VIẾNG MỘ BÁC SỸ TÂM MINH - LÊ ĐÌNH THÁM

VIẾNG MỘ BÁC SỸ  TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM
Trí Năng
Nghĩa Trang Mai Dịch, nằm trên đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nhìn toàn cảnh khu nghĩa trang không thật rộng lắm nằm ngay trong nội đô Hà Nội, có khung cảnh tươi vui, đẹp. 

Hai bên tả hữu có hai hồ nước xanh biếc, mỗi hồ rộng chừng hơn 1.000m2, mặt hồ phẳng lặng, có con đường trải nhựa với hai hàng cây xanh che mát có cảm giác như một công viên, hay tựa tựa như một khu nghỉ dưỡng của những người cao tuổi chứ hoàn toàn không có chút âm khí nào của một nghĩa trang. 
Các phần mộ ở đây được xây cất cùng một kiểu dáng, mỗi phần mộ được xây ba cấp bằng đá xanh, giữa trồng cỏ vuông vức chừng khoảng 8m2 trên những tấm bia khắc hình, tên tuổi, chức vụ..., đúng là nơi an nghỉ dành cho những nhân vật có đóng góp to lớn cho đất nước: các ủy viên trung ương Đảng trở lên; các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh xuất sắc; anh hùng lực lượng vũ trang v.v...
Tôi đến viếng phần mộ của Cụ Tâm Minh - Lê Đình Thám nằm ở khu nghĩa trang bên tay phải (hướng từ ngoài vào) xung quang còn có nhiều ngôi mộ của nhiều "danh nhân" khác. 

Phần mộ của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội)
Tôi cắm hoa, đặt trái cây lên mộ cụ, đốt hương để tưởng niệm mà lòng trào dâng bao niềm xúc động. Ngồi bên bia mộ cụ, lòng tôi thầm niệm "trong cuộc đời thật muôn sự tình cờ, có ngờ đâu hôm nay tôi lại được về bên mộ cụ, mặc dầu tôi đã được đọc nhiều về cụ, nghe nhiều về cụ và cũng biết nhiều về cụ nhưng chưa một lần nào dám nghĩ là sẽ có duyên được về trước mộ phần của cụ để dâng nén hương lòng." 
Từ trước đến nay tôi chỉ biết gởi gắm lòng kính ngưỡng của mình lên cụ tại tượng đài kỷ niệm của cụ trong khu vườn xinh đẹp tại chùa Từ Đàm. 
Bây giờ thật tình cờ tôi được về ngồi bên mộ cụ, mãi mê nhìn hình cụ và đọc những dòng chữ trên bia mộ " Bác sĩ Lê Đình Thám (Cư sĩ Tâm Minh, Uỷ viên đoàn Chủ tịch Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ tịch Uỷ Ban Bảo Vệ Hoà Bình Thế Giới của Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Hoà bình Thế Giới, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Huân chương độc lập hạng ba, huân chương kháng chiến hạng nhất. Quê quán, Điện Quang, Điện Bàng, Quảng Nam. Sinh ngày 1.5.1897, mất ngày 23.4.1969", Lòng tôi vô cùng xúc động". 
 
 
Tác giả bài viết bên phần mộ cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám
Trước mộ cụ, tôi ôn lại những gì mình đã biết về cụ. Từ những năm 1929 -1932, khi cụ vâng lời của chư Đại lão hoà thượng lúc bấy giờ là HT. Phước Huệ, HT. Giác Nhiên, HT. Tịnh Khiết, HT. Tịnh Hạnh đứng ra triệu tập 18 vị đồng lữ thảo điều lệ xin thành lập hội An Nam Phật Học. 
Và tôi nhớ chính cụ đã cho khởi công xây dựng chùa Từ Đàm để làm trụ sở Trung ương của Hội. Nhớ hơn hết cụ chính là người đầu tiên tổ chức đại lễ Phật đản đầu tiên (trong thời hiện đại) vô cùng trọng thể tại chùa Diệu Đế Huế. 
Và trong các thư viện Phật giáo tôi cũng đã đọc và tham khảo nhiều Nguyệt San Viên Âm do cụ chủ trương xuất bản, đấy là cơ quan ngôn luận (đầu tiên) và truyền bá giáo lý-văn hoá Phật giáo do chính cụ làm Chủ nhiệm, Chủ bút. 
Và tôi vẫn còn nhớ ngôi trường Phật học Báo Quốc, nơi ngày đầu tiên tôi bước chân vào học Phật lại chính là nơi ngày xưa do cụ thiết lập lên với danh xưng là Trường Cấp Trung tiểu học do HT. Thích Trí Độ làm Đốc Giáo để đào tạo tăng tài...
Và tôi biết, cụ đã xúc tiến thành lập các Tỉnh hội, Khuôn hội khắp cả miền Trung phần mà điển hình là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... cùng với vô vàn những Phật sự khác như giảng kinh, viết báo, điển hình nhất và để lại cho đạo, cho đời, bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm xuất bản đầu tiên vào mùa Xuân năm Tân Sửu (1961) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội...
Chính vì vậy mà người Huế đến nay vẫn còn nhắc đến cụ với danh xưng "Pháp sư Cư sĩ" và nhiều nhiều nữa những gì tôi đã học, đã đọc và đã biết về cụ bây giờ đây, trước mộ cụ tôi mường tượng nhớ lại như một lời tưởng niệm dâng lên cụ. 
Tưởng niệm công đức của cụ, vừa tài thí vừa pháp thí cùng với những chủ trương đúng đắn của cụ mà Phật giáo Việt Nam (Hội An Nam Phật học, Nguyệt San Viên Âm...) trong những năm đầu thế kỷ XX vượt qua khỏi mọi thăng trầm, mọi chướng ngại thế gian để gây dựng được một thanh thế lớn giữa trào lưu phục hưng đạo pháp, phục hưng dân tộc, từng bước đưa Phật giáo nước nhà từ chỗ đang bị quên lãng đến vị thế lớn trong lòng dân tộc và thế giới.
Hôm nay, trước phần mộ của cụ, trong lòng tôi miên man bao nỗi suy tư về Phật giáo Việt Nam. Lòng mừng mừng tủi tủi bên mộ phần của cụ - một người có thể nói là ngọn cờ đầu trong công cuộc chấn hưng ngôi nhà Phật giáo. 
 
 Trí Năng
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang