Bắt
đầu nơi góc phố đi làm ngang qua, tôi thấy ai đó đã thiết trí
vườn Lâm Tỳ Ni với tôn dung Bụt đản sinh. Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc
(TP.HCM) đã có những đóa sen, cờ ngũ sắc tung bay báo hiệu mùa hoan hỷ.
Những đóa sen hồng nâng gót
Như Lai vào đời với Đức Phật lịch sử của 2.560 năm Phật lịch.
Nhưng, quan trọng hơn, Đức Phật hiện hữu trong cuộc đời bằng sự giác
ngộ, bằng ánh sáng - thấy chân thật về cuộc sống, về con người và vạn
loại là sanh tử luân hồi, trùng trùng.
Với đôi mắt hiểu và thương theo tinh thần của Bụt thì mỗi người thực
tập chân chính đều trở thành "sứ giả Như Lai" - làm việc mà Đức Như Lai
đã làm - là đi bằng những dấu chân tỉnh thức, thở bằng những hơi thở có
chất liệu của sự nuôi dưỡng thân tâm, nhìn bằng đôi mắt chứa tình thương
không phân biệt...
Tâm niệm và dõng mãnh phát nguyện làm sứ giả
của Bụt có nghĩa là sống với những lời Bụt dạy chứ không phải chỉ nói
theo những lời Đức Phật nói. Đó là điều quan trọng, giúp mình thực nếm
pháp vị nhiệm mầu.
Mùa Phật đản về, nhắc rằng, chúng ta đã đi quá
xa tự tánh sáng suốt, đã chạy theo quá nhiều thứ sanh-diệt bên ngoài mà
quên mất cội nguồn tĩnh lặng, an nhiên, vững chãi sẵn có. Tất cả đều vì
tham-sân-si, đưa ta nghĩ-nói-làm những việc từ thô tới vi tế - đều chỉ
để nuôi lớn ngã, khiến ta càng ngày càng chấp chặt, càng gánh trên mình
quá nhiều thứ linh tinh lang tang không thật - mà cứ ngỡ là thật.
Vì nghĩ mọi thứ là thật, nên ta đã bằng mọi cách mà "chiến đấu" không
ngừng với những ảo tưởng ở bên ngoài, nghĩ mình là chiến binh dũng cảm.
Mùa Phật đản nhắc ta nhớ, cái ta cần chiến đấu và chiến thắng là cái
tôi chứa ba món độc (tham-sân-si). Chiến đấu trong tinh thần bất bạo
động: chỉ cần chúng ta ngồi im đó, nhận diện nó, như cách mà Đức Thế Tôn
đã ngồi dưới cội bồ-đề và nhận diện cách đây 26 thế kỷ. Nhận diện mà
không phán xét, không phản ứng. Nhận diện với tình thương, với hiểu biết
rằng, tất cả đều có nhân-duyên của nó.
Và điều quan trọng là
hiện tại, ta tạo duyên lành cho bước đường mình đi tới một cách thực
vững chãi, thực thảnh thơi. Duyên lành đó chính là hãy tùy duyên mà
sống, tùy việc mà làm, sống tốt nhứt với vai trò mà tự thân đang trải
chứ không phải lao xao, lăn tăn theo những thị phi cuộc đời vốn vô thủy
vô chung, bản thân mình không thể thấy hết được căn nguyên vô cùng tận
của nó.
Như chuyện người khổ hôm nay, ta chỉ thấy họ khổ và
thương nhưng ta nào biết ở đời nào đó hoặc thậm chí đời này họ đã tạo
quá trời nhân xấu. Nên, đó là lẽ đương nhiên, không phải là bất công, họ
tất yếu cần trải qua điều ấy. Và ở đây, ta hiểu điều đó không phải để
quay lưng mà để thương họ, chỉ cần thương họ là đủ - rồi từ tình thương
ấy, ta cố gắng làm gì được cho họ thì làm - đâu cần tác động gì thêm nữa
vào cuộc đời, đâu cần ai oán, đâu cần nhân danh chánh nghĩa chi nữa?
Chúc Thiệu
0 comments