Hướng về cuộc hành trình vi diệu của
Đức Phật để chúng ta dũng tiến trên con thuyền thực nghiệm tâm linh. Nó
sẽ đưa chúng ta vượt qua những lượn sóng ngại khó, cầu an, bỏ lại phía
sau những chiếc đảo hoang danh lợi, sớm cập bến bờ chinh phục nội tâm.
- oOo -
Trong tất cả mọi chuyến đi dù ngắn hay
dài, dù xa hay gần đều hiện rõ một điểm chung là chuẩn bị hành trang. Và
phụ thuộc vào mục đích của chuyến đi mà việc chuẩn bị về vật chất hay
tinh thần nhiều ít có khác nhau. Hầu hết trong những chuyến đi, vật chất
giữ vai trò quan trọng: nào là những phương tiện, vật dụng cá nhân, nào
là kinh tài, thủ tục … Ngay cả những kiếm khách hành hiệp giang hồ,
ngoạn thủy du sơn, trừ gian dẹp loạn thì ít nhất cũng còn một tấc sắt
trong tay. Đó là chưa kể đến thành quả của chuyến đi có được vang bóng
một thời hay âm thầm lặng lẽ trôi theo dòng chảy của thời gian. Như vậy,
chúng ta tìm đâu ra một chuyến đi tay không tấc sắt, bỏ lại sau lưng
những vật chất phù hoa, vượt khỏi bức tường thành giai cấp đã từ lâu bao
phủ kiếp người? Và đâu là kết quả của chuyến đi luôn sống mãi với thời
gian, siêu vượt không gian, đặc biệt được nâng lên thành “một cuộc hành trình vĩ đại“?
Trong quyển “Anh Hùng Có Ngàn Khuôn Mặt,”
tác giả Joseph Campbell, một học giả chuyên nghiên cứu về những bí ẩn
và nguồn gốc loài người, đã đưa ra một phát hiện về bản chất của các anh
hùng trong huyền thoại. Ông cho biết có bốn bậc trong cuộc hành trình
vĩ đại của các bậc thánh. Đặc biệt ông đã đề cập đến cuộc hành trình
chứng ngộ của Đức Phật như một sự hòa hợp kỳ diệu giữa chất liệu con
người và những nguyên lý của vũ trụ được biểu hiện đầy đủ qua Đức Phật.
1. TIẾNG GỌI TỪ BI CỦA BẬC BỒ-TÁT
Cung bậc thứ nhất của cuộc hành trình là
tiếng gọi từ bi trong lòng Bồ-tát Siddharta. Tiếng gọi từ bi đó đã thôi
thúc, dẫn lối Ngài gặp được và nhận ra những thông điệp khổ đautừ ba cửa thành: già, bệnh, chết, và thông điệp giải thoáttừ cửa thành thứ tư qua hình ảnh cao quý của vị đạo sĩ với phong cách ung dung.
Sự kiện ấy đã làm thức dậy trong lòng
Bồ-tát một năng lực quán chiếu vào nội tâm sâu thẳm để tìm giải đáp cho
vấn nạn muôn thuở của kiếp nhân sinh:
“Cái gì là bản chất của sinh tử? Có
nguồn năng lực nội tại nào để thoát khỏi sinh tử không? Tại sao vòng
quay của nhân sinh lại được chấm dứt ở cái chết? Và thế nào là trực nhận
được năng lực của tự do tuyệt đối khi vượt qua hạn cuộc của sinh, gia,
bệnh và chết?”
Thế là một dãy phương trình rất lớn về
vấn đề nhân sinh đã được Bồ-tát Siddharta đặt ra cách đây hơn hai mươi
lăm thế kỷ. Ngày nay, các nguyên thủ quốc gia trên thế giới cùng ngồi
lại với nhau, các nhà khoa học thì ngày đêm mài miệt với công trình… có
phải chăng họ muốn tìm một đáp án chung là để xây dựng hòa bình và an
lạc cho con người ?!
Ở đây chúng ta nhận ra tiếng lòng mầu
nhiệm đã làm sống dậy một năng lực sâu thẳm nơi Bồ-tát Siddharta. Đó là
năng lực “ấp ủ ước vọng mong cầu và chứng đạt giác ngộ.” Hay nói khác
hơn, nó là sự trỗi dậy của một khát vọng tâm linh mới đã từ lâu ngủ yên
dưới lớp bụi của trần gian; là cái thấy về một trung tâm mới của năng
lực, mở ra một viễn tượng tâm linh hoàn toàn mới mẻ. Ý nghĩa này được
Ngài Tỳ-kheo Hải Vân, một trong những bậc thầy mà đồng tử Thiện Tài đến
viếng qua cuộc hành trình cầu đạo trường kỳ của mình:
“Hay thay, ông đã làm trỗi dậy ước vọng
mong cầu giác ngộ tối thượng; đó là một việc không thể có cho những ai
chưa từng chứa nhóm đầy đủ thiện căn trong những đời quá khứ.”
“Thiện căn” ở đây muốn nhấn mạnh ý nghĩa
làm lợi lạc cho thế gian. Nếu không thể phụng sự đúng nghĩa thì cái
nhìn tâm linh sẽ không trải rộng đến bờ cõi xa xôi nhất và cách chứa
nhóm ấy không đủ sức làm trỗi dậy ước vọng mong cầu giác ngộ. Cho nên
Ngài Hải Vân tiếp tục tán dương hoài bão của Thiện Tài, cái hoài bão chỉ
có thể có đối với những ai hội đủ các đặc tính sau:
- Những hành vi công đức của họ mang tính cách phổ biến và tỏa sáng.
- Sự thành đạt Tam-muội của họ đầy đủ ánh sáng của trí tuệ, phát xuất từ bước đi trên con đường chân chánh.
- Họ có thể làm cho phát sinh một đại dương công đức.
- Họ tích tập tất cả các pháp thanh tịnh không hề mệt mỏi.
- Họ luôn luôn gần gũi những người bạn tốt và luôn thờ kính.
- Họ không phải là những người cất chứa tài sản và không hề ngần ngại thí xả thân mạng của mình cho chánh pháp.
- Họ không còn cống cao ngã mạn, và giống như mặt đất, đối xử bình đẳng với tất cả.
- Tim của họ đầy cả tình thương yêu và lân mẫn lúc nào cũng nghĩ đến sự lợi ích cho kẻ khác.
- Họ luôn đối xử thân thiện với tất cả chúng sanh trong các nẻo luân hồi.
- Họ luôn luôn ước mong được tham dự chúng hội của chư Phật.
Rồi Ngài Hải Vân kết luận rằng: chỉ có
những tâm hồn nào thụ bẩm những cảm hứng đó, những tâm tình đó, và những
thái độ đó, thì mới có thể có hoài bão ước vọng giác ngộ. Đó chính là
một kinh nghiệm vĩ đại của người theo Đạo Phật. Kinh nghiệm này đòi hỏi
phải có sự chuẩn bị của tâm linh mới có thể xuất hiện. Và nó được tăng
trưởng từ hạt giống cắm sâu trong lòng đất và được vun trồng kỹ lưỡng.
Như vậy, “hoài bão ước vọng giác ngộ”
không phải là biến cố bình thường trong đời sống của Bồ-tát Siddharta,
mà nó là bước đi quyết định để hướng tới mục tiêu xuất ly vĩ đại.
2. BƯỚC THỨ HAI CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH LÀ SỰ VIỄN LY VĨ ĐẠI
Sau khi thức tỉnh được năng lực từ lâu
bị vùi kín dưới lớp hạnh phúc huyễn ảo của chốn trần thế vô thường, Ngài
quyết định vượt thành xuất gia để đi tìm đáp án cho cuộc sống nhân
sinh. Trong Nguyệt san Giác ngộsố 24/1998, trang 50, Gia Tuệ đã
nhận định rất sâu sắc và tràn đầy cảm xúc về sự xuất ly của Thái tử: Ra
đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả
cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ
bỏ của một người già đau yếu hay người nghèo hèn tật bệnh hoặc người bất
đắc chí, ngán ngẩm cuộc đời, mang căm hờn oán giận… mà là sự hy sinh từ
bỏ của một hoàng tử ở độ tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý cao
sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại, có
một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng
hậu.
Rồi một mình, một bóng Ngài lặn lội giữa
núi rừng cô tịch cầu học với các bậc danh sư. Có lúc thực hành thiền
định Ngài đã đạt mức chứng nghiệm tâm linh rất cao. Thế nhưng sau mỗi
lần rời khỏi trạng thái này thì trong tâm thức Ngài vẫn còn gợn lăn tăn
những làn sóng muộn phiền. Vì vậy, Ngài không hài lòng lại từ giã các
đạo sĩ, lên đường đi sâu vào rừng thực hành khổ hạnh, với mong muốn
khuất phục được bản ngã và chế ngự được não phiền. Ngài đã trải qua
những cảm giác nhức nhối, đau đớn tột cùng của thân thể như được diễn tả
trong kinh Trung A-hàmvới những hình ảnh thật đáng sợ: Ngài
như bị ai khoan vào sọ với lưỡi khoan thật bén; như bị một lực sĩ dùng
dây siết chặt vào đầu; như bị tên đồ tể dùng dao rạch bụng; như bị nắm
và quăng lên giàn hỏa thiêu sống… Nhưng những cảm giác đau đớn ấy không
hề làm ảnh hưởng đến tâm thức của Ngài.
Đây là một tinh thần quả cảm cao độ, một
ý chí cương quyết như viên ngọc tỏa sáng lung linh nhiều màu sắc. Trước
hết, Ngài từ bỏ ngôi nhà thế gian không chỉ vì lợi ích cá nhân mà vì
lợi ích và giải thoát sự khổ đau của nhân loại. Với Ngài toàn thể nhân
loại là một gia đình. Có chứng kiến được những buổi chia tay đầy lưu
luyến, có thực hiện những chuyến đi thật xa… thì chúng ta càng cảm phục ý
chí cương quyết, quả cảm của Ngài.
Một ý nghĩa quan trọng khác của việc
xuất ly là muốn đạt chứng giác ngộ phải bằng cách dứt trừ tham ái. Vì nó
là nguyên nhân của tất cả những khó khăn, đau khổ, phiền muộn của con
người. Con người nóng giận, lo lắng, sầu tư, trách hờn, cay đắng… đều do
tham ái mà ra. Ngay cả những nguyên nhân của bất hạnh phúc, tinh thần
căng thẳng, ương ngạnh, não phiền… cũng đều do tham ái. Cho nên Bồ-tát
Siddharta đã hy sinh tất cả mọi thứ kể cả những lạc thú trần gian để đi
tìm chân lý, giải thoát nỗi đau trầm thống cho nhân sinh.
Lại nữa, ý nghĩa xuất ly còn biểu thị sự
vượt thoát bức tường thành giai cấp đã từ lâu vây phủ kiếp người, giữa
lúc”Cơ cấu xã hội Ấn bị bao phủ nặng nề bởi sự lũng đoạn của hàng giáo
sĩ, sự tu hành ép xác, chia rẽ giai cấp, phong kiến tham nhũng, coi rẽ
phái nữ và lo âu sợ hãi dưới thế lực của Bà la môn.”
Rồi những trái và hoa của sự vượt thoát
thành trì giai cấp là bức thông điệp bình đẳng mà Ngài truyền đến đủ
hạng người: kẻ sang người hèn, người học thức kẻ mù chữ, nam hay nữ, cư
sĩ hay thứ dân, các nhà tu khổ hạnh… tất cả đều được gội nhuần hương vị
vi diệu của “chân lý giải thoát” mà Ngài đã tìm ra được.
