Ấn Độ và Nepal đã cho thế giới một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất của mình: Đức Phật. Tuy nhiên, cả hai nước không thực sự xem trọng di sản phi thường này, chứ đừng nói là rất tự hào về nó. Tại nơi sinh và quê hương của Đức Phật, lời dạy của Ngài đang bị xa lánh, tuệ giác của Ngài không được đánh giá cao, và di sản của Ngài trở nên vô hình trong xã hội.
Việc sao lãng phổ biến di sản quý giá này là một mất mát không thể lường được. Sau cùng, hãy nhớ có rất ít sản phẩm từ khu vực này được đánh giá cao và được tôn trọng, hoặc được truyền bá rộng rãi và thành công như những lời dạy của Đức Phật.
Có – yoga, cà ri, gạo basmati và Bollywood đã có ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng đạo Phật đã thay đổi toàn bộ xã hội ở Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nơi khác nữa, nhanh chóng thâm nhập vào thế giới phương Tây và tiếp tục chạm vào trái tim và khối óc của hàng triệu người trên thế giới.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên hơn là sự quan tâm toàn cầu mạnh mẽ này hầu như không có ở các nơi Đức Phật đã ra đời, giác ngộ, và giảng dạy. Không thể ngờ rằng chính phủ cũng như đa số người dân ở Ấn Độ và Nepal không thật sự yêu mến Đức Phật ngày hôm nay hay giữ trong trái tim và tâm trí của họ như là một trong những người đồng chủng tộc.
Sự thiếu quan tâm đến di sản Phật Giáo là một sự thất bại của giới lãnh đạo và một bệnh mù quáng đặc biệt của xã hội. Tại Nepal, quan tâm đến Phật Giáo dường như chỉ được đánh thức khi ai đó tuyên bố Đức Phật được sinh ra ở Ấn Độ. Lúc đó người dân Nepal sốt sắng tuyên bố đất nước của họ mới là nơi sinh của Ngài – mặc dù cả hai nước Nepal hay Ấn Độ đã không tồn tại như thể cách đây 2.500 năm.
Ở Ấn Độ, bệnh mù quáng kéo dài từ sự thất bại của giới trí thức Ấn Độ để tìm hiểu, đánh giá cao và bảo tồn di sản Phật Giáo của đất nước họ đến những người làm nghề bán hình ảnh của Đức Phật và hạt bồ-đề tại các địa điểm hành hương, và các Sư giả và lang băm nhận tiền đóng góp từ các Phật Tử hành hương ngây thơ.
Và sự coi thường này đối với Phật Giáo biểu hiện ở khắp mọi nơi, như tại các hiệu sách ở sân bay Varanasi – cửa ngõ cho vô số khách hành hương đến nơi linh thiêng Đức Phật đã truyền bá chánh pháp lần đầu tiên – đã không có một cuốn sách nào về Phật Giáo ở giữa rất nhiều sách về Ấn Độ Giáo và Ấn Độ.
Và nó cũng biểu hiện ngay cả ở các ngôi đền Phật Giáo linh thiêng nhất trên thế giới, như đền Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), nơi Đức Phật đã giác ngộ, mà vẫn còn bị quản lý bởi đa số người Ấn Độ Giáo – một tình huống tương tự như Vatican hoặc Kaaba ở Mecca được điều hành bởi đa số Phật Tử, hay một Giáo Đoàn Do Thái dưới sự điều khiển của người Tin Lành.
Chủ nghĩa thế tục và đúng đắn chính trị ở Ấn Độ
Không dễ dàng gì để giải thích sự bỏ bê cố ý này. Ở một mức độ nào đó, hoàn cảnh của Phật Giáo ở Ấn Độ hôm nay có thể là một di sản của lịch sử thuộc địa lâu dài của đất nước, mà dường như đã dẫn đến việc chấp nhận hoàn toàn các giá trị thế tục và việc từ bỏ di sản tinh thần sâu sắc của Ấn Độ.
Một ví dụ gần đây là sự hồi sinh của Nalanda, trường đại học Phật Giáo lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, được thành lập trước Trường Đại Học Oxford những 650 năm. Viện trưởng đầu tiên của dự án, Amartya Sen – để phân biệt giữa “nghiên cứu tôn giáo và thực hành tôn giáo” – cho biết rằng ông sẽ giảm bớt giảng dạy về Phật Giáo để ủng hộ một chương trình thế tục. Thật vậy Giáo Sư Sen đã viết về Nalanda nhưng không đề cập gì đến các di sản Phật Giáo.
Ấn Độ chủ trương trân trọng di sản của mình, nhưng trong thực tế đã phù hợp với các giá trị của phương Tây, thế tục, vật chất hơn là với trí tuệ sâu sắc truyền thống mà nước Ấn đã để lại cho thế giới. Và như vậy, trong khi Ấn Độ tự hào tuyên bố là nước dân chủ lớn nhất thế giới, Đức Phật vẫn còn xa lạ với hầu hết người Ấn. Thật vậy, giới trí thức có học của Ấn Độ biết nhiều về Marx và chủ nghĩa Marx hơn về Đức Phật và Phật Giáo.
Sự đúng đắn chính trị thế tục của phương Tây đang được trưng bày ngay cả ở lối vào di tích Nalanda, nơi mà các bia ký đã không nhắc đến việc trường đại học và thư viện rất lớn và vô giá của trường đã thực sự bị phá hủy vào năm 1193 bởi người Hồi Giáo trên cơ sở tôn giáo bởi vì các kinh sách của trường đã không tuân theo kinh Qur’an. Chính phủ chỉ muốn giải thích cho du khách một cách đơn giản rằng người phá hoại là một người đàn ông tên là Bakhtiyar Khilji.
Pha loãng sự thật và làm loãng sự kiện lịch sử vì nhu cầu đúng đắn chính trị thế tục chẳng phục vụ cho ai cả. Ngược lại, phủ nhận thực tế và chôn vùi sự thật đã nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan, ngay ở các nền văn hóa truyền thống phi bạo lực như ở Miến Điện nơi mà các Phật Tử đã hành động bạo lực đối với các láng giềng theo Hồi Giáo.
Hãy tưởng tượng sự giận dữ và những lời buộc tội chống Do Thái sẽ nổ ra tại thành phố New York nếu chính phủ và các học giả chủ động giảm bớt lịch sử của Holocaust (việc giết hại người Do Thái trong Thế Chiến thứ hai). Đối với vấn đề đó, hãy tưởng tượng người Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào nếu các quan chức và học giả làm dịu bớt các lạm dụng và lỗi lầm trong quá khứ của người Anh ở Ấn Độ.
Các học giả, nhà báo và chuyên gia sẽ đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và hòa hợp ngày hôm nay bằng cách nói lên sự thật về các phá hoại của người Hồi Giáo đối với Nalanda và các biểu tượng Phật Giáo khác – trong lịch sử tại Ấn Độ và gần đây ở Afghanistan – hơn là bằng cách giấu chúng.
Các người ở phương Tây và Ấn Độ biện hộ cho Hồi Giáo nói rằng họ đang thúc đẩy sự khoan dung, và các tôn giáo khác cũng đã có các hành vi phá hoại, như các tín đồ Thiên Chúa Giáo trong các cuộc Thập Tự Chinh. Họ cũng có một thói quen ca ngợi phản ứng của người Phật Tử là không bạo lực khi bị khiêu khích.
Đây là một hình thức khoan dung giống như một đúng đắn chính trị tinh vi hơn là sự khoan dung thật và cởi mở. Hãy tưởng tượng bao che cho một cuộc tấn công tàn bạo bằng cách ca ngợi nạn nhân đã không đánh trả và chuyển hướng sự chú ý đến các cuộc tấn công khác.
Ngược lại, nói thật, trong đó bao gồm việc nêu tên kẻ tấn công, là điều cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu đích thực và lòng từ bi – mà theo quan điểm Phật Giáo là không thể tách rời khỏi trí tuệ. Trung thực như vậy sẽ làm dịu bớt các xu hướng trả thù và trả đũa, và thậm chí còn để lộ bản chất anh hùng và dũng cảm thật sự của phản ứng bất bạo động. Trong thực tế, đó chính là cách các sử gia Ấn Độ đã khâm phục sự vĩ đại, không sợ hãi và bất bạo động của Gandhi – bằng cách phơi bày, không bao che, các tàn bạo của người Anh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ.
Trong việc phá hủy Phật Giáo ở Ấn Độ bởi Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo, tuy nhiên, Ấn Độ đã không may chọn cho mình một đúng đắn chính trị hèn nhát hơn. Nước Ấn đã đầu hàng trước áp lực của bạo lực và đe dọa, nhưng đã thất bại trong việc bảo vệ phi bạo lực. Đúng vậy, trong khi sân bay Delhi dành một trạm đặc biệt cho khách hành hương Hajj, nhưng không có hỗ trợ tương đương cho các khách hành hương Phật Giáo ở Ấn Độ.
Chỉ có hai tôn giáo quan trọng ở Ấn Độ
Tuy nhiên, chủ nghĩa thế tục một mình không thể giải thích việc bỏ bê bừa bãi của Ấn Độ về di sản Phật Giáo của mình, vì các nhạy cảm giữa Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo đang diễn ra cho thấy tôn giáo vẫn còn quan trọng ở trong nước. Ví dụ, các người theo Ấn Độ Giáo đang tức giận bởi nhà thờ Hồi Giáo ở Varanasi Gyanvapi chiếm chỗ của một ngôi đền Ấn Giáo cổ đại, và họ thậm chí phá hủy nhà thờ Hồi Giáo Babri ở Ayodhya để xây dựng một ngôi đền Ấn Giáo. Người Hồi Giáo ở Bengal và ở nước láng giềng Bangladesh và Pakistan đã tấn công các ngôi đền theo Ấn Độ Giáo.
Tuy nhiên, Ấn Độ không có hối hận về việc từ chối cho phép Phật Tử quản lý nơi linh thiêng nhất của họ, và hoàn toàn quên một thực tế rằng Bồ Đề Đạo Tràng đối với Phật Tử cũng giống như Mecca với người Hồi Giáo. Và như vậy, có lẽ không chỉ là chủ nghĩa thế tục ở đây, mà đúng hơn là khi nói tôn giáo duy nhất có ảnh hưởng tại Ấn Độ phải là cuồng tín và bạo lực, dù là tín đồ của nó mang màu cam hoặc màu xanh.
Trong thực tế, sự sụp đổ của Phật Giáo ở Ấn Độ là do cả hai tôn giáo lớn, với Hồi Giáo kết thúc những gì Ấn Độ Giáo đã bắt đầu. Thật vậy, do áp lực Bà-la-môn từ thế kỷ thứ 5 trở đi đã chuyển đổi rất nhiều đền Phật Giáo sang những nơi thờ phụng Ấn Độ Giáo, với Hồi Giáo sau đó phá hủy những gì còn sót lại.
Các di sản của chủ nghĩa đế quốc tôn giáo cổ xưa này vẫn còn hiển nhiên ngày nay không chỉ trong việc quản lý bởi Ân Độ Giáo các nơi linh thiêng của Phật Giáo, mà thậm chí được ghi nhận trong Hiến pháp của Ấn Độ. Điều 25 tuyên bố rằng “khi nói đến Ấn Độ Giáo phải được hiểu là bao gồm các người theo đạo Sikh, Jaina hay Phật Giáo, và các tổ chức tôn giáo của Ấn Giáo được hiểu theo ý nghĩa này”.
Dù các tiền đề lịch sử có thế nào đi nữa, thực tế đáng buồn hiện nay là các chính phủ và nhân dân Nepal, Ấn Độ, và Bihar nổi tiếng là những người chủ xấu đối với hàng trăm ngàn người hành hương đến đây mỗi năm để tỏ lòng kính trọng đến cuộc đời và lời dạy của Đức Phật Gautama. Từ các cấp trên của lãnh đạo cho đến các đoàn người ăn xin thấp nhất trong các đường phố, không có bằng chứng nào về việc giúp đỡ hoặc đối xử tốt với những người hành hương từ xa, ngoài việc làm tiền họ bằng mọi cách có thể tưởng tượng.
Để công bằng, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn những tai ương của Nalanda, Bodhgaya, Sarnath vào những người không phải là Phật Tử. Các người theo Đại Thừa và Nguyên Thủy cũng hoạt động trong thế giới riêng của họ, và những ngôi đền Phật Giáo khắp Bodhgaya hiếm khi tham gia đoàn kết trong bất kỳ vấn đề ít trần tục hơn để có được một dòng điện hoặc cải thiện việc cấp nước. Thay vì ăn mừng di sản chung trong giáo pháp, thiền, nghi thức và lễ hội, họ thường có vẻ chú trọng nhiều hơn việc thúc đẩy giáo phái của riêng mình và lấn át những lời cầu nguyện của nhau với nhiều nghi lễ đặc biệt của riêng mình với bộ khuếch đại âm thanh ầm ĩ.
Để đáp lại những lời chỉ trích của tôi về sự thiếu chăm sóc cho di sản Phật Giáo của Ấn Độ, các bạn bè Ấn Giáo của tôi đã nhanh chóng nói rằng Phật Giáo về cơ bản là một phần của Ấn Độ Giáo và Phật là một hóa thân của Vishnu. Bất kể các vấn đề triết học, lý luận này vấp ngã ngay trên căn bản nhân văn, xã hội và tình cảm, vì các lợi lộc, vinh quang và lợi thế của Ấn Độ Giáo không bao giờ được chia sẻ với Phật Tử.
Bỏ bê Phật Giáo là sự mất mát của Ấn Độ
Tùy theo cách nhìn – cho dù chỉ qua ống kính thế gian về kinh doanh, chính trị, niềm tự hào quốc gia, cơ hội xuất khẩu, chính sách đối ngoại hoặc vì lý do tâm linh sâu sắc hơn – bỏ bê việc phổ biến di sản Phật Giáo thực sự là một mất mát đáng buồn cho Ấn Độ.
Thậm chí từ một quan điểm kinh doanh hoàn toàn thế tục, những nơi như Bodhgaya và Lumbini là mỏ vàng đầy tiềm năng. Chỉ trong một thời gian ngắn của tôi gần đây ở Bodhgaya, hai lãnh đạo nước ngoài đã đến thăm đền Mahabodhi để tỏ lòng kính trọng của họ.
Thật vậy, các chức sắc nước ngoài, các tướng lĩnh quân đội và các danh nhân khác thường xuyên đến Bodhgaya không cho bất kỳ hội nghị, đàm phán nào nhưng chỉ đơn giản là để tỏ lòng tôn kính, chưa kể đến hàng ngàn người hành hương hàng ngày từ khắp nơi trên thế giới – Châu Âu, Nga, Nam và Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ, Úc và nhiều nước hơn nữa.
Và nếu không thể tránh khỏi vấn để chính trị, Ấn Độ thực sự nắm giữ một con Ách trong chính sách đối ngoại, vì Bodhgaya và các địa điểm hành hương Phật Giáo khác trong nước là tài sản vượt qua tất cả các chia rẽ giáo phái và chính trị, bao gồm cả các vấn đề nhạy cảm như Tây Tạng. Sau hết, những địa điểm hành hương được xem là thiêng liêng cho tất cả các Phật Tử thuộc mọi truyền thống – không có ngoại lệ – và do đó nhắc nhở muôn đời những sự thật nguyên tố mà Đức Phật đã dạy.
Từ một quan điểm đơn giản về xuất khẩu, so sánh chất lượng phong phú của di sản Phật Giáo ở Ấn Độ và sự tôn trọng trên toàn thế giới với chất lượng xấu hổ của rất nhiều các sản phẩm khác của Ấn Độ – từ tem bưu chính không dính đến chốt cửa không phù hợp. Thật đáng buồn khi Ấn Độ không trân trọng, huống hồ quảng bá, một trong những sáng tạo vĩ đại nhất đã từng được sản xuất: các giáo lý và trí tuệ chói sáng của Đức Phật Gautama.
Và thậm chí từ quan điểm đơn giản về niềm tự hào quốc gia, hãy nhớ rằng không những Vishnu hay Shiva sẽ không đạt được quốc tịch Ấn Độ hay Nepal ngày nay, vì họ là Thần. Trái lại, Đức Phật là một con người thực từ quê hương của mình, có trí tuệ, giảng dạy, tiếp tục chạm vào trái tim và khối óc của hàng triệu người trên thế giới, kể cả trong các vùng đất được xem là kẻ thù số một của Ấn Độ: Trung Quốc. Không thể hiểu rằng Ấn Độ hay Nepal ngày hôm nay không có quan tâm nào đến di sản của Ngài.
Vấn đề của thái độ
Do không quan tâm và bỏ bê phổ biến này, không ngạc nhiên khi bất kỳ cải tiến thật sự ở Bodhgaya và các thánh địa Phật Giáo khác phần lớn là các sáng kiến của người nước ngoài hoặc người tị nạn Tây Tạng, những người thường phải hối lộ từng bước để thực hiện được bất cứ điều gì.
Sự thiếu kính trọng của chính phủ Ấn Độ và người dân đối với những đóng góp rộng lượng từ nước ngoài được minh họa bằng một biến cố gần đây ở vùng quê nghèo khó Dhungeshwari, nơi Đức Phật đã tu khổ hạnh trong sáu năm trước khi đạt đến giác ngộ.
Ở đó, quan chức ở Delhi áp đặt một phạt vạ lớn Rs 9.000.000 (9.000.000 đồng rupee Ấn Độ) cho một trường học bắt đầu bởi một tu sĩ Phật Giáo Hàn Quốc dành cho 500 trẻ em bị thiệt thòi tại địa phương và do đó buộc các trường – không thể nộp tiền phạt và bị cắt đứt các nguồn vốn ngoại quốc – phải đóng cửa tạm thời.
Khi nhà trường đến tòa án – một hành động dũng cảm, đặc biệt là ở Bihar – để kháng cáo phán quyết bất công này, một thẩm phán Tòa Án Tối Cao đã bác bỏ tiền phạt và công khai khiển trách chính phủ Ấn Độ đã xử phạt một trường học Phật Giáo đang giúp đỡ những người nghèo nhất của Ấn Độ và làm những gì mà chính phủ có bổn phận phải làm.
Trong trường hợp hiếm hoi này, công lý cuối cùng đã thắng. Nhưng các phiền nhiễu bởi nền hành chính quan liêu trong thời gian dài trước khi có bản án cho thấy một vấn đề quan trọng hơn trong quan điểm của Ấn Độ về Phật Giáo.
Một thành phần của thái độ đó bắt nguồn từ vấn đề giai cấp vẫn còn thống trị rất mạnh mẽ ở Ấn Độ ngày nay. Hàng triệu tín đồ Phật Giáo ở bang Maharashtra, những người đã được đưa tới con đường Phật Giáo bởi Tiến Sĩ BR Ambedkar, ít cam kết với những lời dạy của Đức Phật hơn là mong muốn của họ không bị kỳ thị vì đẳng cấp thấp của họ. Mặc dù mong muốn đó quan trọng và dễ hiểu, một mục đích xã hội và chính trị như vậy có thể không hữu ích cho con đường tâm linh của họ hoặc với Phật Giáo.
Vì vậy, một người bạn Ấn Độ có giáo dục cao đi bên cạnh tôi để thiền định hàng ngày tại đền Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng gần đây đã bị tra hỏi bởi các nhân viên an ninh Ấn Độ là tại sao anh ta đã đến đó mỗi ngày, và được chấp thuận làm một người hướng dẫn. Giả sử rằng Phật Giáo được dành cho người nước ngoài hoặc cho những người Ấn có đẳng cấp thấp nhất, các nhân viên bảo vệ không thể hiểu những lợi ích mà một người có đẳng cấp và giáo dục cao của Ấn Độ có thể thâu lượm được.
Và nếu sự phiền toái này tồn tại ở lối vào đền linh thiêng nhất của Phật Giáo, rất ít có hy vọng cho việc thay đổi thái độ đối với Phật Giáo trong xã hội Ấn Độ hay trong phần lớn tâm lý quốc gia của Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc dùng lá bài Phật Giáo
Gần đây Ấn Độ đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của một ít quan tâm liên quan đến di sản Phật Giáo, đặc biệt là ở khu vực Himalaya, phần lớn là vì Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ các địa điểm linh thiêng của Phật Giáo ở phía bên kia dãy Himalaya.
Về vấn đề này, nên nhớ có thống kê khoảng 20% người Trung Quốc là Phật Tử, so với ít hơn 1% người Ấn Độ theo đạo Phật trên vùng đất mà Đức Phật đã giác ngộ – một tỷ lệ đã không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, Trung Quốc đến nay có dân số Phật Giáo lớn nhất trên thế giới (chiếm hơn một nửa trong số tất cả các Phật Tử trên thế giới), trong khi số lượng tín đồ Phật Giáo của Ấn Độ dưới 2% của tổng số thế giới.
Ngược lại với lịch sử lâu dài của sự bỏ rơi Phật Giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc đã vinh danh một số học giả và những người bảo trợ đạo Phật trong lịch sử. Ví dụ, Trung Quốc tôn kính ngài Huyền Trang, người mà các Phật Tử nhớ ơn đã ghi nhận các địa điểm linh thiêng nhất của cuộc đời và giác ngộ của Đức Phật. Và sự bảo trợ của các triều đại và hoàng đế Trung Quốc (như Minh Đế thời nhà Hán, Vũ Đế thời nhà Lương và Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên triều đại nhà Đường) đã đảm bảo sự tồn tại của Phật Giáo bên ngoài đất sinh ra đạo Phật.
Và sự bảo trợ này không chỉ là cổ đại hay lịch sử. Thậm chí ngày nay hãy xem mức độ, chi tiết và quy mô của các dịch vụ chăm sóc và tôn kính của Trung Quốc – một quốc gia được cho là vô thần – để bảo quản xương ngón tay của Đức Phật tại chùa Pháp Môn (Famen) ở Tây An; ví dụ, hãy so với cách bảo tồn kém các di tích của Đức Phật tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở New Delhi, mà ngay cả những di vật là những đóng góp từ Thái Lan.
Tất nhiên chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng Trung Quốc đã phá hủy các đền chùa Phật Giáo, kinh sách và các giáo thọ trong những năm 1950 và trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhưng những hành động này, qua một khoảng thời gian rất ngắn, vì chính trị chứ không phải bị tôn giáo thúc đẩy, và một sự hồi sinh mạnh mẽ của Phật Giáo hiện nay đang được tiến hành ở Trung Quốc.
Điều này trái ngược hẳn với sự bức hại Phật Giáo bởi các Bà-là-môn trong lịch sử và các thế kỷ tiếp theo bởi những người Hồi Giáo, và từ đó Phật Giáo Ấn Độ đã không thể gượng dậy được.
Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh với sự hồi sinh của Phật Giáo ở Trung Quốc, Ấn Độ – bao giờ cũng nghi ngờ gián điệp Trung Quốc – vẫn dựng những rào cản hành chính đối với nhiều người trong số hàng trăm ngàn Phật Tử Trung Quốc háo hức đến thăm Ấn Độ trong chuyến hành hương mỗi năm. Nhưng Ấn Độ cũng nên hiểu rằng chỉ là một người Ấn theo Ấn Độ Giáo có thể cảm thấy thoải mái hơn với một người Anh theo Ấn Độ Giáo hơn với một người Ấn theo Hồi Giáo. Những người Phật Tử từ Sri Lanka hay Ladakh coi những người hành hương Trung Quốc đơn giản chỉ là anh em Phật Tử.
Và cũng giống như người Hồi Giáo, bị cơ cực, thuộc địa, hoặc bị áp bức ở các vùng đất riêng của họ, có thể tự hào là người Hồi Giáo trong quyền lực và sự giàu có của Saudi Arabia, hoặc như người Do Thái trên toàn thế giới có thể tự hào về Israel, cũng vậy các Phật Tử ở Bangladesh, Indonesia, và những nơi khác bị xâm lược bởi nước ngoài, hoặc ở các nước nhỏ nghèo như Bhutan, có thể vui mừng trong sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường.
Tóm lại, không nên sa vào các thói quen, nghi ngờ và sợ hãi cũ. Ấn Độ có thể học hỏi và thậm chí tham gia với sự phục hưng Phật Giáo ở Trung Quốc bằng cách tuyên bố một cách tự hào rằng đất nước, di sản và các địa điểm linh thiêng là nơi sinh và nguồn gốc của sự giác ngộ, trí tuệ và giáo lý của Đức Phật.
Hãy đặt Phật Giáo đúng chỗ
Trong bài viết này, tôi đã cố gắng đề ra một số giải thích về lịch sử, chính trị, chiến lược, tôn giáo, triết học, đẳng cấp cho việc phung phí các di sản Phật Giáo phong phú và sâu sắc ở Ấn Độ và Nepal. Nhưng, vì bất cứ lý do gì cho đến nay, cũng không đáng phải như thế.
Một sự thay đổi quan điểm không khó để đạt được, không chỉ có thể thừa nhận, nhưng tự hào vì những di sản vĩ đại của một người đã đóng góp cho nhân loại mà không có ai bằng.
Trong thời đại vật chất này, lòng tham đã và đang phá hủy trái đất mà sự sinh tồn của chúng ta đều phụ thuộc, việc cần lắng nghe và chiêm nghiệm sự thật mà Đức Phật dạy về bản chất phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các thực tế đã trở nên bức bách hơn bao giờ hết. Ở cấp độ chính sách và hành vi, quán niệm như vậy thậm chí có thể giảm bớt sự tiêu thụ quá mức, ngăn chặn sự suy giảm nguồn tài nguyên, giữ gìn môi trường sống đang bị đe dọa và giữ gìn hành tinh này trong một điều kiện sinh sống tốt cho con em chúng ta.
Còn gì mãn nguyện và tự tôn hơn việc Ấn Độ và Nepal có thể có được trên thế giới hiện nay khi họ đang sở hữu đầy đủ cuộc đời và giáo huấn của một trong những người phi thường và sáng giá nhất từng đi bộ trên trái đất này. Với tương đối ít nỗ lực, các di sản cổ đại cực kỳ phong phú của Ấn Độ và Nepal có thể hợp nhất với nhu cầu mở rộng và quan tâm hiện nay trên thế giới để để lại một di sản tuyệt vời cho tất cả chúng sinh và cho cả trái đất này.
Bài viết này có vẻ khắc nghiệt vì một số phê bình của nó, nhưng không có thể nhẹ nhàng hơn nếu chúng ta muốn thấy sự thay đổi cơ bản trong thái độ và quan điểm hiện nay để trả lại cho Phật giáo vị thế xứng đáng, quý báu và quan trọng trong lịch sử, văn hóa và truyền thống của Ấn Độ và Nepal.
Theo: Dzongsar Jamyang Khyentse
The Huffington Post- 06.04.2015
MINH KIẾN dịch – 09.04.2015
The Huffington Post- 06.04.2015
MINH KIẾN dịch – 09.04.2015
nguồn thuviengdpt.info
0 comments