Một buổi chiều cuối tuần, tôi đang có
mặt tại nhà bác sỹ Vân, một người bạn thân thiết, thì có mấy người bạn
khác đến. Những người bạn này bắt tôi phải đến thăm ngay một nhà sách,
mà theo họ, rất đặc biệt; rằng người “nổi tiếng” và tâm huyết về sách
như tôi, lại được mệnh danh là “tiến sỹ văn hóa đọc” không thể không
đến. Thế là cả nhóm lên xe phóng như bay về phía quận Bình Thạnh,
Tp.HCM.
Bất ngờ đầu tiên của tôi là diện tích
của quầy sách khá khiêm tốn nhưng người chủ đã rất khéo đóng các kệ để
xếp và trưng bày sách dọc theo cầu thang. Đây là cách làm rất tuyệt:
tiết kiệm diện tích tại thành phố, nơi đất quý như vàng.
Tôi ấn tượng ngay với thông báo dán ngay trong quầy sách: Cho mượn đĩa, kinh, sách Phật. Có tượng, đĩa, kinh Phật ấn tống. Thật tuyệt vời và quý giá trong thời buổi cái gì cũng bán, cũng kinh doanh này. Thú vị hơn nữa khi tôi đọc tiếp: Đọc sách miễn phí. Kinh, sách, đĩa được quyền đổi và trả lại.
Chuyện đọc sách miễn phí của người chủ quầy sách nơi đây làm tôi nhớ
lại kinh nghiệm 6 năm về trước khi tôi mở ra phòng đọc miễn phí trên phố
Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, thủ đô Hà Nội mà vắng bóng đến khó hiểu. Tuy
nhiên, hôm nay, lần đầu tiên tôi biết đến một quầy sách mà cho phép trả
lại hàng hay đổi. Thật là lạ và càng làm tôi tò mò.
Thế rồi tôi được gặp người chủ quầy
sách. Ông người nhỏ, gầy, hơi khắc khổ. Tuổi quãng 60. Trông biển hiệu
thì thấy ghi là Tuệ Trung. Hóa ra đó là Pháp danh của ông. Tên thật của
ông là Nguyễn Ngọc Cần.
Ông Tuệ Trung – Nguyễn Ngọc Cần, người chủ tiệm mê sách.
Hóa ra bác Tuệ Trung – Nguyễn Ngọc Cần
nguyên làm ở một cơ quan hành chánh nhưng rất mê sách. Quầy sách này bác
mới mở được 5 năm nay. Quan sát tôi thấy rõ phong cách của một Phật Tử
thuần thành. Nhưng hỏi ra mới biết, bác mới biết đến đạo Phật có 6 năm.
Giật mình. Hóa ra việc tu không thể tính theo năm tháng. Chưa chắc tu
lâu đã có kết quả hơn người mới biết đạo.
Mong muốn của bác Tuệ Trung – Nguyễn
Ngọc Cần là phổ biến Phật Pháp đến muôn người; bởi bác tu và thấy đạo
Phật quá vi diệu, quá tốt cho cuộc đời của chính bác; vậy thì phải tìm
cách để những lời dạy tuyệt vời của Đức Phật được lan truyền rộng hơn.
Tôi tha thẩn ngắm và chọn mua một số
sách. Thấy mấy người bạn đi theo giới thiệu tôi là giám đốc Công Ty Sách
Thái Hà, thế là bác mang ngay cuốn “Tâm Từ Tâm” do tôi viết và mới xuất
bản ra đưa tôi và mọi người xem và nói rằng rất muốn gặp tôi. Đơn giản,
theo bác, để cùng được hỗ trợ và hiệp lực. Tôi mừng quá. Vậy là thêm
những người cùng chí hướng, muốn phát triển văn hóa đọc, muốn hoằng pháp.
Bác Tuệ Trung – Nguyễn Ngọc Cần mời
chúng tôi uống nước đậu săng, một loại đậu rất đặc biệt mà người Hà Nội
như tôi lần đầu tiên biết đến. Việc này của bác lại làm nhớ cảnh ngày
xưa thầy trò chúng tôi nấu trà xanh, mang bánh kẹo mời bạn đọc để “dụ”
họ đọc sách ở Hà Nội. Đúng là mang văn hóa đọc đến với người dân Việt
Nam không hề dễ. Bác nói chuyện rất chân tình, nhẹ nhàng, kín đáo và
thực sự toát ra cái tâm của một Phật Tử. Bác nhiệt tình và mến khách đến
kỳ lạ.
Tôi chọn một số sách, cả cũ lẫn mới để
mua. Tuy nhiên khi tính tiền, bác tính một số cuốn; số còn lại bác bảo
không bán. Tôi giật mình nhớ rằng, đây không chỉ là quầy bán sách mà là
nơi đọc sách miễn phí. Tuy nhiên sau đó, bác nói rằng nếu tôi thích, bác
xin tặng. Quả thật, bộ 3 cuốn “Kinh Bộ Tăng Chi Anguttara Nikaya” cùng
với cuốn “So Sánh Kinh Trung A Hàm Chữ Hán Và Kinh Trung Bộ Chữ Pali”
đều do thầy tôi – Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch và 3 cuốn khác nữa
tôi đang tìm từ lâu. May sao lại thấy ở đây.
Mấy người bạn đi cùng tôi ai cũng mua
sách. Có bạn chọn ra đến 20 cái đĩa và cả đống sách. Bác Tuệ Trung –
Nguyễn Ngọc Cần khuyên nên mượn, dùng xong mang trả. Mà thật lạ, ở đây
mượn không cần giấy tờ, không ghi sổ, không thế tiền. Bệnh nghề nghiệp
nổi lên, tôi hỏi “Nếu mất hoặc người mượn cố tình không trả thì sao?”.
Bác cười rất tươi bảo: Không sao. Vô thường mà!
Giờ mở cửa của quầy sách Phật học đặc
biệt này từ 15g đến 22g hàng ngày. Hỏi ra mới biết, mỗi buổi sáng bác
Tuệ Trung – Nguyễn Ngọc Cần đều đến công tác tại Hội Người Mù quận Bình
Thạnh. Có bác là sáng mắt nên công việc nơi đây rất bận và những người
khiếm thị rất cần bác.
Ngồi uống nước đậu săng, bác kể thêm về
những khóa tu mỗi tháng do bác và các Phật Tử tổ chức. Thường đạo tràng
ra sinh hoạt tại Thiền Viện Phổ Chiếu. Có những tháng cả trăm người tham
gia, trong đó có nhiều bạn trẻ và sinh viên.
Khi gõ những dòng chữ này, tôi chợt mở
máy điện thoại ra và đọc lại nhắn tin của người Phật Tử đặc biệt Tuệ
Trung – Nguyễn Ngọc Cần và muốn ghi lại nguyên văn: “Khi chưa biết đạo
Phật tôi đã tâm nguyện hãy sống vì mọi người, hãy sống thật tình người,
hạnh phúc sẽ đến với ta thật tuyệt vời. Và từ khi đến với đạo Phật, tôi
chỉ có một nguyện cầu duy nhất: được nhiều thuận duyên trong việc học –
hành và hoằng pháp. Và Phật Pháp thật nhiệm màu thầy Hùng ạ. Hy vọng sẽ
được gặp lại thầy dài dài. Kính chúc thầy đạt được nhiều thành quả tốt
đẹp trên bước đường hiện đại hóa Phật Giáo”.
Tôi nhắm mắt lại và biết ơn, ngàn lần
biết ơn người con sinh ra từ đất Long An nhưng mới 1 tháng, khi biết bò,
đã “bò” về Sài Gòn, “bò” đến mảnh đất và ngôi nhà nơi tôi đang ngồi.
Ngôi nhà nhỏ rất đặc biệt và lạ thường này nằm tại địa chỉ 21 Nguyễn Hữu
Cảnh, phường 19, quận Bình Thạnh, đối diện nhà hàng Đại Khánh, hồ bơi
Hải Quân.
Nguyễn Mạnh Hùng – Cty Sách Thái Hà
0 comments