3. CUNG BẬC THỨ BA CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI LÀ THỰC NGHIỆM TÂM LINH
Lịch sử đã ghi lại Ngài phải trải qua
bao thử thách của đời sống tu tập, một đời sống khác hẳn với hoàng cung,
kẻ hầu người hạ đầy đủ tiện nghi. Rồi lại chứng đạt các tầng thiền được
học từ các bậc danh sư đương thời cho đến thực hành khổ hạnh nơi rừng
sâu.
Thế rồi, bằng con mắt “trạch pháp” sau
khi đã kiểm nghiệm kỹ lưỡng với thái độ cương quyết nhưng hết sức tỉnh
táo, khách quan, Ngài đã tìm ra con đường Trung đạo. Đó là con đường
tránh xa hai cực đoan: khổ hạnh và hưởng thụ; là con đường trực diện với
nội tâm, con đường tự chinh phục, và con đường thực nghiệm tâm linh.
Chỉ có thể bằng thực nghiệm tâm linh, diệt trừ chấp thủ, vô minh và phát
triển trí tuệ bát-nhã thì con người mới trực nhận được chân lý và thực
tại.
Ý nghĩa của cung bậc này cho chúng ta
thấy rằng: kinh sách, kiến thức, văn bằng… có giá trị như những đường
nét của biểu đồ hướng dẫn, trong khi phương cách kỹ thuật hành thiền… có
giá trị như một con tàu để đưa hành giả đến bến bờ hiểu biết. Và nhất
là thực hiện sự hiểu biết ấy trong sự sống bản thân cũng như sự sống xã
hội. Vì chân lý giải thoát tối hậu, tận diệt nguồn gốc khổ đau không thể
chạy tìm bên ngoài hay ở bất kỳ một tha lực nào và cũng không phải qua
pháp môn hành xác; mà sự chứng ngộ ấy được thể hiện ngay chính trong nội
tâm của con người. Từ đó Ngài ngồi dưới cội bồ-đề với lời thệ nguyện sẽ
không rời khỏi cho đến khi đạt được giác ngộ hoàn toàn.
4. CUNG BẬC THỨ TƯ CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH LÀ SỰ TỈNH THỨC VĨ ĐẠI
Xưa nay, lịch sử đã chứng minh rằng
những anh hùng cái thế, oai chấn tứ phương có thể chinh phục tướng sĩ ba
quân một cách nhẹ nhàng như trở bàn tay. Thế mà khi đối diện trước đấu
trường dục vọng của nội tâm thì biết bao người phải xếp giáo qui hàng.
Vì vậy, với lời phát nguyện dưới cội Bồ-đề là Bồ-tát Siddharta chấp nhận
phải trực diện với nội ma lẫn ngoại ma. Cuối cùng Ngài đã vượt qua tất
cả những dục vọng thấp hèn đang ẩn mình trong tận ngõ ngách của tâm hồn.
Đây là hoa và trái của quá trình thực
nghiệm tâm linh, của quá trình thiền tọa chiến đấu với thế lực vây bủa
của Ma vương. Với tuệ giác thâm áo, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ
đau. Chính sự tập khởi của mười hai nhân duyên là tập khởi của toàn bộ
khối đau khổ. Khi quân lính của Ma vương thất bại và phân tán, Ngài
chứng được Tam minh, ba sự hiểu biết rõ ràng, sáng suốt về mọi sự sai
biệt đầy ẩn mật của bản thân (túc mạng minh) và các chúng sanh trong ba
cõi sáu đường (thiên nhãn minh), dưới lăng kính của nhân quả, duyên
khởi; cũng như trí tuệ nhận biết được trạng thái vắng mặt hoàn toàn dòng
chảy lậu hoặc của tâm (lậu tận minh). Cung bậc này đã hiển thị một bài
học sâu sắc về việc chinh phục nội tâm của Đức Phật. Có lẽ Hoà thượng K.
Sri Dhammananda cảm nhận trọn vẹn được ý nghĩa này:
“Ngài dạy mỗi người chúng ta con đường
có thể chinh phục thế giới riêng tư của mình – cái thế giới chủ quan nội
tâm trong địa hạt riêng tư của mỗi cá nhân. Bằng một ngôn ngữ đơn giản,
Ngài nói cho chúng ta biết rằng cả cái thế giới này là ở trong chúng ta
và thế giới được chỉ huy bởi tâm thức cho tâm thức phải được huấn luyện
và thanh lọc một cách đúng đắn.”
oOo
Đức Phật dạy rằng giáo lý của Ngài “đến
để mà thấy” – tiếp nhận – suy nghiệm chính chắn rồi hãy tin và thực
hành. Cũng thế, khi ôn lại cuộc hành trình tu tập và giải thoát đầy thử
thách và ý nghĩa của đức Phật, người viết mạo muội xem đây là một nén
tâm hương dâng lên Đấng Đạo Sư nhân ngày Thành Đạo. Có nên chăng, xin
được chia xẻ cùng quý pháp hữu đồng điệu, để mỗi người soi lại chính
mình qua những cung bậc khác nhau trên lộ trình giải thoát. Có nên
chăng, xin gởi đến những người con yêu quí của Đức Phật, dẫu tất bật với
cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy dành lại phút giây chiêm nghiệm về
hành trình của Từ Phụ để xây dựng một đời sống an lành.
- Ôn lại hành trình vi diệu của Đức Phật
để làm trổi dậy năng lực ước vọng giác ngộ trong mỗi chúng ta. Năng lực
ấy sẽ là phương diệu dược chữa lành chứng bệnh lãnh cảm trước bao nỗi
đau trầm thống của con người, bao nghịch cảnh chướng duyên của bằng hữu,
bao nỗi mặc cảm, tự ty của những người thiếu phúc, kém duyên.
- Hiểu về cuộc hành trình vi diệu của
Đức Phật để chúng ta xác định được hoạt dụng đa phương của ý nghĩa viễn
ly. Ý nghĩa ấy là ánh sáng của mặt trời xua tan những vầng mây chấp thủ,
và làm nóng chảy những tảng băng tham luyến về sắc chất thế nhân.
- Hướng về cuộc hành trình vi diệu của
Đức Phật để chúng ta dũng tiến trên con thuyền thực nghiệm tâm linh. Nó
sẽ đưa chúng ta vượt qua những lượn sóng ngại khó, cầu an, bỏ lại phía
sau những chiếc đảo hoang danh lợi, sớm cập bến bờ chinh phục nội tâm.
- Tiếp nhận cuộc hành trình vi diệu của
Đức Phật để chúng ta hòa nhập vào biển lớn của tỉnh thức. Đó là sự kết
tinh của muôn ngàn hương hoa Bi – Trí – Dũng tỏa ngát ngàn phương. Hương
thơm vi diệu ấy đã trấn tĩnh và làm lắng đọng tâm tư những trái tim
hiếu chiến và thấm nhuần hương đức hiếu sinh.
Mong tất cả mọi người hãy trở về với
cuộc hành trình vi diệu của Đức Phật “để mà nhìn, để mà nghe, để mà cảm,
để mà tĩnh tu, trang bị lại tâm hồn mình, ước nguyện mình, lý tưởng
minh, để giữ vẹn được tâm hồn và ý chí của những chàng dũng sĩ cần thiết
cho cuộc đời.”
Cuối cùng, cuộc hành trình vi diệu của
Đức Phật đã minh thị ý nghĩa xác đáng của “Tứ hoằng thệ nguyện.” Đó là
kim chỉ nam cho những ai đang hành Bồ-tát đạo:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
THÍCH THANH CHƯƠNG
0 comments