Hương vị giải thoát trong Kinh Pháp Cú

 


Trong Kinh Pháp Cú có một số bài khá phong phú đề cao chánh pháp vì chánh pháp đóng một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm phát huy chánh kiến, tu tập trí tuệ, đưa người hành giả dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát. Chánh pháp cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong trách nhiệm hướng dẫn quần sinh. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Ðức Phật trong kinh Ðại Bát Niết Bàn: “Này A Nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa người khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ tựa.”

Nhờ chánh pháp người trí được an tịnh. Truyện tích kể rằng một thiếu nữ về nhà chồng không được bên chồng chấp thuận vì không có của hồi môn (theo tập tục thời bấy giờ ở Ấn Ðộ). Mẹ cô đã dâng tất cả sự nghiệp đến chư Tăng. Người thiếu nữ bị hất hủi, cho rằng các Tăng đã hại hạnh phúc của cô, cô đâm ra thất vọng và nguyền rủa các Tăng. Ðức Phật thuyết pháp cho cô nghe và tâm cô trở nên an tịnh:

Như là hồ nước thẳm sâu
Phô dòng phẳng lặng, khoe màu sạch trong
Những người có trí, có lòng
Khi nghe chánh pháp cũng không khác gì
Thân tâm tịnh lạc kể chi.
(Pháp Cú 82).

Khi lời giáo huấn được giảng bày minh bạch, những người theo chánh pháp mà tu hành sẽ vượt khỏi kiếp sống trần tục, nơi mà dục vọng chế ngự và thường là khó thoát, để qua được đến bờ bên kia là cõi Niết Bàn, được giải thoát hoàn toàn. Những người có tâm đạo, cùng ở dọc theo một con đường nọ, quyết định để bát cúng dường chư Sư và nghe giảng giáo pháp suốt đêm. Nhưng khi về khuya vài người không chịu nổi nên trở về nhà. Vài người khác ở lại nhưng không ngớt ngủ gục. Nghe câu chuyện, Ðức Phật dạy:

Ai mà có đủ duyên may
Được nghe chánh pháp giảng bày phân minh
Đúng theo chánh pháp tu hành
Sẽ mau thoát cảnh tử sinh bờ này
Trùng dương dục vọng vượt ngay
Bên kia bờ giác dang tay đón chờ.
(Pháp Cú 86).

Sống một ngày mà chứng ngộ trạng thái bất diệt của cõi Niết Bàn là không sinh, không già, không chết, quý hơn sống cả thế kỷ mà không chứng. Một thiếu phụ trẻ tuổi mất đứa con duy nhứt. Bà ôm con chạy đi tìm phương cứu chữa. Bà đưa con đến Ðức Phật cầu cứu và Ngài khuyên bà nên tìm cho Ngài một ít hột cải trong nhà nào chưa từng có người chết. Hột cải thì bà tìm được, nhưng không gặp nhà nào chưa từng có người chết. Ánh sáng chân lý bừng phát sinh. Khi trở về được nghe giảng giáo pháp, bà xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Ngày kia, khi nhìn một ngọn nến cháy chập chờn trước gió bà suy niệm về lý vô thường của đời sống. Ðức Phật dạy:

Trăm năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia bất tử, thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống chỉ một ngày
Mà rồi giác ngộ thấy ngay Niết Bàn
Nơi bất diệt, đẹp vô vàn
Không trò bệnh lão, không màn tử sinh.
(Pháp Cú 114).

Một ngày nhận thấy giáo pháp chân lý tối thượng quý hơn sống cả thế kỷ không thấy. Một thiếu phụ khá giả có đông con, bảy trai và bảy gái. Theo lời yêu cầu của các con bà phân phối hết tài sản cho chúng vì chúng hứa sẽ cung phụng bà đầy đủ. Nhưng về sau những đứa con bất hiếu ấy lãng quên, không chăm sóc bà. Bà hết sức thất vọng và xuất gia làm Tỳ-kheo-ni. Bà chuyên cần suy niệm về giáo pháp. Ðức Phật giảng cho bà tầm quan trọng của chánh pháp:

Trăm năm sống chẳng nhận ra
Pháp kia tối thượng, thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống chỉ một ngày
Mà hay rằng giáo pháp đầy thâm sâu
Dạt dào chân lý tối cao.
(Pháp Cú 115).

Một câu chánh pháp dù ngắn cũng hữu ích. Người kia đi biển, thuyền bị đắm, cố gắng nhọc nhằn lắm mới lội được vào bờ. Không còn quần áo, ông lấy vỏ cây che đỡ thân mình. Dân làng thấy ông ăn mặc như vậy tưởng lầm ông là một vị A La Hán. Nhận định sự điên cuồng ấy, ông tìm yết kiến Ðức Phật. Ngài đang trên đường đi khất thực nhưng thấy đủ cơ quyên nên dừng lại bên đường giảng vắn tắt cho ông một bài pháp ngắn. Được cảm hóa bằng những lời dạy hữu ích, đầy trí tuệ, tâm ông khai ngộ và đắc quả A La Hán. Các Tỳ-kheo ngạc nhiên về ích lợi của bài pháp ngắn. Đức Phật dạy “Ngàn câu vô dụng không bằng một câu hữu ích”:

Kệ kia nói đến ngàn câu
Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời
Một câu nói cũng đủ rồi
Nếu đầy nghĩa lý, mọi người mừng thay
Nghe xong tâm tịnh lạc ngay.
(Pháp Cú 101).

Một Tỳ-kheo sống trong rừng chỉ thuộc một câu kinh và trong những ngày giới thường đọc câu ấy. Chư Thiên trong vùng hết lòng hoan nghênh. Hai Tỳ-kheo khác, vốn thuộc nhiều kinh kệ, cũng đến nơi ấy thuyết pháp nhưng không được chư Thiên hoan nghinh. Bất mãn, hai vị bỏ đi. Khi trở về bạch lại với Ðức Phật về thái độ của chư Thiên. Ngài dạy “Chánh pháp là để hành trì chớ không phải để nói suông”:

Nào đâu cứ phải nói nhiều
Là người chánh pháp chuyên theo hộ trì
Ai tuy ít học, ít nghe
Nhưng mang chánh pháp quyết đi thực hành
Chẳng buông lung, rất tâm thành
Hộ trì như vậy xứng danh hàng đầu.
(Pháp Cú 259).

Nhờ chánh pháp soi đường, nên trí tuệ phát triển, có thể chiến thắng ma quân dục vọng và cuối cùng đưa đến giác ngộ và giải thoát. Nhiều Tăng sĩ đang hành thiền trong rừng bị các vị Trời ngụ trên cây làm chao động, họ trở về thỉnh giáo với Ðức Phật. Ngài khuyên các thầy nên rải tâm từ đồng đều đến tất cả. Hành đúng lời dạy, về sau những vị ấy được chư Thiên hộ trì. Đức Phật dạy “Nên nhớ rằng thân ta mong manh như cái lọ sành. hãy giữ tâm mình vững như thành trì”:

Thân như đồ gốm mong manh
Giữ tâm cho vững như thành vây quanh
Với gươm trí tuệ tinh anh
Hãy mau đánh dẹp tan tành quân Ma
Dẹp Ma dục vọng quấy ta
Thắng rồi nỗ lực để mà tiến thêm
Giữ gìn chiến thắng cho bền
Vượt vùng luyến ái, thoát miền nhiễm ô.
(Pháp Cú 40).

Sống theo chánh pháp thời tiếng lành gia tăng. Vùng kia bị dịch hạch hoành hành. Vợ chồng viên chưởng khố trước khi chết chỉ cho con trai chỗ chôn kho tàng và bảo con trốn đi mới thoát chết. Mười hai năm sau chàng con trở về. Tuy giàu có nhưng sợ nguy đến bản thân nên sống khiêm tốn, đi làm công lam lũ. Nhà vua có tài nhận biết người khi nghe tiếng nói. Nghe tiếng anh nói, vua biết đây là một người giàu có. Về sau vua điều tra và tìm ra sự thật. Vua bổ nhiệm anh làm chưởng khố và gả công chúa cho. Khi anh được vua giới thiệu đến Đức Phật thì Đức Phật diễn tả những đặc tính của người sung túc như sau:

Luôn cố gắng, chẳng buông lung
Nghĩ suy chín chắn, tấm lòng hăng say
Bản thân tự chế hàng ngày
Sống theo chánh pháp, tốt thay cuộc đời
Tiếng lành tăng trưởng mãi thôi.
(Pháp Cú 24).

Ðức Phật là bậc đạo sư vĩ đại. Ngài đã khám phá ra con đường xuyên qua cánh rừng vô minh đen tối, và muốn chỉ cho chúng ta thấy con đường đó nếu chúng ta có đủ trí tuệ sáng suốt để lắng nghe những gì Ngài nói. Nước biển mênh mông vô tận nhưng đều bắt từ nguồn. Dù là nước trăm sông nhưng đều đổ về biển cả và thuần một vị, đó là vị mặn. Giáo pháp Ðức Phật thuyết giảng trong gần nửa thế kỷ cũng thế, dù nhiều vô lượng nhưng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát, là Bồ Ðề, là Niết Bàn tịch tĩnh.

Với lòng từ mẫn thương xót chúng sinh, Đức Phật thấy rõ chúng sinh ít người bỏ ác làm lành, ít người hướng tìm giải thoát. Trong nhân loại rất ít người qua được đến bờ bên kia là bờ giải thoát giác ngộ, là cõi Niết Bàn. Phần đông đám người còn lại chỉ cam tâm quanh quẩn xuôi ngược ở bờ bên này, là bờ của bất thiện, của trói buộc, của đau khổ, của cảnh giới sinh tử trần gian. Phần đông sinh trở đi trở lại trên thế gian này.

Truyện tích kể rằng những người có tâm đạo, cùng ở dọc theo một con đường nọ, quyết định để bát cúng dường chư Sư và nghe giảng giáo pháp suốt đêm. Nhưng khi đêm về khuya vài người không chịu nổi nên trở về nhà. Một số thì lo hờn lo giận. Vài người khác ở lại nhưng không ngớt ngủ gục, không một giọt pháp nào lọt vào tai. Nghe câu chuyện, Ðức Phật giải thích bản chất của người thế gian:

Đám đông nhân loại quanh ta
Ít người đạt được tới bờ bên kia
Còn bao kẻ khác kể chi
Ngược xuôi quanh quẩn sớm khuya bờ này
Trầm luân sinh tử thương thay!
(Pháp Cú 85).

Con đường Giới Ðịnh Tuệ của đạo Phật dẫn khách lữ hành dấn thân trên đạo lộ giải thoát, tiến dần đến Niết Bàn, đích cứu cánh của mọi con đường, một trạng thái an lành giải thoát chờ đợi người lữ hành.

Truyện tích kể rằng nhân dịp làm hôn lễ cho người con gái trẻ tuổi, gia đình nọ thỉnh Ðức Phật và tám mươi vị Tỳ-kheo về nhà để cúng dường. Trong lúc thấy cô dâu đang lăng xăng lui tới mải tiếp khách thì chú rể đứng nhìn cô dâu chăm chăm, trong lòng rộn rã và sinh lòng tham dục, chỉ say đắm nghĩ đến cô gái, không để hết lòng thành vào việc dâng cúng. Ðức Phật nhận thấy ý tưởng xấu ấy nên dạy rằng “Không lửa nào bằng lửa tham dục, không ác nào bằng lòng sân hận, không khổ nào bằng khổ ngũ uẩn, không vui nào bằng vui an tịnh Niết Bàn”:

Lửa nào lại sánh được ngang
Lửa tham, lửa dục, cháy tan dữ dằn
Ác nào lại sánh cho bằng
Ác sân, ác hận, hung hăng oán hờn
Khổ nào lại vượt được hơn
Khổ thân ngũ uẩn hợp tan sớm chiều,
Vui kia so sánh đủ điều
Sao bằng vui chốn cao siêu Niết Bàn.
(Pháp Cú 202).

Một cô gái làm công, phải làm việc vất vả suốt ngày đến lúc đêm khuya, bước ra ngoài cửa, để ý thấy nhiều vị Tăng sĩ thấp thoáng qua lại trên một ngọn đồi gần đó. Cô tự nghĩ: “Ta không ngủ được vì công chuyện bề bộn mệt nhọc, còn các vị Sư kia, tại sao cũng không ngủ được”. Về sau cô có dịp cúng dường bánh cho Ðức Phật và được nghe Ngài giải thích là các vị Tỳ-kheo vẫn thức đêm, không ngủ vì phải luôn luôn tỉnh giác và chuyên cần tu tập, tâm trọn vẹn hướng về Niết Bàn để mọi phiền não đều dứt sạch:

Những người giác tỉnh thường xuyên
Dốc lòng tu tập ngày đêm chuyên cần
Quyết tâm hướng đến Niết Bàn
Thì bao phiền não tiêu tan chẳng còn.
(Pháp Cú 226).

Một anh nông dân nghèo đến nghe Ðức Phật thuyết Pháp trong lúc bụng đói. Trước khi bắt đầu thời pháp Ngài gọi người dọn cơm cho anh ăn. Nhân cơ hội, Ngài giảng rằng “Thông thường, mỗi khi đau ốm người ta dùng một vị thuốc thích hợp làm cho bệnh thuyên giảm và chấm dứt. Nhưng cái đói thì không bao giờ dứt, suốt đời, hễ no rồi lại đói. Thân con người là nguồn gốc của lo âu và sầu khổ. Nếu biết rõ hai điều ấy ta sẽ thấy Niết Bàn là nơi an lạc cao nhất”:

Đói là chứng bệnh lớn lao
Vô thường ngũ uẩn khổ đau nhất đời
Nếu ai hiểu đúng vậy rồi
Coi như đạt đến cực vui Niết Bàn.
(Pháp Cú 203).

Chúng ta thường quan niệm Niết Bàn như một cảnh giới, một cõi nào đó cao cấp hơn cõi người, như là cõi thiên đường của các tôn giáo khác, đó là một sai lầm lớn. Niết Bàn vượt thoát mọi khái niệm đối đãi về thời gian, không gian, có, không, lớn, nhỏ… Dù vậy, Niết Bàn không phải là hư vô, mà là một thực tại thanh tịnh, siêu việt, không nằm trong phạm vi phân biệt của ý thức, hay nói cách khác, không thể nhận thức được Niết Bàn khi đang còn tham, sân, si. Một vị Thiền Sư nói: “Hãy nhìn những rặng núi, những con suối chảy, những rừng cây xanh ngắt đẹp tuyệt vời kia. Khi biết nhìn mọi vật với một nhãn quan mới, một nhãn quan không bị chi phối bởi tham sân si, thì cảnh đẹp kia chính là Niết Bàn đó! Niết Bàn không phải là một nơi chốn nào khác biệt với thế gian, một cảnh giới nào mà người ta có thể tìm đến. Niết Bàn chính là ở đây.” Ðức Phật và các vị Bồ Tát, A La Hán đã đạt Niết Bàn ngay trong đời sống này. Ðiều đó nghĩa là Niết Bàn nằm ngay trong tầm tay của mỗi người. Biểu hiện của Niết Bàn là không còn tạo nghiệp và không còn tái sinh.

“Niết Bàn tức sinh tử, sinh tử tức Niết Bàn”. Câu kinh thâm thúy mới đọc tưởng như mâu thuẫn. Thật ra lúc mê thì sinh tử, khi ngộ là Niết Bàn, hai cảnh sinh tử và Niết Bàn không phải là hai nơi xa cách mà chỉ là một. Pháp nhiệm mầu của Đạo Phật là dạy cho con người biết cách chuyển mê thành ngộ, biến cải cảnh sinh tử đau khổ của thế gian thành cảnh an lạc, Niết Bàn của chư Phật.

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO

nguồn thuviengdpt.info

Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang