Hai gương mặt nữ áo lam mà tôi trọn đời kính trọng


Đây là bài viết của tôi, một Huynh Trưởng đã ngoài 70 viết để lại làm tài liệu tham khảo cho các em LAM nhỏ hơn có dịp nhìn lại mình, bởi 6 Căn luôn mở ra để ghi nhận, học tập và lý luận phê phán, mỗi ngày tô bồi cái “tôi” và cái “của tôi” thêm lớn, còn Cánh Cửa Tâm thì khép kín then cài.
Hai bà chị mà tôi đề cập ở đây là chị Tâm Minh – Vương Thúy Nga và người thứ hai là Diệu Lãng – Nguyễn Thị Nguyệt.
Chị Tâm Minh – Vương Thúy Nga:


Chị Tâm Minh – Vương Thúy Nga sinh năm 1938, nay cũng đã 78 tuổi ta, nguyên là Hiệu Trưởng Trường Nữ Trung Học Quy Nhơn, đến khi Đảng Dân Chủ của ông Thiệu ra đời, tất cả cán bộ công chức chế độ đều được vận động phải vào Đảng nầy. Giữ vững lập trường của một Huynh Trưởng GĐPTVN, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật; tất cả chúng sanh đều bình đẳng trước giáo pháp của Như Lai nên trong trường, chị và anh Như Vinh – Nguyễn Văn Xứng không tham gia và đương nhiên chị mất chức Hiệu Trưởng.
Đọc và nghiên cứu về lịch sử GĐPTVN vào những ngày đầu của tổ chức, trong trại mạc các giảng viên đều là Chư Tôn Đức tiếng tăm hoặc các anh chị vào hàng sáng lập may ra mới có tên trong danh sách giảng viên, thế mà chị Nga thuộc hàng giảng viên mà Trại Sinh A Dục ngày ấy là những Huynh Trưởng cấp Dũng hôm nay như anh Tâm Tựu, anh Tâm Huy… chẳng hạn, đủ biết uy tín và kiến thức từ nội – ngoại điển được quý anh chị thế hệ thứ nhất và Chư Tôn nể vì tôn trọng như thế nào.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, tìm tòi tu học, chị chỉ biết tiến tới; ai cũng là thầy mình và không khoan nhượng trước những tư tưởng tự cao, tự kiêu, khinh thường hay “phủ đầu” thính chúng dù kẻ ấy là bất cứ ai. Nhưng ngôn ngữ chị dùng gần gũi chân tình. Đơn cử như với “Ôn Già Râu”, khi các anh chị vào vấn an Ôn dạy điều chi, có oan sai hay không phần lớn đều im lặng, chỉ có Thúy Nga là không như vậy; và người thứ hai là chị Diệu Lãng. Một sự trùng hợp nữa: cả 2 đều xuất thân từ ngành sư phạm và khi còn ở ghế nhà trường không nhường ngôi đầu bảng cho ai.
Trong giao tế, chị đối xử bình đẳng với tất cả mọi Lam Viên và là người nữ có quan hệ rộng rải số một trên địa bàn cả nước và Lam Viên trên toàn thế giới. Chị thông thạo Anh và Pháp ngữ, có thể biên soạn sách giáo khoa, tài liệu tu học các cấp bằng hai ngoại ngữ nầy.
Trong lãnh vực nghiên cứu, viết lách, tôi có may mắn được nhiều người biết đến nhưng trình độ chỉ đáng là học trò của chị. Đây là lời tâm sự đầy chân tình. Tôi thường bị các anh chị lớn la rầy, nhưng tôi ít khi chịu thua; vậy mà chị Nga hay chị Nguyệt khiển trách thì y như rằng đó là một lỗi lầm phải sám hối; tôi phải tuân vâng, tâm phục, khẩu phục. Tôi không “lăng-xê” các chị, mà đó là một sự thật. Cho nên ngày nay chị Tâm Minh không ở trong nước nhưng nhân sự Ngành Nữ chị theo dõi và biết khá nhiều về những nhân vật có thể tin dùng. Nếu các nhân vật lãnh đạo tổ chức đều có tầm nhìn và tư duy như thế thì phúc cho tổ chức biết bao!
Chị theo dõi và quan tâm đến các em, đến ngày sinh nhật, ngày cưới hỏi và hạnh phúc lứa đôi của các em. Có nhiều em tâm sự với tôi rằng vợ chồng em xích mích không biết ai “méc” với chị, chị gởi cái thiệp hồng ngày chúng em cưới nhau với những lời dạy bảo, vợ chồng chúng em chỉ biết ôm nhau khóc và làm lành với nhau thôi. Có những em đạt kết quả Thủ Khoa các bậc học hay các trại huấn luyện, thế nhưng chị quyết định trao phần ấy thế nào cho tổ chức có lợi hơn. Về sau các em ấy cũng biết được nhưng không những không bất mãn mà càng gắn bó với chị và tổ chức hơn.
Trong sinh hoạt, tôi đam mê nghiên cứu về ngành huấn luyện và đào tạo; rất may cho tôi được các anh chị em trong Ban Hướng Dẫn tín cẩn giao cho chức vụ Ủy Viên Nghiên Huấn. Tôi rất trân trọng tài năng của các anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, Nguyên Phương – Hoàng Trọng Cang, Nguyên Liên – Trần Ngọc Giao nên trại nào tôi cũng mời quý anh chị nầy giảng khiến nhiều Huynh Trưởng chống đối mà tôi vẫn không nghe; khi chị Nga đến đó chị lắng nghe rồi đạp xe đến nhà tôi và “xài xể” tôi không tiếc lời, vì đó là những xử lý thiếu sư phạm. Tôi ngồi nghe mà toát mồ hôi. Đến đất trại tôi phát phiếu tham khảo yêu cầu trả lời không cần ghi tên họ: “Nếu tôi thay thế các anh chị nầy bằng các anh chị Trưởng nhỏ tuổi, kiến thức trình độ chỉ vừa đủ hướng dẫn các em thôi, các em thích giảng viên nào?”. Kết quả các em chọn Huynh Trưởng trẻ. Đến phiên họp Ban Hướng Dẫn, tôi ra trước cuộc họp xin lỗi, nhận có sai lầm; và có người giỏi và đáng là thầy tôi sẽ làm Ủy Viên Nghiên Huấn, đó là chị Nga. Và chị Nga đã thay tôi làm Ủy Viên Nghiên Huấn cho đến ngày chị đi nước ngoài. Sau đó tôi mới lại thay chỗ chị.
Sau năm 1975, việc thỉnh mời chư tôn Giáo Thọ giảng dạy cho chúng tôi không dễ dàng chút nào. Chúng tôi cử chị là trưởng nhóm, tu học một tuần hai lần, mỗi lần là 4 giờ đồng hồ. Đến giờ học, vắng ai là chúng tôi di chuyển đến nhà anh chị ấy học ở đó nên không ai bị vắng mặt ngày ấy; chỉ đi bằng xe đạp thôi, vì thế mà chúng tôi tiến rất nhanh; anh chị em nào thăm viếng, tham vấn Chư Tôn được điều gì hay về thông báo Chúng tập họp lại cùng nhau thuyết trình, chia sẻ. Những ghi chép của chị Tâm Minh là những tư liệu học tập không thể nào chê. Cuốn Tinh Yếu Kinh Văn – phần 2 luận khóa bậc Lực – của tôi, được rất đông anh chị em bậc Lực tham khảo và coi là vừa sức tiếp thu của các anh chị, nhất là có phần áp dụng kinh điển Đại Thừa vào đời sống Huynh Trưởng; nhưng so với cuốn Chúng Tôi Học Kinh của chị Tâm Minh thì rõ ràng cuốn sách của tôi không thể sánh bằng. Trên báo Nội San Sen Trắng tôi có đăng nhiều bài của chị; tôi muốn cộng tác với chị để cùng hiệu đính cùng chị và Chư Tôn, hoàn thiện tài liệu tu học và huấn luyện bằng 2 thứ tiếng Việt – Anh, nhưng tôi đã bị kỷ luật bởi sếp của mình mà tôi là Phụ Tá.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tô chức giáo dục sinh hoạt cộng đồng tuổi trẻ Phật Giáo nên bất cứ ai biết ghép mình trong kỷ luật thì cái dở, cái hay đều là những bài học khiến chúng ta nhớ đời và đều có giá trị nhân bản trên con đường giải thoát, giác ngộ. Cửa thiền môn luôn rộng mở nhưng không phải ai bước vào cũng lọt. Hãy luôn nhìn lại mình anh chị em mình nhé!
Trong kinh Lăng Nghiêm chắc có lẽ ai cũng nhớ pháp môn tu Nhĩ Căn Viên Thông, vì Nhãn – Tỷ – Thiệt – Thân – Ý, các Căn đều có đóng có mở, nhưng khi mở thì phóng cái biết ra ngoài; còn Căn tai thì mở suốt 24/24 giờ, mà phải đi vào tới tận trong màng nhĩ mới tạo nên cái nghe.
Từ nay thay vì viết những đề tài có tính cách lý luận, tôi sẽ giới thiệu một số nhân sự trong tầm nhìn hữu hạn của tôi; giới thiệu cho tuổi trẻ, rất mong nhận được sự chia sẻ thân tình của nhiều người, kể cả những lời mắng mỏ khó chịu lẫn cả yêu thương.
Chi Diệu Lãng – Nguyễn Thị Nguyệt (Biệt danh “Bà Già Sắt”):


Chị là hiền thê của anh Tâm Mẫn – Võ Nhi, Huynh Trưởng cấp Tấn đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Thuở còn là học sinh chị chưa từng nhường ngôi đầu bảng cho ai. Chị mãnh mai còn hơn chị Cúc nhưng tiềm lực quật cường thì khó mà so sánh nổi. Thời còn đi học chị đã có chí nguyện xuất gia nên thẳng thừng từ chối nhiều cuộc tình dù chị không đẹp. Sở dĩ tôi biết được điều nầy vì tôi có người anh em học không thua kém chị và có tấm chân tình với chị kể lại. Hoàn cảnh chị khó khăn do người cha lâm trọng bệnh kéo dài nhiều năm tháng. Ai cũng kính trọng chị vì chị là người con chí hiếu.
Năm tôi đi học trại Đội Chúng Trưởng Anoma (1963), tôi có ghi vào sổ tu học: “Tôi vô cùng tự hào là Trại Sinh của chị”. Khi tôi là một thành viên của Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, tiếp xúc với hầu hết các khuôn mặt nữ, tôi thấy khó có ai hơn chị nên hết sức tiến cử chị lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Nhiều anh chị tin tôi nhưng địa phương Bình Thuận lại không tiến cử. Nhiều anh chị theo dõi qua các trại mà chị là giảng viên và tiếp xúc với chị đều đồng ý công nhận chị là tài bảo, là pháp khí của tổ chức. (Tôi biết khi bài nầy tung lên, “Bà Già” nầy sẽ “nạo” tôi “tới bến”, dù cho rằng bây giờ tôi là tu sĩ có “cả xâu” bồ-đề chứ không phải chỉ “4 hột” như chị đâu đấy!!!). Khi chị học Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III Vạn Hạnh, tôi lại là giảng viên của chị. Kiểm tra sổ tu học của chị, tôi có ghi: “Ngày xưa tôi tự hào về chị vì chị là một Giảng Viên tuyệt vời của tôi. Giờ đây tôi lại tự hào vì chị là Trại Sinh Vạn Hạnh ưu tú của tổ chức”. Những người “săn tìm báu vật” của tổ chức không thể để ra ngoài tầm ngắm những cuốn sổ tay lịch sử nầy.
Khi chị đã là Phó Trưởng Ban Ngành Nữ Trung Ương, chị có mặt khắp 27 tỉnh, thị trên toàn quốc; ra sức bồi dưỡng, vực dậy Ngành Nữ khiến các đấng mày râu phải “hạ sơn” đi đó đây để phát triển tổ chức. Sau chuyến viếng thăm ngài Đệ IV Tăng Thống của chị, Ngài có nói với tôi: “Quảng Ngãi quê ngoại của con ít ra cũng còn được chị nầy”. Trong chuyến tiếp xúc với Hòa Thượng Thiện Nhơn – Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Bình Định, sau khi Ngài phát biểu, chị kết luận: “Thầy bày tỏ có vẻ rất thâm tình nhưng cách cư xử của Thầy là bức tử tổ chức GĐPTVN trong khu vực quản hạt của Thầy; điều mà con nghĩ sau nầy Thầy sẽ thấy là một nhầm lẫn của bậc đại trí”. Quả vậy, đời vô thường, trước khi viên tịch Ngài có nhắn tin qua anh Thăng muốn gặp lại anh chị em nhưng quá muộn; cờ Thầy đã trao qua tay người khác!
Lời dạy bảo sau cùng của ngài Tăng Thống chúng ta có được mà nay trên Trang Nhà GĐPTVN Trên Thế Giới còn lưu ghi bên dưới hình Ngài là do sự quyết liệt “thót xuống xe, xe mới quay đầu” vào Nguyên Thiều.
Nguyện vọng của tôi trước khi xếp chiếc áo lam là chị Diệu Lãng được đề bạt lên cấp Dũng và Huynh Trưởng Minh Trung – Đặng Viên Ngọc Trai lên cấp Tấn trong năm 2015. Đây là đợt xét cấp đặc cách vì tài năng trong lịch sử tổ chức chứ không phải vì ân huệ. Và với tư cách Tổng Thư Ký của tổ chức, sau khi báo cáo tổng kết có mục đề nghị và yêu cầu tôi chưa làm được là đề nghị yêu cầu xếp cấp Dũng cho 2 người mà tôi nghĩ là rất xứng đáng là chị Diệu Hạnh – Đỗ Thị An và anh Nguyên Thanh – Nguyễn Văn Cỏi của Khánh Hòa.
Và trước khi khép lại đôi dòng về chị, với tôi: khi con thuyền tổ chức gặp ba đào mà thiếu anh cả Nguyên Tín – Nguyễn Châu, chị có thể đóng vai Thuyền Trưởng đầy tài năng, kết xuất Tình Lam một cách nhiệm mầu, vượt bão chướng ngoạn mục và diệu kỳ./.
THẠNH KHÔNG


Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang