Sen nở Khánh Đản


Mùa Phật đản – mùa sen nở – lại về như gợi nhắc cho nhân loại về một sự thật trọng đại đã được phát hiện và tuyên bố rộng rãi gắn liền với sự kiện xuất hiện của Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni ở cõi Ta-bà. Đó là con người có thể thực hiện mục tiêu giải thoát khổ đau ngay tại thế gian này. Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật đã đến với cõi nhân thế và chính Ngài đã phát hiện ra một Niết-bàn hoàn toàn thanh khiết hiện hữu giữa cuộc đời đầy phiền não ô trược. Ngài xác nhận:
 V í nh ư , này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì”. 1
Phật sinh ra trong đời, lớn lên trong đời nhưng không bị đời thấm ướt, không bị đời làm cho ô nhiễm; giống như hoa sen sinh ra ở chốn đầm lầy nhưng tỏa hương thơm thanh khiết, không bị bùn lầy làm cho ô uế. Phật tựa như đóa sen, hiện diện thanh khiết giữa trần thế như để khuyên nhắc mọi người: Giác ngộ giữa chốn đời thường:

Như giữa đống rác nhớp, Quăng bỏ trên đường lớn, Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm, sạch, đẹp ý người. Cũng vậy giữa quần sanh, Uế nhiễm, mù, phàm tục, Đệ tử bậc Chánh Giác, Sáng ngời với tuệ trí. 2
Phật hiểu rõ thế gian đầy uế nhiễm, đầy mê mờ và phàm tục bởi tập khí tham-sân-si, nhưng chính tại thế gian có lắm điều phiền trược này, con người có thể làm cho mình thanh tịnh, không còn uế nhiễm; có thể làm cho mình sáng suốt, hết mù lòa; có thể làm cho mình thánh thiện, không còn phàm tục. Phật gọi sự nỗ lực làm cho mình thanh tịnh, không còn uế nhiễm; làm cho mình sáng suốt, không còn mù lòa; làm cho mình thanh cao thánh thiện, không còn phàm tục như vậy là sen nở giữa đống rác nhớp hay giác ngộ giữa chốn bụi đời.
Sen nở tức là Phật hiện, là tâm giác ngộ hiển bày, là sạch, thơm, tinh khiết, làm vui lòng cho nhiều người, hân hoan cho nhiều người, an lạc cho nhiều người. Sen nở cũng có nghĩa là giới đức xuất hiện, tâm đức xuất hiện, trí đức xuất hiện, giải thoát và giải thoát tri kiến đức xuất hiện giữa cuộc đời, tỏa hương thơm tinh khiết, khiến cho cuộc sống thêm đẹp, giúp cho cuộc đời thêm tươi. Vì sao? Vì ở đó chỉ có hiểu biết và tình thương, an lạc và hòa bình; không có tham lam, giận dữ, si mê; không còn chuyện hơn-thua, được-mất, thắng-bại; không có đấu tranh, tranh chấp, hận thù và chiến tranh; không có chuyện con người mê lầm gây đau khổ cho nhau.
Phật là đóa sen giác ngộ hiện diện giữa cuộc đời mê lầm, và theo lời dạy của Phật thì mỗi người đều có sẵn trong mình đóa sen giác ngộ, hãy làm cho đóa sen ấy bừng nở ngay tại thế gian này. Bằng cách nào? Bậc Giác ngộ nhắn nhủ mọi người:

Lấy k hông giận thắng giận, Lấy thiện thắng không thiện, Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy. 3
Giận dữ là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục. Do đó, lấy không giận để thắng giận hay dùng tình thương để chiến thắng hận thù chính là cách thức làm cho mình trở nên thanh tịnh, không uế nhiễm; trở nên sáng suốt, không mù lòa; trở nên thanh cao, không phàm tục giữa cuộc đời. Đóa sen giác ngộ có được một dịp khoe sắc, tỏa hương.
Không thiện hay xấu ác là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục. Lấy thiện thắng không thiện hay dùng các hạnh lành xua tan các nghiệp ác tức là làm cho mình trở nên thanh tịnh, không uế nhiễm; trở nên sáng suốt, hết mù lòa; trở nên thanh cao, không phàm tục giữa cuộc đời. Đóa sen giác ngộ lại một lần được khoe sắc, khoe hương.
Xan tham hay lòng ham muốn ích kỷ là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục. Lấy thí thắng xan tham hay dùng tâm bố thí rộng rãi để khắc phục tâm tham lam vị kỷ tức là làm cho mình trở nên thanh tịnh, không uế nhiễm; trở nên sáng suốt, không còn mù lòa; trở nên thanh cao, không phàm tục giữa cuộc đời. Đóa sen giác ngộ lại thêm một dịp được khoe sắc, khoe hương.
Hư ngụy hay gian dối là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục. Vì thế, lấy chơn thật thắng hư ngụy hay dùng tâm ngay thẳng để đối trị tâm gian dối tức là làm cho mình trở nên thanh tịnh, không uế nhiễm; trở nên sáng suốt, không mù lòa; trở nên thanh cao, không phàm tục giữa cuộc đời. Đóa sen giác ngộ lại thêm một dịp nữa được khoe sắc, tỏa hương.
Một lời dạy khác của Đức Phật nói rõ cách thức khiến cho đóa sen giác ngộ ở trong mỗi người tỏa ngát hương thơm giữa cuộc đời:
“Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Ràhula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Ràhula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt”.4
Việc nuôi dưỡng và phát triển các tâm thái từ (mettà), bi (karunà), hỷ (mudità), xả(upekkhà) cũng như sự quán sát về bất tịnh, về vô thường đều là những cách thức khiến cho con người trở nên thanh tịnh, không còn uế nhiễm, trở nên sáng suốt, không còn mù lòa, trở nên thánh thiện, không còn phàm tục giữa cuộc đời. Chúng có công năng khắc phục và loại trừ các nguyên nhân gây khổ đau cho mình và cho người như sân tâm, hại tâm, hận tâm, bất như ý tâm, tham dục, ngã mạn; thiết lập sự hiểu biết và tình thương, hòa bình và an lạc trên cõi đời. Nói cách khác, đó chính là những phương pháp tu tập giúp cho con người hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí tuệ; thực chứng đời sống an lạc giải thoát ngay trong hiện tại; thể hiện gương sáng giác ngộ giữa cuộc đời, làm lợi lạc cho nhiều người.
Sân tâm là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau. Nuôi lớn từ tâm để đối trị sân tâm chính là hoa sen giác ngộ hiện diện giữa cuộc đời, làm cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, khiến cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
Hại tâm là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của bất hạnh khổ đau trong cuộc đời. Nuôi lớn bi tâm để trừ diệt hại tâm chính là hoa sen giác ngộ bừng nở giữa cuộc đời, khiến cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, giúp cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
Hận tâm là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của bất hạnh khổ đau trong cuộc đời. Nuôi lớn hỷ tâm để trừ diệt hận tâm chính là hoa sen giác ngộ nở rộ giữa cuộc đời, làm cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, giúp cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
Bất lạc hay bất như ý tâm là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của bất hạnh khổ đau trong cuộc đời. Nuôi lớn bi tâm để khắc phục bất như ý tâm chính là hoa sen giác ngộ tỏa ngát hương thơm giữa cuộc đời, khiến cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, giúp cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
Tham dục là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của bất hạnh khổ đau trong cuộc đời. Quán sát về bất tịnh (đối với nội thân và ngoại giới) để đối trị tham dục chính là hoa sen giác ngộ tỏa hương thanh khiết giữa cuộc đời, khiến cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, giúp cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
Ngã mạn hay chấp ngã là uế nhiễm, là mù lòa, là phàm tục, nguyên nhân của mọi tranh chấp khổ đau xảy ra trên cuộc đời. Quán sát về vô thường (đối với nội thân và ngoại giới) để loại trừ ngã mạn chính là hoa sen giác ngộ tỏa hương thanh khiết giữa cuộc đời, khiến cho con người trở nên thanh tịnh, sáng suốt, thánh thiện, giúp cho nhân thế được an lạc, bớt khổ đau.
K in h Phá p Cú có bốn bài kệ5 ngợi ca nếp sống giác ngộ, nếp sống minh triết, hòa bình và an lạc giữa chốn trần thế, như gợi nhắc cho mọi người chúng ta về sự xuất hiện đặc biệt của Đức Phật – đóa sen giác ngộ đầu tiên bừng nở giữa cõi nhân thế, cũng như về cách thức do Phật chỉ bày, khiến cho đóa sen giác ngộ trong mỗi người bừng nở ngay tại đây, trong cõi thế gian này. Kỷ niệm Đức Thế Tôn đản sanh giữa một thế giới còn nhiều mê chấp khổ đau, người con Phật chúng ta hãy nhất tâm hát lên những khúc ca này để kính nhớ đến Ngài và để xác tín sự thật sen vẫn nở giữa lòng nhân thế:

V ui thay chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù; Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù.
V ui thay chúng ta sống, Không bệnh, giữa ốm đau; Giữa những người bệnh hoạn, Ta sống, không ốm đau.
V ui thay chúng ta sống, Không rộn, giữa rộn ràng; Giữa những người bận rộn, Ta sống, không rộn ràng.
V ui thay chúng ta sống, Không gì gọi của ta;
T sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư Thiên Quang Âm 6 
Chú thích:
  1. Kinh Tùy thuộc thế giới, Tăng Chi Bộ.
  2. Kinh Pháp Cú, kệ số 58-59.
  3. Kinh Pháp Cú, kệ số 223.
  4. Đại kinh Giáo giới Ràhula, Trung Bộ.
  5. Kinh Pháp Cú, kệ số 197-200.
  6. Abhassara, một hạng chư Thiên thuộc sắc giới, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang và phi hành trong hư không, có thọ mạng lâu dài, dung sắc khả ái và sống rất hạnh phúc, xem Kinh Phạm võng, Kinh Khởi thế nhân bổn, Trường Bộ; Kinh Hành sanh, Trung Bộ; Kinh Hạng người sai khác, Kinh Từ, Kinh Người Kosala, Tăng Chi Bộ.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 177-Phật Đản
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang