Ý Nghĩa Kinh Kim Cang


Ý NGHĨA ĐỀ KINH KIM CANG
Thích Tuệ Sỹ

Kinh Kim Cang là một trong những bản kinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Phật Giáo Đại Thừa. Ở đây, chúng ta sẽ trình bày ý nghĩa của đề kinh Kim Cang từ nguyên gốc tiếng Phạn và từ được dịch sang tiếng Hán. Đề kinh Kim Cang gồm hai phần. Tên tiếng Phạn là Vajrachedikā Prajñāpāramitā, trong đó phần đầu là tính từ phẩm định cho từ theo sau. Prajñāpāramitā phiên âm tiếng Hán là Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nó có khả năng cắt chém như kim cang, hay chính xác: như sấm sét (búa thiên lôi).
Hiện nay có hai bản dịch phổ biến: một là Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật do ngài La-thập dịch sang Hán; hai là Kim Cang Năng Đoạn Bát-nhã ba-la-mật đa của ngài Huyền Trang dịch. Trong đề kinh của ngài La-thập, từ chedika: (sự) cắt chém, bị lược bỏ. Theo đây có thể hiểu, cắt chém là công dụng của kim cang, không cần đến phẩm định từ, như dao để cắt, chỉ cần nói dao là đủ. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa khác, sự cắt chém của kim cang cần được lưu ý; và sự lưu ý này sẽ được đề cập sau.
Trước hết, chúng ta giải thích ý nghĩa của từ prañāpāramitā tức Bát-nhã ba-la-mật-đa. Từ Bát-nhã ba-la-mật-đa được hiểu theo hai phương diện, phương diện tư tưởng và phương diện văn học.
Về phương diện văn học, đó là hệ thống kinh điển được phát triển sau khi Phật nhập Niết-bàn. Có thể bắt đầu từ những phiến đoạn kệ tụng, như Bảo Đức Tạng Bát-nhã (Ratnaguṇa), vốn là thể thơ tiện lợi cho việc truyền khẩu từ thầy sang trò, phát triển dần theo thời gian và địa lý cho đến khi thành một bộ phận văn học rất đồ sộ. Bộ lớn nhất, dài nhất, trước hết phải kể là Bách Thiên Tụng (Śatasāhasrikā), kế đến là bộ 25.000 bài tụng: Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng (Pañcaviṃśatikā), rồi bộ Bát Thiên Tụng (Aṣṭasāhasrikā). Đó là ba bộ chính đồ sộ, tập hợp thành một đại tòng thơ, trong đó ngài Huyền Trang dịch Hán gồm 600 quyển, hình thành bộ Bát-nhã đồ sộ nhất trong văn học Phật Giáo.
Trong nền văn học Đại Thừa, khi nói đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là nói đến bộ tòng thơ vĩ đại này. Với kích thước dài tương đương 600 quyển bản Hán, vì quá dài, nên nhu cầu khi truyền tụng cần phải ngắn gọn lại cho phù hợp dung lượng của ký ức, và cũng cần có hệ thống cô đọng cho vừa tầm bắt nắm của tư tưởng. Chúng ta có, chẳng hạn như Văn-thù Bát-nhã gồm 700 tụng (Saptaśatikā: Mañjuśrīparivartā), đến Kim Cang chỉ còn 300 tụng (Triṃśatikā), rồi đến Tâm Kinh (Hṛdayasūtra) thì ngắn gọn vô cùng.
Nội dung giáo nghĩa được phô diễn rõ ràng trong kinh Kim Cang. Ở đây, chúng ta tóm tắt đại ý của Tâm Kinh để có khái niệm cơ bản về ý nghĩa thực tiễn của Bát-nhã Ba-la-mật. Tâm Kinh, như được giới thiệu bởi chính kinh văn, tiếng Phạn gọi là mantra, nghĩa đen là “công cụ tư duy”, Hán dịch thông dụng là “thần chú”. Bát-nhã Ba-la-mật cũng được gọi là mahāvidyā: nền minh triết phổ quát, bao trùm tất cả, được cô đọng và hàm chứa trong đây; mà Hán dịch là “đại minh chú.” Theo ý nghĩa này, kinh văn chỉ nêu ra hàng loạt phủ định, và kết thúc bằng câu gate gate paragate parasaṅgate bodhi svāha. Ngữ điệu của câu thần chú này chính là công cụ hướng dẫn tư duy vượt qua những bế tắc tư tưởng, mà đó cũng chính là những bế tắc trong đời sống thường nhật, và nhờ đó mà vượt qua những tai họa hiểm nghèo.
Nay nói qua về tư tưởng Bát-nhã. Bát-nhã hay prajñā, là trí tuệ, là nhận thức phán đoán các giá trị, theo các cấp từ thường nghiệm cho đến siêu nghiệm. Bình tĩnh và sáng suốt, đó là Định và Tuệ trong nhận thức thường nghiệm. Trong Phật học, đó là phần thứ ba của quá trình tu tập hay phát triển; chúng ta có Giới-Định-Tuệ. Nhận thức đạt được do quá trình phát triển Giới và Định là năng lực rọi sáng bản chất của tồn tại. Như Tâm Kinh nói: “Chiếu kiến năm uẩn đều không, vượt qua mọi ách nạn.” Trong các loại Định, để hỗ trợ cho trí tuệ soi thấu bản chất chân thực của tồn tại, xóa tan bức màn vô minh, đập vỡ lớp vỏ tự ngã, Định này được gọi là Kim Cang Dụ Định (vajropama-samādhi), vì kiên cố như kim cang, hay khả năng cắt chém như uy lực của sấm sét.
Ba-la-mật-đa, tiếng Phạn pāramitā, Hán dịch là đáo bỉ ngạn: đến bờ bên kia; hoặc cũng dịch là chí cực, nghĩa là, hoàn hảo hay toàn thiện tuyệt đối. Tại sao là hoàn hảo? Có hai nghĩa: Thứ nhất là sự đạt đến mức toàn thiện. Theo nghĩa này, Hán dịch là đáo bỉ ngạn, qua đến bờ bên kia, là bờ giải thoát sanh tử, bằng trí tuệ bát-nhã. Nghĩa thứ hai là sự hoàn hảo của trí tuệ bát-nhã, tức là đạt đến nhận thức chân thật tuyệt đối. Đó là sự hợp nhất hoàn hảo của Bi và Trí.
Kinh Kim Cang thuộc về văn học Bát-nhã, trong kinh điển Đại Thừa, giáo nghĩa của kinh được giảng cho các hàng Bồ-tát. Không giống các kinh điển Đại Thừa khác, vị chủ giảng phần nhiều là các Bồ-tát thuộc hàng Pháp Thân Đại Sĩ; trong các kinh điển thuộc văn học Bát-nhã sơ kỳ, giáo nghĩa trong đây được diễn giải bởi các Thanh Văn, các Đại Đệ Tử, cho các hàng Bồ-tát, bao gồm loài người và loài trời. Điều này rất có ý nghĩa, theo đó kinh điển Bát-nhã chứa đựng các giáo nghĩa mở rộng cho hàng đệ tử tại gia.
Văn học Bát-nhã là một phần của nền văn học nguyên thủy hơn, đó là văn học Jātaka mà nội dung chuyển tải sự thực hành các Ba-la-mật của Bồ-tát. Đó là những câu chuyện tiền thân của đức Phật, trong nhiều kiếp do chứng kiến những thống khổ của chúng sanh mà phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo.
Từ sau Phật nhập Niết-bàn khoảng 100 năm trở đi, giáo pháp của ngài được truyền bá rộng rãi vào quần chúng trong một giai đoạn mà người dân thích nghe đạo được kể bằng câu chuyện. Các vị Tỳ-kheo hoằng pháp đã khéo léo đưa nội dung giáo lý vốn cao siêu vào trong những sinh hoạt thường nhật, tập thành những mẫu chuyện Jātaka, tiền thân của đức Phật, một nhân cách tuyệt vời với những phẩm tính cao thượng như từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, tinh tấn; luôn luôn sống và hành động vì an lạc của mọi loài chúng sinh.
Những phẩm tính ấy là những thiện căn công đức được tích lũy nhiều đời nhiều kiếp để cứu cánh thành tựu chánh giác. Trong truyền thống phương Bắc, các phẩm tính ấy là sáu Ba-la-mật. Trong truyền thống phương Nam, trong kinh tạng Pāli, các phẩm tính ấy là mười Ba-la-mật.
Tuy cả hai truyền thống đều bắt đầu bằng Bố thí Ba-la-mật (P. dāna-pāramī), nhưng Phật Giáo phương Nam thiên trọng về xuất ly hay xuất gia (P. nekkhamma-pāramī); trong khi truyền thống phương Bắc lấy Bố thí Ba-la-mật làm nền tảng từ đó phát triển lên thành các Ba-la-mật khác. Trong các truyện tiền thân Bắc truyền, Bồ-tát luôn luôn hiện thân làm cư sỹ tại gia. Hành bố thí là phước nghiệp sự của người tại gia được đức Phật giảng dạy nhiều nơi trong các kinh điển A-hàm hay Nikāya. Mặc dù trong hệ kinh điển này đức Phật cũng kể nhiều chuyện tiền thân của chính ngài, đã nhiều lần xuất gia tu đạo, nhưng sự hành đạo khi ấy chưa đạt đến cứu cánh. Bố thí là một phần trong pháp môn Lục Niệm được dạy cho Phật Tử tại gia. Người xuất gia không được phép có tư hữu, vì vậy không có phương tiện để hành bố thí như người tại gia.
Vả lại, trong giáo nghĩa sơ kỳ, việc bố thí chỉ mang lại phước cho đời sau chứ không giúp cho việc giải thoát sinh tử. Tuy nhiên, theo Đại Thừa, chính bố thí dẫn đến giải thoát và có thể đến Đại Bồ-đề.
Từ truyện kể về tiền thân của đức Phật, qua đó để thành tựu Phật quả cần phải thành tựu sáu Ba-la-mật, văn học Jātaka được mở rộng đã trở thành nội dung thực tiễn của giáo nghĩa Bát-nhã. Nhưng làm thế nào để thành tựu Bát-nhã nầy? Sự diễn giải đã kéo dài với dung lượng tương đương 600 quyển Hán, năm nầy tháng kia, thời nầy sang thời khác, dần dà được thu ngắn lại cho gọn trong vài trăm chữ để dễ thực hành, cuối cùng mấy trăm chữ nầy dồn lại còn một dòng: gate gate paragate parasaṅgate bodhi svāha.
Nói tóm lại, Ba-la-mật là đáo bỉ ngạn hay chí cực. Một từ Phạn với hai từ Hán dịch khác nhau, đây là do nhận thức khác nhau về ngữ pháp cấu tạo từ. Chúng ta không đề cập vấn đề ngữ pháp Phạn ở đây.
Pāramitā, theo nghĩa chí cực, là sự thực hành đạt đến mức tối thượng, tuyệt đối. Người tu tập cần phải thành tựu viên mãn sáu đức tính tuyệt đối, bắt đầu với bố thí như là sự thể hiện thực tiễn của từ bi; trên cơ sở đó tu tập và phát triển lần lượt cho đến sau cùng là trí tuệ. Bi và Trí song hành với nhau để tiến đến giải thoát. Vì thế văn học đồ sộ của Bát-nhã được đúc kết lại, vừa nghĩa vừa văn, thích hợp cho một hạng căn cơ nhất định để hiểu và hành; đó là kinh Kim Cang.
Tiếng Phạn vajra, phổ thông dịch là kim cang, đó chỉ mới nhấn mạnh đến tính chất cứng rắn nhưng chưa nói hết uy lực của nó như sấm sét. Vajra cũng được dịch là kim cang xử: chày kim cang. Trong huyền thoại Ấn Độ, kim cang xử là vũ khí của Indra tức là Thiên Đế Thích.
Khởi thủy, tổ tiên người Ấn được nói là người A-lị-nhã cư trú trong vùng biển Caspina, phía Bắc Iraq ngày nay. Theo dòng lịch sử, họ lần hồi tràn xuống phía Nam, ngang qua Iraq; một bộ phận tiến về phía Tây; bộ phận khác tiến về phía Đông, cuối cùng định cư trong lưu vực Ngũ Hà, Ấn Độ. Hệ thống các thần linh và vũ trụ luận cũng biến thiên theo bước chân của người A-lị-nhã. Với sự định cư và sự phát triển của nông nghiệp, Thần Indra trong số Vạn Thần cổ đại dần chiếm vai trò quan trọng, trở thành chúa tể của chư thiên. Cái chày kim cang hay kim cang xử trong tay là vũ khí lợi hại để diệt trừ ma quỷ, bảo vệ hạ giới. Đến thời đức Phật, Thần Indra bị thay thế bởi Thần Brahmā, khi câu hỏi về nguồn gốc thế giới được nêu lên. Tuy nhiên, trong kinh Phật, Thần Indra vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự quản lãnh các thiên thần, bảo vệ hạ giới, và ông được gọi là Thiên Đế Thích: vua của chư thiên, có họ là Thích-ca; nói theo tiếng Phạn: śakro devānām indraḥ, cũng thường phiên âm là Thích Đề-hoàn Nhân. Khi Phật xuất hiện, ông cùng chư thiên thuộc hạ trở thành các vị hộ pháp.
Từ vajra mang ý nghĩa là lưỡi tầm sét, hay kim cang xử, xuất hiện nhiều đoạn trong kinh văn nguyên thủy như các A-hàm, Nikāya. Trongđó, vajra là vũ khí bảo vệ chân lý được cụ thể hóa qua Thần Vajrapāṇi, Kim Cang Thủ. Kim cang được dùng để ví dụ cho loại Định kiên cố, gọi là Kim Cang Dụ Định, có uy lực diệt trừ ngã chấp và vi tế vô minh để chứng đắc quả A-la-hán, hay Chánh Đẳng Giác. Kim Cang Dụ Định nầy cũng chính là Kim Cang Bát-nhã.
Kinh nói, Bồ-tát hành đạo, để đạt đến cứu cánh, cần phải loại trừ ý niệm về tự ngã. Nhưng tự ngã ấy bị bọc trong lớp vỏ vô minh, trừ phi có định lực kim cang và trí tuệ như kim cang mới loại trừ được nó.
Tôi là ai? Ta là cái gì? Ta tồn tại hay không tồn tại? Câu hỏi ấy đã là sự thách thức các hệ thống tư duy triết học và tôn giáo Ấn Độ. Không có câu trả lời thỏa đáng, hóa ra đời sống này chỉ là một trường túy sinh mộng tử: sống như người say rượu, không biết sống để làm gì; và chết như người đang chiêm bao, không biết tại sao chết, từ đâu đến và đi về đâu.
Trong các kinh điển nguyên thủy, đức Phật không đưa ra một câu trả lời xác định. Thế nhưng, điều được tin tưởng là tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta; ta là tài sản này; sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ, cho nên có kẻ trầm mình xuống sông, hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực; người nghe có thể kinh hoàng, như nghe sét đánh ngang tai. Tiếng sét đó là từ Kim Cang bát-nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối; mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh? Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim Cang?
Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, kinh Kim Cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi, và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.
Tập san Pháp Luân số 58


Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang