ăn chay tại chùa.

Vị tác giả bài phản hồi này còn kể lại câu chuyện thiền về "hai vị Tăng lội qua sông, trong đó có một vị cõng giúp một cô gái qua sông" mà hầu hết chúng ta đều biết và cuối cùng kết luận:

Đạo lý vi diệu nhất của Phật pháp là ở "TÂM" (Vạn pháp duy tâm tạo). "Tâm tức Phật, Phật tức tâm". Ăn chay hay ăn mặn chỉ là hình thức bên ngoài. Tâm hòa theo vạn vật, thấu hiểu lẽ "vô thường" của kiếp sống "thành, trụ, hoại, không", thấu triệt nguyên lý nhân quả luân hồi của mọi việc, lấy tâm từ bi, hỷ xả để sống trong đời, có thế mới sinh trí huệ và đạt được "chánh tinh tấn" trên đường tu tập, không nên lấy việc ăn chay thuần khiết để làm căn bản tiến tu mà diệt trừ chấp ngã.

Ðức Phật đã từng cảnh cáo chúng ta về sự chấp thủ vào những quan niệm và ý kiến, như là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra đau khổ. Theo đó thì quả là ông Triết đang khổ bởi đi ăn chay ở đâu cũng nhìn thấy mùi mặn. Sự cố chấp về chay mặn đã khiến tâm ông không được bình an, luôn thấy khó chịu. Có lẽ ông chưa hiểu: "Ăn chay không phải là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật Tử". Ăn mặn nhưng lòng buông xả, từ bi thì vẫn tốt hơn là ăn chay mà lòng tham lam sân hận.

Người Phật Tử phải là người có tâm từ, lòng hỷ, yêu thương mọi người, mọi loài, hành xử trong đời theo đúng 5 giới của nhà Phật. Người Phật Tử chân chính phải biết tự giác và giác tha. Mong rằng trên con đường tu tập, ông Triết sẽ dần dần buông xả hết những định kiến chấp nê của mình tiến tới an lạc thân tâm. Đừng lo hoài chuyện chay mặn của trần thế!


Còn dưới đây là đoạn tâm sự của Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám Đốc Công Ty Sách Thái Hà (Thái Hà Books) do Minh Thiện ghi lại, được chia sẻ qua rất nhiều trang báo mạng và trên Facebook:

Anh bạn tôi ra Hà Nội thăm, sau mấy ngày bên nhau, anh hỏi tôi: “Thầy Hùng ăn chay trường chứ?”. Tôi bảo không, anh ngạc nhiên và nhìn tôi với con mắt lạ lẫm.

Nhớ lại, ngày xưa có lần được một quý Thầy mời vào chùa ăn chay. Bày lên bàn là cỗ long trọng, nhiều món. Nào là đùi quà quay, gà xé phay, tôm hấp, rồi thịt bò bít tết… Dĩ nhiên, tất cả là đồ chay, được làm từ đậu phụ (đậu hủ, khuôn đậu - QM) và rau củ quả, khiến lúc đó tôi giật cả mình!

Thật sự ở một số quán ăn chay ngoài đời, người ta cũng chế ra một số món ăn chay nhưng tên mặn. Có lẽ đó là phương tiện tùy duyên để hướng mọi người cùng ăn chay. Bây giờ tôi thấy còn có cả nước mắm chay. Thực ra tôi nghĩ, khách hàng đến ăn tại những nhà hàng chay này là những người không phải Phật Tử hoặc là Phật Tử những chưa hiểu biết rõ về ngũ giới nên mới làm vậy.


Quay lại câu chuyện chay mặn, ngày xưa đức Phật không bắt đệ tử phải ăn chay. Chư Tăng đi khất thực, ai cho gì ăn đó.

Tam tịnh nhục được phổ biến rộng rãi mà ai cũng biết - trong đó có tôi và bạn - rằng nếu không nghe, không thấy con vật bị giết chết, không nghi con vật đó vì mình mà chết thì có thể được ăn. Ngay chính những ai ẩn tu trong rừng thì còn 2 loại thực phẩm nữa, là nếu như con vật bị các con thú khác giết chết, ăn thừa và bỏ lại thì có thể ăn; cũng vậy, nếu con thú bị chết do tai nạn thì cũng có thể ăn được.

Chúng ta không sát sinh là để tỏ lòng từ bi, yêu thương mọi chúng sinh. Chúng ta không trực tiếp sát sinh và không khuyến khích kẻ khác sát sinh và giết hại. Tất cả là vì lòng từ bi. Chúng ta ăn chay tức là ăn thực vật, không có chất động vật. Đây là cách chúng ta làm để bảo vệ mạng sống của kẻ khác. Nếu mọi người yêu thương được những con vật nhỏ như trâu, bò, gà, cá… thì dĩ nhiên ta yêu thương những con vật gần ta như chó và mèo và chắc chắn, chúng ta cũng yêu thương con người, những người xung quanh... Người với người sống để yêu thương nhau mà!

Đức Phật dạy “tâm làm chủ các pháp”. Càng ngẫm tôi càng thấy hay và quá đúng. Có lần một bà mẹ hỏi tôi, rằng chị dẫn con đi câu cá nhựa ở công viên có sao không. Tôi giật mình! Hóa ra chị ta vẫn chưa hiểu kỹ về giới thứ nhất – sát sinh. Việc câu cá nhựa làm cho cháu bé vui thú. Vui thú với cảnh bắt được cá, câu được cá. Cái này có khi còn nguy hiểm hơn câu cá thật. Thế này nhé! Nếu như anh A nhà không có gì ăn, anh phải đi bắt cá về ăn hay bán đi mua gạo. Anh làm việc này vì miếng cơm, để tồn tại. Anh bắt cá mà thương con cá. Rõ ràng tâm của anh hơn hẳn tâm của mẹ con chị phụ nữ dẫn nhau đi câu cá nhựa.

Con hổ khi no không bao giờ tấn công con mồi. Con sư tử hung dữ vậy nhưng khi no bụng, thấy ta đi qua cũng dửng dưng. Con rắn, con trăn ít khi tự nhiên tấn công ta, trừ khi chúng thấy bị de dọa. Rõ ràng tâm của họ có khi còn thiện hơn ta, còn sáng hơn ta – con người. Họ ăn thịt là vì bản năng sinh tồn. Còn ta…? Có nhiều người ăn thịt gà và tấm tắc khen ngon. Có người ăn thịt bò mà mê mẩn. Thử hỏi, nếu như có loại động vật khác, rất to, rất mạnh, bắt ta và ăn thịt. Đã vậy còn khen ngon. Bạn nghĩ sao?

Chúng ta thà ăn mặn mà tâm thanh tịnh, ăn để sống để nuôi tấm thân này còn hơn ăn chay mà tưởng tượng ra đang ăn cá, ăn bò, ăn dê, ăn lợn. Tôi luôn chia sẻ với những ai đang ăn mặn rằng, trước khi ăn nên sám hối, nên xin lỗi con vật mà mình ăn. Rằng đây là vì phải ăn để nuôi tấm thân. Và cũng nên nguyện tu tập và hồi hướng công đức cho họ để họ được siêu về cõi lành.

Tự nhiên tôi nhớ đến câu nói của Henry Drummond "Hãy nhìn lại cuộc đời mình trong những giờ phút kiên gan chống chọi với nghịch cảnh, bạn sẽ thấy rằng: những khoảnh khắc bạn sống thực sự là những lúc bạn làm điều gì đó bằng tình yêu".

Khi ăn hãy nhớ đến những khó khăn của người nuôi trồng. Khi ăn nên nghĩ đến những sinh mạng đã hy sinh để mình được sống. Nên học yêu thương. Nên thực hành yêu thương mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi hành động, tại từng bữa ăn.

Cá nhân tôi không bao giờ ăn các món chay giả mặn. Như vậy là ta ăn chay niệm mặn rồi. Khi tu, việc niệm trong tâm đó mới thật sự quan trọng chứ ạ!

Tôi luôn nghĩ, gọi ăn mặn là không đúng. Lẽ ra nên gọi là ăn mạng, tức ăn mạng sống. Tôi cũng lại nghĩ gọi là ăn chay cũng hay, nhưng nên đổi thành ăn lạt. Ăn lạt hoặc là ăn nhạt. Mà ăn lạt tức an lạc. Nếu ăn chay tất có an lạc, có bình an.

Và để chấm dứt thiên hý luận dông dài về "ăn chay giả mặn" này, có lẽ chúng ta nên đọc và học lại quan niệm của Hòa Thượng Tuyên Hóa được Trần Do Bân giới thiệu trong bài Chay thuần khiết và chay giả mặn từ bản dịch nguyên bản Hoa Ngữ: Thí Luận Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng Đích Phật Học Cống Hiến đăng trên nguyệt san Vajra Bodhi Sea từ số tháng 6/1996 đến số tháng 10/1997.

Hòa Thượng nói:

Những người ăn chay mà lại làm đồ chay giả thịt gà, giả thịt vịt hay giả cá... vẫn không thể quên mùi vị của thịt và luôn luôn muốn thưởng thức mùi vị này, dù cho ăn đồ giả cũng để đỡ thèm. Trong Phật Giáo nhất định phải cải thiện thói quen này; nếu không cải thiện thì dần dần sẽ không còn người xuất gia nào ăn chay nữa! Người ăn chay thì ngay cả cái tên thịt gà, thịt vịt đều không nên đề cập đến, huống chi là nhìn ngó hình thù của loài súc sanh đó! Tôi hy vọng rằng mỗi Phật Tử đều có được Trạch Pháp Nhãn, nhận ra nhân quả, và không bị vướng mắc trong nhân quả.


Kinh Lăng Nghiêm có chép:

"Nếu nhân địa không chân thật, thì quả sẽ cong vạy". Mặc dầu những thức ăn này là những súc sanh giả, tuy nhiên, bên trong vẫn tồn tại mối liên hệ nhân quả hết sức vi tế. Hãy xem quyển 6 của Kinh Lăng Nghiêm, trong đó Đức Phật có nói rằng: "Này A Nan, ta cho phép Tỳ-kheo ăn 5 loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục), nhưng thịt này thật sự là do thần lực của ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn. Các ông, những người Bà La Môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm, và trong vùng đầy cát và sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được; do đó, ta phải giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi. Do lòng từ bi to lớn nầy, những gì các ông ăn và nếm giống như thịt và nói đó là thịt; thật ra không phải vậy. Sau khi ta nhập diệt, làm thế nào những kẻ ăn thịt của chúng sanh lại được gọi là đệ tử của Thích Ca?"

Năm loại tịnh nhục này chỉ là do thần thông của Đức Phật biến hóa ra; chúng vốn không có mạng căn. "Vì địa phương nơi người Bà La Môn các ông sinh sống khí hậu quá nóng và nhiều sỏi đá rau cải không sinh trưởng được, do đó ta mới 'huyễn hóa tạo thành' năm loại tịnh nhục để các ông ăn" - đó cũng là trường hợp ăn 'thịt giả'. "Vì sao sau khi Phật diệt độ, những đệ tử bất hiếu của ta đã ăn 'thịt thật' mà còn vọng xưng mình là đệ tử của Phật!".

Phật có dự ngôn là sau này sẽ có đệ tử của Phật ăn thịt thật mà còn nói rằng đó là do Phật cho phép. Ngày nay các tiệm ăn chay khắp nơi dùng "thịt chay" như là một phương tiện để tiếp dẫn người ăn thịt trở thành ăn chay, nhưng như vậy họ có thể rơi vào vấn đề nhân quả "bất tịnh" vì có sự nguy hiểm trầm trọng là sau khi ăn đồ giả một thời gian, người ta muốn ăn "đồ thật"!

Người ta không nên dồn năng lực vào chuyện thức ăn và đồ uống. Ăn no là đủ lắm rồi, không nên sanh tâm chấp trước vào hình dạng và mùi vị. Ngoài ra còn có vấn đề người ăn chay có ăn trứng được hay không? Hay là những kẻ ăn trứng được gọi là "người ăn chay giả mạo" và những người không ăn trứng là "ăn chay thuần khiết"? Mặc dầu đây là câu hỏi mà mọi người đều có ý kiến riêng bởi vì "khó cho vị quan thanh liêm phán đoán chuyện nhà, khó cho Tổ Sư phán đoán chuyện tôn giáo" (Thanh quan nan đoán gia vụ sự, Tổ sư nan đoán tông giáo sự), chư Tổ và chư Tôn Đức phần lớn đều có thái độ không chấp nhận về vấn đề ăn trứng. Ví dụ: "Ăn trứng không thích hợp vì nó có sinh mạng và có độc". "Ăn trứng thì không được!" Nhưng những kẻ tà kiến nói: "Trứng không có thụ tinh thì ăn được." Đừng có tin! Ăn bất cứ thứ gì có tri giác thì không được. Người ta không nên ăn trứng vì mặc dầu chúng không có tri giác nhưng chúng có sanh mạng.

Đạo tràng của Hòa Thượng Quảng Khâm, Thừa Thiên Thiền Tự có quy định rõ: "Cấm không được mang theo các loại thịt và thức ăn mặn, thuốc lá, rượu và trứng". Hòa Thượng Sám Công ở chùa Liên Nhân có nói trong một buổi thuyết pháp có thâu băng là "không được ăn trứng gà".

Và Hòa Thượng cũng có nói:

Quý vị nói người ăn chay có ăn trứng thì không sao ư? Đợi đến khi quý vị (làm gà) mang thân gà, lúc đó quý vị sẽ biết đó chính là lý do, có thể lần ra manh mối trực tiếp từ việc ăn trứng gà. Một số Phật Tử ăn 3 loại tịnh nhục và một số hoàn toàn ăn thịt. Nếu quý vị tham ăn và thích ăn đồ dinh dưỡng, sao lại hỏi tôi? Nếu quý vị muốn ăn trứng, thì đó cũng như ăn thịt.

Phần III của Kinh Kim Cang, tựa "Đại Thừa Chánh Tông" nói rằng: "Tôi phải làm cho tất cả chúng sanh - sanh từ trứng, từ thai bào, từ ẩm ướt, từ biến hóa - vào Niết Bàn Vô Dư để họ được diệt độ. Không lẽ trứng gà không phải là "sanh từ trứng" hay sao? Trong Hiện Thực Luận có nói: "Không thể ăn bất cứ loại trứng nào bởi vì trong đó có chủng tử".


Thật ra chúng ta cũng không cần tìm xem trứng là chay hay không chay, chỉ suy nghĩ về vấn đề này: Người ta có thể không ăn thịt gà, thịt vịt, tôm, cua, đồ biển... vậy mà chỉ một món trứng mà "không thể bỏ" hay sao? Ngoài ra, nếu một người ăn trứng đều đặn (không ăn gì ngoài trứng), thì e rằng sau một tuần có thể người đó sẽ bị nhiễm độc. Mặt khác nếu một người uống sữa (không có gì ngoài sữa), không phải chỉ một tuần, cho dầu đến một tháng, người đó vẫn bình an vô sự. Nếu quý vì không tin, cứ thử đi! Vấn đề không phải ở điểm trứng là chạy hay mặn, mà là lòng tham đằng sau sự tham ăn của chúng ta.


QUANG MAI góp nhặt.

Chú thích: Những hình ảnh trong bài là các món "chay giả mặn" và thuần chay được sưu tầm để minh họa cho bài viết, không hàm ý quảng cáo hay khuyến khích, cổ súy.
Chủ đề:

2 comments

  1. bài viết rất hữu ích,mình cũng chia sẽ thêm bài viết Ăn chay có được ăn trứng không hy vọng nó cũng sẽ hữu ích

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn theo mình được biết là có những vị tu tại gia vẫn được ăn trứng và đó là điều vi phạm trong 1 trong 5 giới của người Phật tử tại gia

      Xóa

Lên đầu trang