EM TƯỞNG NHỚ PHẬT


EM TƯỞNG NHỚ PHẬT!
Ngày đầu tiên bước chân đến sinh hoạt GĐPT, lúc còn là một em Oanh vũ ngây thơ mới 4 hay 5 tuổi, em đã được các anh chị Huynh trưởng chỉ dạy 3 điều tâm niệm của ngành Đồng, mà điều đầu tiên chính là: “Em tưởng nhớ Phật!”
Rồi em lớn lên trong vòng tay yêu thương của các anh chị em trong GĐPT. Và em trưởng thành, được gia nhập ngành thiếu, ngành thanh, được tham gia các lớp học và các trại huấn luyện Huynh trưởng, rồi em được thọ cấp Tập, cấp Tín… và rồi sẽ còn các cấp cao hơn nữa. “Sống lâu lên lão làng”, em lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cao hơn để gánh vác trách nhiệm giáo dục của GĐPT, để rồi ngã mạn càng ngày càng lớn hơn, phiền não càng ngày càng nhiều hơn. Và khi nhìn lại quãng thời gian tham gia sinh hoạt vừa qua, em chợt giật mình khi thấy mình vẫn chưa thực hành được điều tâm niệm đầu tiên khi chập chững bước chân đến với GĐPT: “Em tưởng nhớ Phật!”.
Khi còn là đoàn sinh, em thích mình nổi trội hơn các bạn trong đoàn. Khi nhìn thấy một anh chị trưởng nổi nóng hay cãi nhau, em thấy trong tâm mình rất khó chịu và thấy niềm tin về các anh chị trưởng bị tổn thương và giảm sút. Lúc này, trong tâm em không còn tưởng nhớ đến Phật mà là em đang tưởng nhớ đến Ma: con ma phiền não và khinh mạn…
Khi em thực tập làm Huynh trưởng, em muốn mình phải giỏi hơn các anh chị trưởng khác. Thấy có người khác có tài hơn mình hay nổi trội hơn mình là mình lấy làm khó chịu, tìm cách nói xấu, hạ uy tín của anh chị đó, tìm cách tránh xa hay gạt anh chị đó qua một bên. Lúc này, trong tâm em không còn tưởng nhớ đến Phật mà là em đang tưởng nhớ đến Ma: con ma ghanh ghét và đố kỵ…
Khi được giao những chức vụ cao hơn trong tổ chức, em luôn áp đặt người khác phải theo sự sắp xếp hay theo ý kiến cá nhân của mình. Lúc nào cũng cho mình là đúng và không quan tâm đến ý kiến của những anh chị em khác. Em không thích những anh chị em hay có ý kiến trái ngược, chống đối với mình, không thích những người dám thẳng thắn nói ra cái sai, cái xấu của mình: họ như những cái gai làm cản trở công việc của em. Em thích làm việc với những anh chị em chỉ biết im lặng phục tùng theo mình để tạo một “vây cánh” an toàn và dễ “hợp tác” trong mọi công việc. Ngoài miệng thì em hô hào: “Chúng ta làm việc không vì danh hay vì lợi, mà chỉ nhằm phục vụ cho tổ chức.” Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, em cảm thấy hãnh diện khi được thăng cấp cao hơn, thấy mình thật “oai” khi được giữ chức vụ quan trọng hơn. Em đã bị con Ma kiêu mạn và danh vọng hạ gục, dù biết rõ rằng DANH chỉ là VỌNG, không thật có.
Em hay lấy nội quy, quy chế ra để biện minh cho những sự áp đặt của mình; nhưng đâu biết rằng tự mình đang lấy dây để trói cột lấy mình: anh chị em xa lánh, các em giảm mất niềm tin, em đang dần rời xa con đường tu tập hướng đến giải thoát để dính mắc vào con đường ma chướng đưa đến khổ đau và phiền não.
Đến một lúc chợt tỉnh ra, em thấy thật hổ thẹn khi nhớ lại trong các câu chuyện đầu tuần, các anh chị trưởng thường căn dặn: “Các em hãy luôn tưởng nhớ hình tướng, đạo hạnh của đức Phật thường ngày để nhắc nhở mình phải làm những việc lành, tránh xa các điều ác, tự thanh tịnh tâm ý. Trong tâm của chúng ta có rất nhiều loại Ma, khi đức Phật hiện lên trong tâm tưởng thì tất cả các Ma vương phải giấu mặt; tất cả các Ma cảnh bị dẹp tan, tất cả các ngọn lửa sân hận, ghét ghen, căm thù, ganh tỵ đều bị dập tắt. Và khi em chịu tha thứ hỷ xả, buông bỏ mọi sự cố chấp thì lòng em sẽ thanh thản nhẹ nhàng, ánh sáng trí tuệ lại hiện về xóa tan hết các u mê, phiền não…”
Em càng hổ thẹn hơn khi nhớ lại lời pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa: “…Tất cả chúng ta làm cái gì cũng đều tưởng nhớ Phật cả, nhưng tại vì anh chị nghĩ rằng, chỉ có EM là tưởng nhớ Phật, chứ ANH CHỊ thì khỏi, bởi vì anh chị lớn quá rồi, anh chị lo làm việc lớn, cho nên anh chị không tưởng nhớ Phật. Cho nên, đôi khi anh chị ham làm việc lớn mà quên tưởng nhớ Phật, chỉ để đàn em mình tưởng nhớ Phật, nên các em cảm thấy thật lạc loài bơ vơ, mất niềm tin ở ngay chính các anh chị… Đừng nói tôi bận làm việc này, tôi bận làm việc kia, mà quên tưởng nhớ Phật. Không! Thầy, bác, anh chị em, chúng ta đồng một phương hướng là “Em tưởng nhớ Phật”, bằng tất cả tấm lòng, bằng tất cả trái tim. Tất cả chúng ta đều tưởng nhớ Phật, thì không có chuyện gì mâu thuẫn với nhau cả. Dù có mâu thuẫn chăng nữa, nhưng chúng ta cùng nhau tưởng nhớ Phật, thì đều hóa giải được hết. Cho nên, thực hành em tưởng nhớ Phật là chúng ta đang đi về với ngôi nhà tâm linh của chúng ta…”
Trong tác phẩm “Gió đùa reo nắng mới”, Hòa thượng có dạy về 4 điểm cần lưu ý để một tổ chức tồn tại có ý nghĩa:
1. Không một ai trong tổ chức có quyền đứng trên nội quy, quy chế của tổ chức. Tất cả đều ở trong nội quy, quy chế và cùng nhau sống hòa điệu trong những pháp quy ấy.
2. Các thành viên trong tổ chức phải ý thức rằng, ta tồn tại là tồn tại với cộng đồng duyên khởi mà không phải và không thể tồn tại trong đơn lẻ.
3. Nội quy, quy chế thì không thiên vị. Thiên vị thì không còn nội quy, quy chế. Sống trong tổ chức mà hành xử thiên vị, thì trước sau gì tổ chức cũng bị lũng đoạn và sụp đổ.
4. Người có ý thức cao, không bao giờ đặt quyền lợi và danh dự cá nhân lên trên danh dự và quyền lợi tập thể.
Vậy mà em đã lãng quên tất cả, để cho cái NGÃ MẠN chi phối và dẫn dắt cuộc đời mình, quên đi rằng cuộc đời vốn là vô thường, khổ đau và vô ngã; quên đi rằng tất cả những vật chất, kiến thức và cả thân xác này đều là vay mượn của thế gian; quên đi rằng con người sống với nhau ngoài cái LÝ còn phải có cái TÌNH, quên đi rằng sẽ có lúc mình phải trả lại tất cả cho thế gian để một mình mang theo một khối nghiệp lực khổng lồ để đầu thai sang thế giới khác…
Tỉnh mộng rồi, em xin thành tâm sám hối tất cả những nghiệp chướng, tội chướng mà em đã tạo ra do tham, sân, si và do sự vô minh của bản thân mình, em xin phát nguyện học lại và tinh tấn thực hành điều tâm niệm đầu tiên của một em Oanh vũ: “Em tưởng nhớ Phật!”
                                                                                                                                   Tháng 3/2015
                                                                                                                                        Quảng Ý
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang