Đồng Hành 24 Giờ Cùng Anh Cả GĐPT



Ngày 10 tháng 10 năm 2008, Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần II tổ chức tại Bangkok thành tựu viên mãn; ngày 11.10 các đại biểu được sư Chánh Đạo (Sư từng là đoàn sinh GĐPT Chánh Đạo-Saigon) phối hợp với Ban tổ chức hướng dẫn chiêm bái đại tự Dhammakaya – Một Thiền phái có xuất xứ từ Phật Giáo Nam Tông đang lớn mạnh tại Thái Lan. Chiều đến, các anh chị được thoải mái tự do đi chợ  đêm Suan Lum đến 9 giờ pm. 6 ngày đêm tại Bangkok đa số chúng tôi chỉ biết 3 địa điểm Sirida hotel  gần công viên Lumbini nơi tổ chức Đại hội và hai chỗ nêu trên nên nếu có ai hỏi chúng tôi Bangkok như thế nào sẽ có người trả lời không ổn ngay vì suốt ngày đêm họp hành đâu có thì giờ nhiều đâu mà “bát phố”. Chính những khoảng thời gian hiếm hoi này làm cho chúng ta thấy quí báu và thật trân trọng, tình Lam càng khắng khít gần nhau hơn… Tối đêm cuối ngay chợ Suan Lum rộng lớn, anh tiến đến gần chúng tôi và hỏi Em chỉ cho anh mua cái valise xách ở đâu? Từ lúc đó chúng tôi đã chuẩn bị chuyến về cùng anh.
Chúng tôi là một gia đình ba người đều tự nguyện đi công tác báo chí trong Đại hội, tới gần ngày về thì được giao nhiệm vụ “hộ tống” anh Cả trở lại quê nhà. Thật bất ngờ và khó xử: Bất ngờ vì các anh chị đã tin tưởng mà giao trọng trách nặng nề này; khó xử vì gia đình ba người lo cho nhau trên đường xa đã khó nay phải lo thêm cho một cụ già gần 90 tuổi trong một chuyến đi dài. Trước ngày đi anh cầm tay tôi ân cần nhờ vả, chính đôi mắt này đã làm cho tôi quyết định hủy vé máy bay Bangkok-Saigon và thay đổi lộ trình, thay vì chỉ 2 giờ bay là về tới nhà chúng tôi đã chọn chuyến đi 24 tiếng để đi theo và chăm lo cho anh trên đường ngàn dặm nơi xứ lạ quê người. Anh là anh Cả của áo Lam thế giới; anh đã 86 tuổi rồi khó khăn trong đi đứng; anh đã trọn đời cống hiến cho Gia Đình Phật Tử, biết bao lần gian nan nguy khổn mà cũng chẳng từ nan… Biết bao lý do hiện trong suy nghĩ của chúng tôi… và anh xứng đáng để được chúng tôi ra công “ hộ tống” trở về.
Anh, là người anh Cả của hàng chục ngàn huynh trưởng áo Lam, anh sinh hoạt cùng Gia Đình Phật Tử có lẽ từ hơn 60 năm về trước. Năm 1995 đại hội thu hẹp tại Đà Lạt đã suy cử anh vào vị trí Quyền Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Con thuyền Gia Đình Phật Tử trong nước ngã nghiêng suốt 15 năm trong khúc quanh lịch sử  đến đây mới được gọi là “ phục sinh” chết đi sống lại và anh nhận nhiệm vụ đầu tàu mà sau này anh chị em thường gọi anh với tên thân mật là “ Thuyền Trưởng”, rồi “ anh Cả Quốc Nội”, bây giờ là “Anh Cả Thế Giới”.
Con gái chúng tôi và anh thoả thuận với nhau: “Ba họ Nguyễn; con họ Nguyễn, và bác cũng họ Nguyễn nên khi qua  Hải Quan con sẽ nói “ We’re one group – It’t my grand father” Anh Cả cười nhìn cháu gái ngạc nhiên và đồng ý. Sáng 12.10 hầu hết các phái đoàn đều ra phi trường để trở về trú xứ, riêng phái đoàn Quốc Nội cũng chia nhau đi ba, bốn chuyến bay khác nhau. Ban Tổ chức đã lo cho anh Cả ra phi trường và làm thủ tục từ sớm rồi, gia đình chúng tôi cứ theo giờ giấc mà  đăng ký vé, cân hành lý, kiểm tra an ninh… Cho đến khi chúng tôi bước vào khu vực đợi  lên máy bay thì thấy anh Cả đang ngồi trên chiếc xe lăn dành cho người già và có một nhân viên phi trường đang ân cần han hỏi chăm sóc cho anh. Anh Cả lúc này “rất hiền” như một cụ già bình thường, lịch sư trong bộ veston len xám với model miếng vá nơi khuỷu tay, khác với lúc sinh hoạt đầy khí thế trong hội trường hotel Sirida Place. Anh gọi với lên kêu chúng tôi chuẩn bị 5US$ để tặng cho anh nhân viên phi trường và anh này can thiệp với trạm soát vé cho gia đình tôi một người xuống trước để đi cùng anh, cuối cùng chúng tôi cử chị Quỳnh cầm passport xuống  đi trước cùng anh. Tuy đã có người nhà đi kề bên rồi nhưng anh nhân viên phi trường này vẫn làm tròn nhiệm vụ là đẩy anh cho tới cửa lên phi cơ rồi mới cúi chào quay xuống. Bây giờ đến lượt các cô tiếp viên Thái Lan chắp tay hoa cúi đầu “Se vadee kha” đón tiếp anh ngồi ở hàng ghế VIP trên cùng, và dĩ nhiên chị Quỳnh cũng phải ngồi cạnh để lo cho anh, còn lại 2 cha con chúng tôi lẽ ra định xuống hàng ghế trên vé phía sau mà ngồi nhưng cũng đánh bạo hỏi cô tiếp viên là gia đình tôi ngồi cạnh nhau được không? Ai dè cô trả lời Vé giá rẻ, ngồi đâu cũng được (free seats), thế là chúng tôi được ngồi ngay sát bên nhau.
Bởi chúng tôi bay giá rẻ (Economy Flight) nên có những điều bất ngờ như thêm túi hành lý thì phải đóng thêm tiền, ăn, uống trên phi cơ đều phải trả bằng tiền Baht, bất ngờ vì không ai nói cho chúng tôi biết các điều này để nhận đồ của thầy và các anh chị gửi đem về khá nặng nên phải đóng tiền cân theo Kilogam khá nhiều, đến anh Cả bị phát sinh một bag cũng nhờ các anh đóng giùm cho. Máy bay đáp xuống phi trường các tiếp viên cũng chuẩn bị xe lăn cho anh Cả và lần này chúng tôi phải đi sau cùng theo anh.
Ông cháu tại Phnom Penh

Anh vẫn được ngồi trên xe lăn đi trước và không phải trình diện Hải Quan làm Visa và nhập cảnh lâu như chúng tôi, nhưng họ chẳng tha cái khoản tiền TIP 5$/person, bắt group chúng tôi phải đóng đủ, chúng tôi cũng không vừa, giả bộ gây nhau vì không có tiền lẻ, thế là họ miễn cho anh Cả khỏi đóng lệ phí mãi lộ. Mấy chuyện nhỏ này thì anh chẳng biết đâu vì anh ngồi bình yên ở xa các trạm và chúng tôi không có kể lại.
Ra đến cổng Phi trường nước bạn anh bổng linh hoạt hẳn lên nói sẽ có một ông Đại Úy lái xe chở chúng tôi về khách sạn. Hơi ngạc nhiên tưởng anh nói đùa, dè đâu có người đưa chiếc xe Pegeout trắng đời “ Shihanouk ” năm 70 ra đón thật, và anh chàng này có treo áo sắc phục quân đội, hàm đại uý ủi thẳng nếp trong xe. Hỏi ra mới biết anh được cử đi làm kinh tế phụ kiếm thêm cho doanh trại, đặc biệt là anh chàng này có thể nói được chút chút tiếng Anh, và chút chút tiếng Việt… Và điều ngạc nhiên nữa là anh Cả đối đáp tiếng Anh qua lại với chàng tài xế này như một Việt Kiều thứ thiệt, thì có thời gian anh qua Mỹ cả năm ít gì! Đến nỗi chàng này lâu lâu bí quá phải xổ tiếng Việt bù vào, cái này làm chúng tôi an tâm hơn nếu như bị lạc nhau anh vẫn có thừa khả năng ứng đối với dân bản xứ. Chúng tôi thầm cảm ơn “ Sứ giả của Pháp quốc” đã thu xếp đâu ra đó trên chặng đường về này, nhưng cái tật kỳ kèo xin thêm vì chờ lâu quá v.v…  làm chúng tôi phải dè chừng, cẩn thận hơn. Vì anh Cả ăn chay trường nên chúng tôi đồng ý neo xe thêm để đi tìm tiệm cơm chay, ở một đất nước Phật Giáo Nam Tông mà đi tìm tiệm cơm chay thì hơi bị khó, nhưng cuối cùng cũng có tiệm cơm chay do người Hoa bày bán với cái tên “Vegetarian foods”  bày nhiều món ăn kiêng (diet) cũng khá thịnh soạn, ngon lành, nhất là khi đang đói bụng như thế này.
Về đến khách sạn tôi thu xếp để chung phòng mà lo cho anh cả, anh mặc bộ đồ vạt khách màu lam trông hiền hoà hơn bao giờ. Những lúc gần anh như lúc này tôi cố gắng nói ngắn gọn, dễ hiểu để trình bày với anh những câu chuyện liên quan đến Đại Hội, chuyến đi. Tuổi tác giữa anh và tôi cách nhau gần 40 năm, anh là người đi trước rất lâu nên tôi cảm thấy có khoảng cách của vài thế hệ. Bây giờ tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc anh từng miếng ăn, giấc ngủ như bổn phận của một người con. Tuy anh khoẻ mạnh đi lại thong dong nhưng mỗi lần lên hay xuống bậc thang hay đi qua những chỗ có biển báo “wet floor”, trơn trợt thì chân anh lại run run, bước từng bước cẩn thận.
Quí anh chị cũng biết anhlúc đó đã 86 tuổi gân cốt đã khô yếu lắm rồi, lỡ mà ngã một cái là khó gượng dậy nổi. Đêm hôm đó tôi có hỏi anh về những chuyến đi từ Đà Lạt về Sài Gòn hội họp, thường là anh đi bằng xe Bus một mình trên chặng đường dài hơn 300 Km mỗi lượt mà không một ai đi cùng để chăm lo nâng đỡ. Đêm đó tôi có trình bày cho anh theo kinh nghiệm y tế thường thức về thiếu can-xi ở tuổi già dễ bị gãy xương khi khuỵu chân hay vấp té! Anh bảo anh có biết và rất cẩn thận trên từng bước đi nhưng không lẽ mình lại tỏ bày cho các anh chị biết cái lo, cái khó của cá nhân mình. Vẫn biết  quý anh chị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử dù đã già yếu nhưng phải tự lực là chính, có lần anh Minh bị đột quỵ té xe trên đường về nhà không ai biết, hay anh Thạnh ở Đà Lạt cũng bị  tai biến hơn thế mà mê man trên đường cấp cứu; như anh Nguyễn Để tuổi đã 90 mà đi từ tỉnh này qua tỉnh khác không ngại… Hộ đỡ cho các anh chị cao niên trên vai mang trách nhiệm nặng nề cũng là một cách tri ân, giữ gìn cho các anh chị cao niên cũng là một cách giữ gìn cho Tổ chức. Lo lắng, giải quyết các vấn đề của Tổ chức phi trí tuệ Bát nhã thì không thể nào không vướng phiền não, mà các anh chị rất cần sự an lạc nghỉ dưỡng, lâu nay hình như chúng ta chưa đặt để các vấn đề này để tìm phương giải quyết.
Đêm hôm đó, anh quay lưng vô vách thiền toạ khoảng nửa giờ trước khi đi ngủ, một hình thái tịch lặng “cửu niên diện bích” của cụ Đạt Ma sư tổ hiện ra trong anh, không bỏ lỡ cơ hôi nên tôi đã bấm máy (ảnh), anh nằm xuống ngủ thẳng băng, không trở mình suốt 2, 3 tiếng đồng hồ khiến tôi hơi lo ngại, phải thường xuyên đến gần để lắng nghe hơi thở nhẹ nhàng của anh rồi mới an tâm.
Sáng, chúng tôi lên xe đi tiếp đoạn đường hơn 300 Km về nhà. Lên xe tôi bị cái mũ tứ ân màu xanh đậm rất cứng của anh rơi xuống đầu kêu cái “cốp” rõ đau, anh nhìn tôi lo ngại, tôi bèn la lên “ Em có muốn làm Trưởng Ban đâu mà cái mũ của anh Trưởng ban nó gõ vào đầu em!” Anh hỏi sao không muốn làm, tôi trả lời làm Trưởng ban là phải quỳ suốt!… chúng tôi cùng cười và phục anh đã từng và mới đây quỳ suốt các buổi lễ thẳng lưng dường như không biết mệt là gì. Anh pha trò rất điệu nghệ và gợi các chuyện vui, hỏi đố chúng tôi về “CON LỪA MẸ” trên xe.
Lúc đó Tivi của nhà xe đang chiếu đến đoạn dân ca ba miền: “Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay….” Anh đố chúng tôi là CON GÌ? Chịu không ai trả lời được – anh hỏi lần thứ 2, chịu vẫn không trả lời được. Anh mới giải đáp đó là “CON LỪA MẸ” đứa con gái về nhà nói LỪA người MẸ, vậy không phải “CON LỪA MẸ” thì là con gì?
 Vào quán cơm phải chạy lo món chay cho anh, chủ quán tưởng mình kêu cơm chay cho 4 người nên bực mình lớn tiếng nói không có vì họ bán cơm cho du khách với giá rất mắc mà mình ăn chay cơm không với nước tương của họ thì tính tiền sao đây. Cuối cùng tôi mua trái xoài tượng gọt ra cho anh ăn với nước tương, nhưng không! anh leo lên xe Bus lục hành lý lấy lọ tương xuống ăn, anh nói hủ tương này do chị Kim Anh đem từ Na Uy qua tặng cho anh cách nay 6 ngày vì chị ăn chay trường nên lúc nào cũng thủ sẵn, thế cũng xong một bữa. Chiều hôm đó xe về đến trạm đã có anh Tâm Kiểm, Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới chờ đón để đưa anh về tận nhà, nhiệm vụ của chúng tôi đến đây mới hoàn tất.
24 giờ đồng hành và chăm lo cho người anh Cả thế giới qua đường hàng không và đường bộ không có gì trở ngại về sức khoẻ cũng như các thủ tục nơi xứ người là một kỷ niệm nhớ đời trong chúng tôi. Nếu nói là một nhiệm vụ thì chúng tôi rất cẩn thận giữ gìn chăm lo từng chút cho anh; còn nói như một người chung đường thì anh hội đủ các khả năng ngoại ngữ, hiểu biết, đối đãi… rất nhẹ nhàng, lịch thiệp với  những người bản xứ, có thể là không cần chúng tôi cũng được tuy không ai nghĩ vậy. Nhưng ra đến các phi trường, nhà ga chúng ta thấy cung cách quốc tế họ cung kính lo cho người già hay ưu tiên nhường chỗ, giúp đỡ trẻ em, người tàn tật khi lên xuống máy bay, xe trạm thì nước mình hay người của mình còn thiếu cái ý thức đó. Anh là thân đại thụ, là tàng cây che mát cho các thế hệ đàn em, nên chúng ta phải trân trọng những giờ phút các anh chị cao niên không kể khó nhọc, gian truân để bảo tồn và phát triển đại gia đình áo lam nơi quê nhà và ra khắp thế giới.
Đức Quảng


Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang