Phật giáo đã phát triển như thế nào qua không gian và thời gian ?
Những loại ngôn ngữ nào đã được dùng để chuyển tải giáo pháp ? Thông
thường người ta vẫn cho rằng Phật giáo thích ứng và hội nhập với các nền
văn hoá địa phương, nhưng trên thực tế thì có đúng như thế không ?
Những ngôn ngữ đầu tiên chuyển tải giáo pháp
Không hẳn chỉ có tiếng Phạn, tiếng Pàli là các ngôn ngữ căn bản chuyển tải giáo Pháp, mà thật ra từ nguyên thủy đã có nhiều ngôn ngữ khác cũng đã được sử dụng để ghi chép kinh sách. Theo học giả Satkari Mukhopudhavay, một nhà sử học và ngôn ngữ học Ấn độ, thì ít nhất đã có tám ngôn ngữ khác nhau đã được dùng để ghi chép tư tưởng Phật giáo và một phần các tài liệu này hiện còn đang được nghiên cứu ở Ấn.
Người ta thường cho rằng tiếng Pàli là ngôn ngữ cổ nhất ghi chép giáo Pháp của Đức Phật, nhưng điều này thực sự không đúng hẳn vì tiếng Pàli xuất phát từ tiếng Phạn, thuộc loại ngôn ngữ sirilanca, còn gọi là cingale, là một loại ngôn ngữ có tính cách địa phương, giới hạn trong các vùng Tích lan, Campuchia, Miến điện… Trong khi đó tiếng Phạn lại có nguồn gốc rất lâu đời, đã phát xuất từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, và cũng là ngôn ngữ được phát triển và phổ biến rộng rãi ở Ấn độ từ thế kỷ thứ I trước công nguyên cho đến suốt triều đại Gupta tức là từ thế kỷ thứ III đến thứ VI. Tiếng Phạn trong giai đoạn này tỏ ra là một ngôn ngữ diễn đạt được nhiều khái niệm trừu tượng và chính xác về triết học và cũng là ngôn ngữ chính góp phần tích cực vào việc phổ biến tư tưởng Phật giáo. Sự phát triển của tiếng Phạn đi đôi với nền văn hoá cực thịnh và tiêu biểu nhất của văn minh Ấn độ, tức là nền văn minh Gupta. Thời kỳ này đánh dấu sự phát triển tột đỉnh của Phật giáo trên đất Ấn. Tu viện đại học Na-lan-đà đã được xây dựng trong thời kỳ này.
Theo học giả người Pháp Philippe Cornu thì các kinh Nam tông được ghi chép từ cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên đến giữa thế kỷ thứ I sau công nguyên. Một cách chính xác hơn, các kinh sách thuộc học phái Nhất thiết Hữu bộ (Sarvastivada) đã được ghi chép bằng tiếng Pàli vào dịp kết tập giáo pháp lần thứ ba ở Cachemire vào cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên. Đồng thời kinh sách Nam tông thuộc học phái Nguyên thủy (Therevada) cũng được ghi chép trong cùng một thời kỳ kể trên nhưng ở Tích lan. Cũng theo Philippe Cornu thì kinh sách Bắc tông được ghi chép bằng tiếng Phạn trước đó cũng không lâu, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên kéo dài cho đến thế kỷ thứ VI đối với các kinh sách xuất hiện muộn. Tuy nhiên cũng có tài liệu ghi chép rằng vua A-dục sai người con trai là thái tử Mahinda đem kinh sách và đưa tăng đoàn đến Tích lan (Sri Lanka) để truyền bá giáo pháp vào năm 250 trước công nguyên, nhưng các kinh sách này hình như không còn lưu lại vết tích một cách cụ thể ở Bắc Ấn độ cũng như ở Tích lan. Theo học giả Alain Grosrey thì kinh sách bằng tiếng Pàli được ghi chép từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch và hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ I sau Tây lịch với toàn bộ văn bản Tam tạng kinh như hiện nay. Bộ Tâm Kinh (Prajnaparamitasutra) của Bắc tông thì xuất hiện trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ I trước Tây lịch và thế kỷ thứ I sauTây lịch. Cũng theo học giả này thì kinh sách bằng chữ viết vào các thời kỳ ấy có thể xem như là một phương tiện dùng để giúp trí nhớ mà thôi, vì người tu tập thời bấy giờ không đi tìm một sự tuyệt đối nào, không cần trình bày một luận thuyết hay bênh vực một giả thuyết nào cả. Trong bối cảnh của xã hội thời ấy, thì việc truyền khẩu và tụng niệm được xem như một lối sống thành tâm, thanh cao và đạo hạnh, vì thế có một sự cách biệt nào đó giữa các người tu tập và những gì đã được ghi chép bằng ngữ tự, những văn bản ghi chép sẵn tách rời họ với những gì mà họ có thể bàn luận, trao đổi và chia sẻ với nhau bằng những ngôn từ sinh động và linh thiêng.
Dù sao thì cũng có giả thuyết cho rằng kinh sách đã được ghi chép từ
lần kết tập thứ hai, tức khoảng hơn một trăm năm sau khi Đức Phật tịch
diệt. Thời gian và địa điểm lần kết tập thứ hai cũng được ghi chép khác
nhau tùy theo các tài liệu trong các kinh sách xưa. Rất có thể nhiều lần
kết tập khác nhau đã được tổ chức nhưng đều được xem chung là lần kết
tập thứ hai (?), nhưng dù sao thì sự kiện đáng chú ý hơn hết trong “ lần
“ kết tập này là sự xuất hiện của nhiều khuynh hướng diễn đạt khác nhau
về giáo pháp, đó là các học phái Sthavira, Sarvastivadin và Sammitiya,
và các học phái này lại tiếp tục được phân chia thành 18 học phái phụ.
Trong lần kết tập vừa kể có bốn thứ ngôn ngữ chính thức được sử dụng là :
prakrit, sanskrit, aprabhramsa và paisacika. Vì tính cách đa dạng về
ngôn ngữ được sử dụng và những phức tạp về cách diễn đạt giáo pháp qua
các học phái mới được hình thành, nên rất có thể lần kết tập này đã dùng
đến chữ viết để ghi chép, mà không thể đơn thuần là truyền khẩu. Dù sao
đây cũng chỉ là một giả thuyết rất đáng chú ý, vì phương pháp toàn vẹn,
hoàn hảo và phong phú nhất để lưu truyền Đạo Pháp vẫn là chữ viết. Cách
truyền khẩu mang màu sắc thiêng liêng đã có sẵn từ trước trong đạo
Bà-la-môn, nhắm vào việc học thuộc lòng những câu thần chú có tính cách
thần diệu hay mầu nhiệm, không phù hợp lắm với trường hợp của Phật giáo.
Đức Phật chỉ thuyết giảng, các đệ tử của Ngài theo đó mà tu tập và họ
chỉ khởi sự ghi chép sau này khi Ngài đã tịch diệt.
Tiếng Phạn nói chung là một ngôn ngữ rất xưa thuộc nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu xuất hiện từ thế kỷ XV trước Tây lịch. Tiếng Phạn gồm nhiều biến thể khác nhau, tuy nhiên vai trò nguyên thủy của loại ngôn ngữ này trên đất Ấn mang tính cách thiêng liêng dùng vào việc ghi chép kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn. Kinh điển Phật giáo cũng dùng lại một số từ của đạo Bà-la-môn, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, chẳng hạn như các chữ karma, samsara, atman… Chữ Phạn bắt đầu có quy luật và văn phạm chặt chẽ quy định từ thế kỷ thứ V trước Tây lịch, và sau đó kể từ thế kỷ thứ I trước Tây lịch thì đã trở thành ngôn ngữ phổ thông và chính thức cho toàn thể bán lục địa Ấn độ. Cũng chính từ thời điểm này mà kinh điển Phật giáo đã được ghi chép thật phong phú và lưu truyền cho đến nay. Một loại tiếng Phạn gọi là brahmi biến dạng đã trở thành ngôn ngữ khơ-me của người Campuchia, để rồi lại tiếp tục biến đổi để trở thành ngữ tự của Thái lan, Lào và In-đô-nê-sia.
Sau đây là các biến thể hay các dạng chính của tiếng Phạn : tiếng brahmi vào triều đại tiền Gupta, các tiếng kharosti, brahmi vào thời kỳ hậu Gupta, các loại tiếng Phạn siddhhamtrika, brehmi, newari, gaudi…thì phát triển trong vùng Trung Á. Tuy nhiên hầu hết các thứ tiếng trên đây đều xuất phát từ tiếng brahmi, và tiếng brahmi lại là thứ tiếng chính thức và phổ biến từ trước, suốt trong triều đại vua A-dục. Như đã thấy, các chỉ dụ của vua A-dục được khắc bằng loại tiếng Phạn brahmi trên các trụ đá, cùng với nhiều thứ tiếng khác nữa, trong đó có cả tiếng Hy lạp. Vì thế cũng rất có thể kinh sách Phật giáo đã từng được ghi chép từ lâu, trước cả thế kỷ thứ I trước công nguyên bằng ngôn ngữ brahmi, nhưng không để lại vết tích cụ thể nào.
Những đóng góp của Phật giáo vào các nền văn minh ngôn ngữ
Như đã được nêu lên trong phần nhập đề trên đây, Phật giáo không giữ một vai trò thụ động bằng cách du nhập vào các nền văn hoá địa phương như nhiều học giả đã chủ trương. Ngoài tinh thần tôn giáo và tư tưởng triết học, Phật giáo lại còn mang đến cho nhiều dân tộc trong thời cổ đại chữ viết, đạo đức, văn hoá…, giúp cho các dân tộc ấy cải tổ xã hội, xây dựng quốc gia để bước vào thời đại lịch sử và văn minh ngôn ngữ. Để nêu lên những thí dụ cụ thể, một vài trường hợp tiêu biểu sẽ được đưa ra trong phần này
Trường hợp của Trung quốc:
Phật giáo được truyền bá sang Trung quốc vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch và đã biến cải tư tưởng, ngôn ngữ và xã hội Trung quốc một cách sâu đậm, dù rằng Trung quốc đã có sẵn từ trước một nền văn minh rất cao và lâu đời. Cả hai nền văn minh Trung quốc và Ấn độ phát triển biệt lập với nhau trước khi con đường tơ lụa được mở ra để đưa Phật giáo vào Trung quốc. Chữ viết của Trung quốc thuộc loại văn tự tượng hình, nhìn vào ký hiệu để hiểu ý, văn tự gốc Phạn ngữ lại là loại ký hiệu ghi âm còn gọi là tượng âm, đấy là chưa kể đến những khác biệt về ngữ pháp, văn phạm, và cả những ảnh hưởng khác biệt nhau về tư tưởng và khái niệm triết học giữa hai nền văn hoá. Vì thế công việc dịch thuật kinh sách Phật giáo ở Trung quốc là một công việc khổng lồ, kéo dài suốt nhiều thế kỷ và đã huy động hàng trăm nhà dịch thuật. Trong số này chỉ xin nêu lên hai nhà sư tiêu biểu nhất đã đích thân sang tu học ở Ấn độ và tự mang kinh sách về Trung quốc, đó là ngài Pháp Hiền (320 ? – 420 ?) và ngài Huyền Trang (600 ? – 664).
Công việc dịch thuật kéo dài liên tiếp hơn năm thế kỷ đã trực tiếp góp phần giúp ngôn ngữ Trung hoa trở nên phong phú hơn bằng cách du nhập vào tiếng Hán các từ mới về tư tưởng triết học Phật giáo, đồng thời việc dịch thuật cũng làm thay đổi ý nghĩa của một số từ cũ gốc Hán, chẳng hạn như chữ “ Đạo “ trong Lão giáo mang ý nghĩa khác hẳn khi sử dụng để diễn đạt triết học Phật giáo. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học thì các chữ như “thế gian “, “ thời gian “… trong tiếng Hán ngày nay hàm chứa ý nghĩa và khái niệm hiện đại là các từ du nhập từ ngôn ngữ Tây phương, nhưng một học giả có tiếng của Pháp về Phật giáo là Jean-Noël Robert đã phủ nhận giả thuyết này, vì theo ông các từ trên đây đã được du nhập vào Hán ngữ từ hơn một ngàn năm trăm năm trước, qua các bản dịch thuật kinh sách Phật giáo từ tiếng Phạn. Ngoài ra cũng có rất nhiều từ đặc thù của Phật giáo không phiên dịch sang tiếng Hán được, và khó khăn này đã bắt buộc các nhà dịch thuật phải dùng đến phương pháp chuyển âm. Vì thế, một loại ký hiệu ghi âm còn gọi là tượng âm đã được sáng chế và ghép thêm vào văn tự tượng hình của chữ Hán, chẳng hạn chữ Nirvana âm sang chữ Hán là Niepan, “dịch âm” sang tiếng nôm là Niết bàn.
Ngoài những từ mới và các ký hiệu ghi âm được ghép thêm vào Hán ngữ, việc dịch thuật kinh sách cũng đã biến cải thật sâu xa tiếng Hán bằng những quy luật có sẵn trong tiếng Phạn liên quan đến văn Phạn, ngữ pháp, chẳng hạn như cách phân biệt các thời quá khứ, hiện tại và tương lai, cách phân biệt số nhiều hay số ít, thể chủ động và bị động… Mặc dù tiếng Hán cổ đại đã hết sức phong phú, nhưng vẫn chưa có các quy luật về ngữ pháp hẳn hoi như trên đây. Ngoài ra, các từ triết học siêu hình và tâm lý học Phật giáo cũng dần dần được thêm vào Hán ngữ.
Từ hàng ngàn năm, chữ viết chỉ nhất thiết dành riêng cho triều đình và tầng lớp quan lại trong việc ghi chép, hành chính, hoặc dành cho tầng lớp quý tộc, văn gia sử dụng với các cách diễn đạt mang tính cách văn chương và quy ước, hoàn toàn cách biệt với ngôn ngữ dân gian. Trong khi đó việc hoằng Pháp lại cần đến cách diễn đạt của quảng đại quần chúng, và chính vì thế mà Hán ngữ và chữ viết được phổ biến sâu rộng hơn trong xã hội sau khi Phật giáo được phát triển và nhất là nhờ vào tầng lớp tăng lữ.
Phật giáo và tiếng Phạn dần dần đi sâu vào nền văn hoá sẵn có của Trung quốc, và phải mất hơn năm thế kỷ hòa nhập và phát triển để đưa Trung quốc bước vào một thời kỳ cực thịnh về văn hoá và xã hội thuộc triều đại nhà Đường, tức là từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX. Tam tạng kinh bằng tiếng Pa-li cũng được dịch sang tiếng Hán trong thời kỳ này. Triều đại nhà Đường đánh dấu điểm tột đỉnh của nền văn minh Trung quốc.
Tóm lại Phật giáo khi được đưa vào Trung quốc đã gặp thật nhiều khó khăn và trở ngại. Ngoài việc dịch thuật và số lượng khổng lồ về kinh sách, phải kể đến những trở ngại khác còn to lớn hơn, đấy là tư tưởng và truyền thống lâu đời của Khổng giáo và Lão giáo đã ăn sâu từ trước vào nền văn minh Trung quốc. Người ta có thể nói rằng sự phát triển của Phật giáo Trung hoa là sự hội nhập giữa hai nền tư tưởng và hiểu biết khác nhau : một bên mang đặc tính siêu hình và duy lý của Phật giáo và Phạn ngữ, một bên mang đặc tính thực tế và thực dụng của nền tư tưởng Trung quốc và các ký hiệu tượng hình của Hán ngữ. Thiền học (Chan, Zen) do Bồ-đề Đạt-ma đưa vào Trung quốc trong thế kỷ thứ VI tượng trưng cho sự kết hợp hết sức hài hoà giữa hai nền văn minh Trung – Ấn.
Trường hợp của Nhật bản :
Trước thế kỷ thứ VI, nước Nhật chưa có lịch sử và chữ viết. Ngôn ngữ Nhật bản rất khác với tiếng Triều tiên, vì thế người ta cho rằng nguồn gốc dân Nhật có lẽ là các bộ tộc du mục sống trên lưng ngựa của vùng Trung Á, giả thuyết này gần đây đã được công nhận khi các nhà sinh học khảo cứu về các ký hiệu di truyền ADN trong tế bào của người Nhật. Nước Nhật bắt đầu hình thành từ các làng mạc ven biển sống bằng nghề chài lưới. Canh nông bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ thứ III sau công nguyên, thời kỳ này gọi là thời kỳ Yoyoi. Trong thời kỳ canh nông và chài lưới trên đây, họ biết làm đồ gốm và dần dần sau đó học được từ lục địa cách chế tạo khí giới và dụng cụ bằng đồng. Vào thế kỷ thứ I sau công nguyên, họ bắt đầu biết chế tạo dụng cụ canh nông bằng sắt. Đấy là những gì mà ngành khảo cổ đã khai quật được về thời kỳ tiền sử của nước Nhật.
Dần dần canh nông phát triển thêm, xã hội Nhật bắt đầu tổ chức thành những bộ tộc đông đảo hơn, và sau đó biến thành các phe phái rất hiếu chiến. Tín ngưỡng lúc bấy giờ là Thần đạo, người Nhật tin vào mọi thứ thần linh : từ sông ngòi, núi non, cây cối, từ các vì sao cho đến một hòn đá đều hàm chứa tính chất thiêng liêng và thần thánh. Trong thời kỳ tiền sử này, người Nhật đã từng đổ bộ lên lục địa, đánh chiếm và thành lập một lãnh thổ nhỏ trên đất Triều Tiên. Nhưng mãi đến thế kỷ thứ VI, họ mới thành lập được một quốc gia quy củ, vị hoàng đế đầu tiên của nước Nhật lên ngôi và lập ra hoàng triều Yamoto. Trong triều đại này vào năm 552, một vị vua Triều Tiên là Paikche gởi cho hoàng đế nước Nhật một bức thư ca ngợi Đạo Pháp của Đức Phật, kèm theo một pho tượng Phật bằng đồng thếp vàng và một ít kinh sách. Đây là bước đầu của việc hoằng Pháp trên quần đảo Nhật bản qua con đường “ngoại giao.
Phật giáo được phổ biến nhanh chóng sau đó trong hoàng tộc và bắt đầu lan tràn trong dân gian, chữ viết trở nên hết sức cần thiết cho việc truyền bá giáo pháp. Nhưng người Nhật lại chưa có chữ viết để dịch thuật và ghi chép, kể cả việc ghi chép lịch sử của họ, vì thế họ đã chọn chữ Hán sẵn có trong kinh sách làm ngữ tự cho nước Nhật. Hán học được phổ biến song song với Đạo Pháp. Đó cũng là một lợi điểm lớn lao vì người Nhật tránh được việc dịch thuật kinh sách mà người Hán phải bỏ ra nhiều thế kỷ để thích ứng với Phạn ngữ. Nhưng đồng thời người Nhật cũng dần dần biến Hán ngữ thành một loại “tiếng nôm” cho họ. Người ta tìm thấy hai mươi mốt bài thơ khắc vào năm 753 trên những mẫu in vết chân của Đức Phật. Đó là những tác phẩm văn chưong xưa nhất được sáng tác bằng ngôn ngữ Nhật, và sau đó bắt đầu từ thế kỷ thứ IX thì người Nhật đã thiết lập được một hệ thống gồm các quy tắc hẳn hoi dùng để chuyển thẳng tiếng Hán ra “tiếng Nhật”.
Trường hợp của Tây tạng
Phật giáo được truyền bá vào Tây tạng khoảng thế kỷ thứ VII dưới triều đại của nhà vua Srong-bcan Gampo (569-650), nhờ các đường đèo được khai thông xuyên qua vùng Cachemire dẫn xuống phía Nam con đường tơ lụa. Tín ngưỡng từ trước của Tây tạng là đạo Bön, một truyền thống mang tính cách ma thuật và đồng bóng, tin rằng thế giới này tràn ngập những vị thần linh tốt và cả những vị thần linh hung dữ. Mãi cho đến thế kỷ thứ VII tức trước khi Phật giáo phát triển, Tây tạng vẫn chưa có chữ viết. Việc dịch thuật trở nên cấp bách khi người dân Tây tạng tiếp xúc với Phật giáo, một nhân vật gần như huyền thoại tên là Thumi Sambhota dẫn một toán người vượt đèo sang Ấn độ, khi mà đường núi lúc bấy giờ còn vô cùng hiểm trở và đầy rẫy giặc cướp. Ngoài việc tu học giáo pháp, nhóm người này còn cố gắng sáng tạo ra một loại chữ viết dựa vào loại ngữ tự brahmi của tiếng Phạn. Phát minh ra ngữ tự Tây tạng là bước đầu trong việc dịch thuật giúp cho Phật giáo bành trướng nhanh chóng ở Tây tạng.
Bước sang thế kỷ thứ VIII, song song với sự phát triển sâu rộng của Phật giáo, Tây tạng dưới triều đại của vua Khri-srong-Ide-btsan (758-813) đã trở thành một đế quốc mở mang và vô cùng phồn thịnh. Chùa chiền, tu viện được xây dựng khắp nơi, trong số này có ngôi chùa Jokang, một trong những nơi được xem là linh thiêng nhất. Các vị đại sư Ấn độ cũng đã đem kinh sách sang Tây tạng truyền bá và giảng Pháp, trong số các vị này có hai ngài Tịch Hộ (Santaraksita) và Liên hoa Sinh (Padma-Sambhava) được xem là hai vị tổ của Phật giáo Tây tạng. Đồng thời Phật giáo Trung hoa cũng du nhập vào Tây tạng từ phương Bắc, nhưng sau đó vào năm 792 đã xảy ra một cuộc tranh biện rộng lớn giữa hai phe Phật giáo Ấn độ và Phật giáo Trung hoa. Cuối cùng các luận sư đại diện Phật giáo Ấn độ thắng thế và những người Phật giáo Trung quốc được mời ra khỏi Tây tạng.
Năm 836, nhà vua Tây tạng Ralpachang bị ám sát, người em là Langdarma lên ngôi và ngược đãi Phật giáo, nên chỉ trong vòng vài năm là Phật giáo gần như biến mất. Sau đó đế quốc Tây tạng sụp đổ, phân chia thành nhiều vương quốc, và chỉ có một vùng lãnh thổ duy nhất nằm sát biên giới phía Tây là còn giữ được tín ngưỡng Phật giáo. Trong vùng lãnh thổ này có nhiều vị đại sư thật nổi tiếng, chẳng hạn như nhà dịch thuật lừng danh người Tây tạng là Lâm-thân Tăng-pha (Rinchen Zangpo) (958-1055), và một đại sư Ấn độ là A-đề-sa (Atisa) từ Ấn độ lên giảng Pháp. Nhưng cũng trong thời kỳ này ở Ấn độ, Phật giáo lại bắt đầu suy tàn vì các đạo quân Hung nô và Hồi giáo thay nhau xâm lược, đốt phá chùa chiền và giết hại tăng lữ, các nhà sư sống sót thường tản mác và đi ngược lên Tây tạng để phục hưng Phật giáo trên phần đất này.
Vào cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII, lại một lần nữa các đạo quân Hồi giáo xuất phát từ Apganixtan tiến sang xâm lăng miền Bắc Ấn, đốt chùa và giết hại tăng sĩ, đại học Na-lan-đà bị san bằng, thư viện chứa hàng triệu kinh sách cũng bị đốt sạch, tại Na-lan-đà hàng ngàn tăng sĩ bị giết. Biến cố này đánh dấu sự chấm dứt cuối cùng của Phật giáo trên đất Ấn. Thêm một lần nữa tăng sĩ sống sót gom góp kinh sách vượt Hy-mã-lạp-sơn lên Tây tạng, một số khác tản mác sang Indonesia.
Có thể nói văn hoá Tây tạng là một nền văn hoá hoàn toàn Phật giáo, nhưng chính nền văn hoá đó lại tượng trưng cho sức mạnh của cả một dân tộc. Tuy nhỏ bé trên phương diện dân số, vì chỉ gồm có vài triệu người, và vô nghĩa trên phương diện kinh tế và quân sự, nhưng dân tộc Tây tạng vẫn chưa bị đồng hoá và tiêu diệt. Ngày nay các học giả Tây phương nghiên cứu Phật giáo, thì ngoài tiếng Phạn và tiếng Hán ra, phần đông đều phải học tiếng Tây tạng, ngôn ngữ của một dân tộc nhỏ bé nhưng đã bảo vệ toàn vẹn được Đạo Pháp, chuyển tải được Đạo Pháp một cách thật sâu sắc để ngày nay quảng bá trên toàn thế giới.
Trường hợp của Việt Nam :
Theo các học giả Tây phương thì Phật giáo được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II, tức trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 (43-544), dưới triều đại nhà Hán, tuy rằng cũng có giả thuyết cho rằng Phật giáo đã được các vị sư người Ấn truyền bá sang Việt Nam bằng đường biển từ trước cả thế kỷ thứ II. Vị thái thú đầu tiên trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba là Mã Viện, việc cai trị hoàn toàn trong tay quan lại người Trung quốc, vì thế có thể Hán học chưa được phổ biến rộng rãi. Nhưng về sau dưới sự cai trị của quan thái thú Sĩ Nhiếp từ năm 187 đến năm 226, thì Hán học được mở mang.
Người Giao chỉ học Hán ngữ, nhiều người đỗ cao và làm quan chức cho nhà Hán, chẳng hạn như Lý Tiến làm đến chức Thứ sử đời Hán Linh đế vào cuối thế kỷ thứ II, Lý Cầm giữ chức Tiêu-lệ hiệu-úy trong hoàng triều nhà Hán. Phật giáo du nhập vào Việt Nam cùng lúc với phong trào Hán học được bành trướng như trên đây. Kinh sách lúc bấy giờ nhất định là bằng Hán ngữ, tuy nhiên cũng phải hiểu rằng Phật giáo được truyền vào Trung quốc trước đó cũng không lâu, vì thế kinh sách Phật giáo cũng không nhiều, chưa kể là các nhà sư ở Trung quốc vào thời ấy phần lớn còn là người Ấn độ và người Tây Á sang giảng Pháp.
Phật giáo và Hán ngữ du nhập vào Nhật bản vào giữa thế kỷ thứ VI, và đến thế kỷ thứ IX thì người Nhật phát minh được “chữ nôm “ của họ, biến dạng từ chữ Hán. Trong trường hợp của Việt Nam, phải chờ đến thời nhà Trần (1225-1413) thì chữ nôm mới được bành trướng rộng rãi – chữ “ nôm “ là cách đọc biến dạng của chữ “ nam “. Kể từ thế kỷ XIII, tiếng nôm rất phổ biến, được sử dụng trong văn chương, thi phú, các bài hát và khúc ngâm…Song song với xu hướng ưa chuộng văn nôm dưới thời nhà Trần thì Phật giáo và văn hoá Việt Nam cũng bước vào thời kỳ phát triển cao độ và phong phú nhất.
Theo học giả Phật giáo Jean-Noël Robert thì việc hoằng Pháp trong dân gian không thể dùng Hán ngữ, vì thế chính hàng tăng lữ Việt Nam đã dùng tiếng nôm để dịch kinh sách, thuyết giảng và tụng niệm. Do đó việc phát triển tiếng nôm không nhất thiết là do tầng lớp nho sĩ mà chính là do tầng lớp tăng lữ trong xã hội đứng ra đảm trách từ lâu, trước cả thời nhà Trần. Giả thuyết trên đây có vẻ đúng vì vết tích xưa nhất là một tấm bia khắc chữ nôm dưới triều đại vua Lý Cao Tông vào năm 1209, tấm bia này đã được tìm thấy ở chùa Bảo An thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Suốt hơn một ngàn năm, tiếng Hán là ngữ tự của tầng lớp nho sĩ, quan lại ở triều đình, văn chương tiếng nôm chỉ là loại văn chương truyền khẩu trong dân gian, và có thể trong nền văn chương truyền khẩu ấy có cả việc hoằng Pháp, vì Thiền học đã phát triển sâu rộng trong xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ VI, và vị thiền sư Vô Ngôn Thông còn sáng lập thêm một học phái mới vào thế kỷ thứ IX. Vào năm 946, nhà vua Đinh Bộ Lĩnh phong cho nhà sư Ngô Chân Lưu chức « tăng thống » để điều hành Phật sự trong nước. Nhất định là vào thời ấy hàng tăng lữ không thể dùng tiếng Hán để giảng Pháp cho Phật tử đến chùa. Tiếng nôm dùng vào việc hoằng Pháp có thể đã được phát triển trong các thời kỳ này.
Sau này chữ nôm và tư tưởng Phật giáo mới bắt đầu để lại dấu tích trong văn chương chữ viết của Nguyễn Trải (1380-1442) và Nguyễn Du (1765-1820), của các vua chúa từ các thời nhà Trần cho đến nhà Nguyễn, trước khi có chữ quốc ngữ trong thời cận đại. Tư tưởng Phật giáo không những bàng bạc trong tâm hồn của văn nhân và nho sĩ bằng chữ viết mà còn tiếp tục đi sâu vào đời sống dân gian bằng cách truyền khẩu. ■
Phật giáo đã phát triển như thế nào qua không gian và thời gian ?
Những loại ngôn ngữ nào đã được dùng để chuyển tải giáo pháp ? Thông
thường người ta vẫn cho rằng Phật giáo thích ứng và hội nhập với các nền
văn hoá địa phương, nhưng trên thực tế thì có đúng như thế không ?
Không hẳn chỉ có tiếng Phạn, tiếng Pàli là các ngôn ngữ căn bản chuyển tải giáo Pháp, mà thật ra từ nguyên thủy đã có nhiều ngôn ngữ khác cũng đã được sử dụng để ghi chép kinh sách. Theo học giả Satkari Mukhopudhavay, một nhà sử học và ngôn ngữ học Ấn độ, thì ít nhất đã có tám ngôn ngữ khác nhau đã được dùng để ghi chép tư tưởng Phật giáo và một phần các tài liệu này hiện còn đang được nghiên cứu ở Ấn.
Người ta thường cho rằng tiếng Pàli là ngôn ngữ cổ nhất ghi chép giáo Pháp của Đức Phật, nhưng điều này thực sự không đúng hẳn vì tiếng Pàli xuất phát từ tiếng Phạn, thuộc loại ngôn ngữ sirilanca, còn gọi là cingale, là một loại ngôn ngữ có tính cách địa phương, giới hạn trong các vùng Tích lan, Campuchia, Miến điện… Trong khi đó tiếng Phạn lại có nguồn gốc rất lâu đời, đã phát xuất từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, và cũng là ngôn ngữ được phát triển và phổ biến rộng rãi ở Ấn độ từ thế kỷ thứ I trước công nguyên cho đến suốt triều đại Gupta tức là từ thế kỷ thứ III đến thứ VI. Tiếng Phạn trong giai đoạn này tỏ ra là một ngôn ngữ diễn đạt được nhiều khái niệm trừu tượng và chính xác về triết học và cũng là ngôn ngữ chính góp phần tích cực vào việc phổ biến tư tưởng Phật giáo. Sự phát triển của tiếng Phạn đi đôi với nền văn hoá cực thịnh và tiêu biểu nhất của văn minh Ấn độ, tức là nền văn minh Gupta. Thời kỳ này đánh dấu sự phát triển tột đỉnh của Phật giáo trên đất Ấn. Tu viện đại học Na-lan-đà đã được xây dựng trong thời kỳ này.
Theo học giả người Pháp Philippe Cornu thì các kinh Nam tông được ghi chép từ cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên đến giữa thế kỷ thứ I sau công nguyên. Một cách chính xác hơn, các kinh sách thuộc học phái Nhất thiết Hữu bộ (Sarvastivada) đã được ghi chép bằng tiếng Pàli vào dịp kết tập giáo pháp lần thứ ba ở Cachemire vào cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên. Đồng thời kinh sách Nam tông thuộc học phái Nguyên thủy (Therevada) cũng được ghi chép trong cùng một thời kỳ kể trên nhưng ở Tích lan. Cũng theo Philippe Cornu thì kinh sách Bắc tông được ghi chép bằng tiếng Phạn trước đó cũng không lâu, bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ I trước công nguyên kéo dài cho đến thế kỷ thứ VI đối với các kinh sách xuất hiện muộn. Tuy nhiên cũng có tài liệu ghi chép rằng vua A-dục sai người con trai là thái tử Mahinda đem kinh sách và đưa tăng đoàn đến Tích lan (Sri Lanka) để truyền bá giáo pháp vào năm 250 trước công nguyên, nhưng các kinh sách này hình như không còn lưu lại vết tích một cách cụ thể ở Bắc Ấn độ cũng như ở Tích lan. Theo học giả Alain Grosrey thì kinh sách bằng tiếng Pàli được ghi chép từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch và hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ I sau Tây lịch với toàn bộ văn bản Tam tạng kinh như hiện nay. Bộ Tâm Kinh (Prajnaparamitasutra) của Bắc tông thì xuất hiện trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ I trước Tây lịch và thế kỷ thứ I sauTây lịch. Cũng theo học giả này thì kinh sách bằng chữ viết vào các thời kỳ ấy có thể xem như là một phương tiện dùng để giúp trí nhớ mà thôi, vì người tu tập thời bấy giờ không đi tìm một sự tuyệt đối nào, không cần trình bày một luận thuyết hay bênh vực một giả thuyết nào cả. Trong bối cảnh của xã hội thời ấy, thì việc truyền khẩu và tụng niệm được xem như một lối sống thành tâm, thanh cao và đạo hạnh, vì thế có một sự cách biệt nào đó giữa các người tu tập và những gì đã được ghi chép bằng ngữ tự, những văn bản ghi chép sẵn tách rời họ với những gì mà họ có thể bàn luận, trao đổi và chia sẻ với nhau bằng những ngôn từ sinh động và linh thiêng.
Tiếng Phạn nói chung là một ngôn ngữ rất xưa thuộc nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu xuất hiện từ thế kỷ XV trước Tây lịch. Tiếng Phạn gồm nhiều biến thể khác nhau, tuy nhiên vai trò nguyên thủy của loại ngôn ngữ này trên đất Ấn mang tính cách thiêng liêng dùng vào việc ghi chép kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn. Kinh điển Phật giáo cũng dùng lại một số từ của đạo Bà-la-môn, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, chẳng hạn như các chữ karma, samsara, atman… Chữ Phạn bắt đầu có quy luật và văn phạm chặt chẽ quy định từ thế kỷ thứ V trước Tây lịch, và sau đó kể từ thế kỷ thứ I trước Tây lịch thì đã trở thành ngôn ngữ phổ thông và chính thức cho toàn thể bán lục địa Ấn độ. Cũng chính từ thời điểm này mà kinh điển Phật giáo đã được ghi chép thật phong phú và lưu truyền cho đến nay. Một loại tiếng Phạn gọi là brahmi biến dạng đã trở thành ngôn ngữ khơ-me của người Campuchia, để rồi lại tiếp tục biến đổi để trở thành ngữ tự của Thái lan, Lào và In-đô-nê-sia.
Sau đây là các biến thể hay các dạng chính của tiếng Phạn : tiếng brahmi vào triều đại tiền Gupta, các tiếng kharosti, brahmi vào thời kỳ hậu Gupta, các loại tiếng Phạn siddhhamtrika, brehmi, newari, gaudi…thì phát triển trong vùng Trung Á. Tuy nhiên hầu hết các thứ tiếng trên đây đều xuất phát từ tiếng brahmi, và tiếng brahmi lại là thứ tiếng chính thức và phổ biến từ trước, suốt trong triều đại vua A-dục. Như đã thấy, các chỉ dụ của vua A-dục được khắc bằng loại tiếng Phạn brahmi trên các trụ đá, cùng với nhiều thứ tiếng khác nữa, trong đó có cả tiếng Hy lạp. Vì thế cũng rất có thể kinh sách Phật giáo đã từng được ghi chép từ lâu, trước cả thế kỷ thứ I trước công nguyên bằng ngôn ngữ brahmi, nhưng không để lại vết tích cụ thể nào.
Những đóng góp của Phật giáo vào các nền văn minh ngôn ngữ
Như đã được nêu lên trong phần nhập đề trên đây, Phật giáo không giữ một vai trò thụ động bằng cách du nhập vào các nền văn hoá địa phương như nhiều học giả đã chủ trương. Ngoài tinh thần tôn giáo và tư tưởng triết học, Phật giáo lại còn mang đến cho nhiều dân tộc trong thời cổ đại chữ viết, đạo đức, văn hoá…, giúp cho các dân tộc ấy cải tổ xã hội, xây dựng quốc gia để bước vào thời đại lịch sử và văn minh ngôn ngữ. Để nêu lên những thí dụ cụ thể, một vài trường hợp tiêu biểu sẽ được đưa ra trong phần này
Trường hợp của Trung quốc:
Phật giáo được truyền bá sang Trung quốc vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch và đã biến cải tư tưởng, ngôn ngữ và xã hội Trung quốc một cách sâu đậm, dù rằng Trung quốc đã có sẵn từ trước một nền văn minh rất cao và lâu đời. Cả hai nền văn minh Trung quốc và Ấn độ phát triển biệt lập với nhau trước khi con đường tơ lụa được mở ra để đưa Phật giáo vào Trung quốc. Chữ viết của Trung quốc thuộc loại văn tự tượng hình, nhìn vào ký hiệu để hiểu ý, văn tự gốc Phạn ngữ lại là loại ký hiệu ghi âm còn gọi là tượng âm, đấy là chưa kể đến những khác biệt về ngữ pháp, văn phạm, và cả những ảnh hưởng khác biệt nhau về tư tưởng và khái niệm triết học giữa hai nền văn hoá. Vì thế công việc dịch thuật kinh sách Phật giáo ở Trung quốc là một công việc khổng lồ, kéo dài suốt nhiều thế kỷ và đã huy động hàng trăm nhà dịch thuật. Trong số này chỉ xin nêu lên hai nhà sư tiêu biểu nhất đã đích thân sang tu học ở Ấn độ và tự mang kinh sách về Trung quốc, đó là ngài Pháp Hiền (320 ? – 420 ?) và ngài Huyền Trang (600 ? – 664).
Công việc dịch thuật kéo dài liên tiếp hơn năm thế kỷ đã trực tiếp góp phần giúp ngôn ngữ Trung hoa trở nên phong phú hơn bằng cách du nhập vào tiếng Hán các từ mới về tư tưởng triết học Phật giáo, đồng thời việc dịch thuật cũng làm thay đổi ý nghĩa của một số từ cũ gốc Hán, chẳng hạn như chữ “ Đạo “ trong Lão giáo mang ý nghĩa khác hẳn khi sử dụng để diễn đạt triết học Phật giáo. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học thì các chữ như “thế gian “, “ thời gian “… trong tiếng Hán ngày nay hàm chứa ý nghĩa và khái niệm hiện đại là các từ du nhập từ ngôn ngữ Tây phương, nhưng một học giả có tiếng của Pháp về Phật giáo là Jean-Noël Robert đã phủ nhận giả thuyết này, vì theo ông các từ trên đây đã được du nhập vào Hán ngữ từ hơn một ngàn năm trăm năm trước, qua các bản dịch thuật kinh sách Phật giáo từ tiếng Phạn. Ngoài ra cũng có rất nhiều từ đặc thù của Phật giáo không phiên dịch sang tiếng Hán được, và khó khăn này đã bắt buộc các nhà dịch thuật phải dùng đến phương pháp chuyển âm. Vì thế, một loại ký hiệu ghi âm còn gọi là tượng âm đã được sáng chế và ghép thêm vào văn tự tượng hình của chữ Hán, chẳng hạn chữ Nirvana âm sang chữ Hán là Niepan, “dịch âm” sang tiếng nôm là Niết bàn.
Ngoài những từ mới và các ký hiệu ghi âm được ghép thêm vào Hán ngữ, việc dịch thuật kinh sách cũng đã biến cải thật sâu xa tiếng Hán bằng những quy luật có sẵn trong tiếng Phạn liên quan đến văn Phạn, ngữ pháp, chẳng hạn như cách phân biệt các thời quá khứ, hiện tại và tương lai, cách phân biệt số nhiều hay số ít, thể chủ động và bị động… Mặc dù tiếng Hán cổ đại đã hết sức phong phú, nhưng vẫn chưa có các quy luật về ngữ pháp hẳn hoi như trên đây. Ngoài ra, các từ triết học siêu hình và tâm lý học Phật giáo cũng dần dần được thêm vào Hán ngữ.
Từ hàng ngàn năm, chữ viết chỉ nhất thiết dành riêng cho triều đình và tầng lớp quan lại trong việc ghi chép, hành chính, hoặc dành cho tầng lớp quý tộc, văn gia sử dụng với các cách diễn đạt mang tính cách văn chương và quy ước, hoàn toàn cách biệt với ngôn ngữ dân gian. Trong khi đó việc hoằng Pháp lại cần đến cách diễn đạt của quảng đại quần chúng, và chính vì thế mà Hán ngữ và chữ viết được phổ biến sâu rộng hơn trong xã hội sau khi Phật giáo được phát triển và nhất là nhờ vào tầng lớp tăng lữ.
Phật giáo và tiếng Phạn dần dần đi sâu vào nền văn hoá sẵn có của Trung quốc, và phải mất hơn năm thế kỷ hòa nhập và phát triển để đưa Trung quốc bước vào một thời kỳ cực thịnh về văn hoá và xã hội thuộc triều đại nhà Đường, tức là từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX. Tam tạng kinh bằng tiếng Pa-li cũng được dịch sang tiếng Hán trong thời kỳ này. Triều đại nhà Đường đánh dấu điểm tột đỉnh của nền văn minh Trung quốc.
Tóm lại Phật giáo khi được đưa vào Trung quốc đã gặp thật nhiều khó khăn và trở ngại. Ngoài việc dịch thuật và số lượng khổng lồ về kinh sách, phải kể đến những trở ngại khác còn to lớn hơn, đấy là tư tưởng và truyền thống lâu đời của Khổng giáo và Lão giáo đã ăn sâu từ trước vào nền văn minh Trung quốc. Người ta có thể nói rằng sự phát triển của Phật giáo Trung hoa là sự hội nhập giữa hai nền tư tưởng và hiểu biết khác nhau : một bên mang đặc tính siêu hình và duy lý của Phật giáo và Phạn ngữ, một bên mang đặc tính thực tế và thực dụng của nền tư tưởng Trung quốc và các ký hiệu tượng hình của Hán ngữ. Thiền học (Chan, Zen) do Bồ-đề Đạt-ma đưa vào Trung quốc trong thế kỷ thứ VI tượng trưng cho sự kết hợp hết sức hài hoà giữa hai nền văn minh Trung – Ấn.
Trường hợp của Nhật bản :
Trước thế kỷ thứ VI, nước Nhật chưa có lịch sử và chữ viết. Ngôn ngữ Nhật bản rất khác với tiếng Triều tiên, vì thế người ta cho rằng nguồn gốc dân Nhật có lẽ là các bộ tộc du mục sống trên lưng ngựa của vùng Trung Á, giả thuyết này gần đây đã được công nhận khi các nhà sinh học khảo cứu về các ký hiệu di truyền ADN trong tế bào của người Nhật. Nước Nhật bắt đầu hình thành từ các làng mạc ven biển sống bằng nghề chài lưới. Canh nông bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ thứ III sau công nguyên, thời kỳ này gọi là thời kỳ Yoyoi. Trong thời kỳ canh nông và chài lưới trên đây, họ biết làm đồ gốm và dần dần sau đó học được từ lục địa cách chế tạo khí giới và dụng cụ bằng đồng. Vào thế kỷ thứ I sau công nguyên, họ bắt đầu biết chế tạo dụng cụ canh nông bằng sắt. Đấy là những gì mà ngành khảo cổ đã khai quật được về thời kỳ tiền sử của nước Nhật.
Dần dần canh nông phát triển thêm, xã hội Nhật bắt đầu tổ chức thành những bộ tộc đông đảo hơn, và sau đó biến thành các phe phái rất hiếu chiến. Tín ngưỡng lúc bấy giờ là Thần đạo, người Nhật tin vào mọi thứ thần linh : từ sông ngòi, núi non, cây cối, từ các vì sao cho đến một hòn đá đều hàm chứa tính chất thiêng liêng và thần thánh. Trong thời kỳ tiền sử này, người Nhật đã từng đổ bộ lên lục địa, đánh chiếm và thành lập một lãnh thổ nhỏ trên đất Triều Tiên. Nhưng mãi đến thế kỷ thứ VI, họ mới thành lập được một quốc gia quy củ, vị hoàng đế đầu tiên của nước Nhật lên ngôi và lập ra hoàng triều Yamoto. Trong triều đại này vào năm 552, một vị vua Triều Tiên là Paikche gởi cho hoàng đế nước Nhật một bức thư ca ngợi Đạo Pháp của Đức Phật, kèm theo một pho tượng Phật bằng đồng thếp vàng và một ít kinh sách. Đây là bước đầu của việc hoằng Pháp trên quần đảo Nhật bản qua con đường “ngoại giao.
Phật giáo được phổ biến nhanh chóng sau đó trong hoàng tộc và bắt đầu lan tràn trong dân gian, chữ viết trở nên hết sức cần thiết cho việc truyền bá giáo pháp. Nhưng người Nhật lại chưa có chữ viết để dịch thuật và ghi chép, kể cả việc ghi chép lịch sử của họ, vì thế họ đã chọn chữ Hán sẵn có trong kinh sách làm ngữ tự cho nước Nhật. Hán học được phổ biến song song với Đạo Pháp. Đó cũng là một lợi điểm lớn lao vì người Nhật tránh được việc dịch thuật kinh sách mà người Hán phải bỏ ra nhiều thế kỷ để thích ứng với Phạn ngữ. Nhưng đồng thời người Nhật cũng dần dần biến Hán ngữ thành một loại “tiếng nôm” cho họ. Người ta tìm thấy hai mươi mốt bài thơ khắc vào năm 753 trên những mẫu in vết chân của Đức Phật. Đó là những tác phẩm văn chưong xưa nhất được sáng tác bằng ngôn ngữ Nhật, và sau đó bắt đầu từ thế kỷ thứ IX thì người Nhật đã thiết lập được một hệ thống gồm các quy tắc hẳn hoi dùng để chuyển thẳng tiếng Hán ra “tiếng Nhật”.
Phật giáo được truyền bá vào Tây tạng khoảng thế kỷ thứ VII dưới triều đại của nhà vua Srong-bcan Gampo (569-650), nhờ các đường đèo được khai thông xuyên qua vùng Cachemire dẫn xuống phía Nam con đường tơ lụa. Tín ngưỡng từ trước của Tây tạng là đạo Bön, một truyền thống mang tính cách ma thuật và đồng bóng, tin rằng thế giới này tràn ngập những vị thần linh tốt và cả những vị thần linh hung dữ. Mãi cho đến thế kỷ thứ VII tức trước khi Phật giáo phát triển, Tây tạng vẫn chưa có chữ viết. Việc dịch thuật trở nên cấp bách khi người dân Tây tạng tiếp xúc với Phật giáo, một nhân vật gần như huyền thoại tên là Thumi Sambhota dẫn một toán người vượt đèo sang Ấn độ, khi mà đường núi lúc bấy giờ còn vô cùng hiểm trở và đầy rẫy giặc cướp. Ngoài việc tu học giáo pháp, nhóm người này còn cố gắng sáng tạo ra một loại chữ viết dựa vào loại ngữ tự brahmi của tiếng Phạn. Phát minh ra ngữ tự Tây tạng là bước đầu trong việc dịch thuật giúp cho Phật giáo bành trướng nhanh chóng ở Tây tạng.
Bước sang thế kỷ thứ VIII, song song với sự phát triển sâu rộng của Phật giáo, Tây tạng dưới triều đại của vua Khri-srong-Ide-btsan (758-813) đã trở thành một đế quốc mở mang và vô cùng phồn thịnh. Chùa chiền, tu viện được xây dựng khắp nơi, trong số này có ngôi chùa Jokang, một trong những nơi được xem là linh thiêng nhất. Các vị đại sư Ấn độ cũng đã đem kinh sách sang Tây tạng truyền bá và giảng Pháp, trong số các vị này có hai ngài Tịch Hộ (Santaraksita) và Liên hoa Sinh (Padma-Sambhava) được xem là hai vị tổ của Phật giáo Tây tạng. Đồng thời Phật giáo Trung hoa cũng du nhập vào Tây tạng từ phương Bắc, nhưng sau đó vào năm 792 đã xảy ra một cuộc tranh biện rộng lớn giữa hai phe Phật giáo Ấn độ và Phật giáo Trung hoa. Cuối cùng các luận sư đại diện Phật giáo Ấn độ thắng thế và những người Phật giáo Trung quốc được mời ra khỏi Tây tạng.
Năm 836, nhà vua Tây tạng Ralpachang bị ám sát, người em là Langdarma lên ngôi và ngược đãi Phật giáo, nên chỉ trong vòng vài năm là Phật giáo gần như biến mất. Sau đó đế quốc Tây tạng sụp đổ, phân chia thành nhiều vương quốc, và chỉ có một vùng lãnh thổ duy nhất nằm sát biên giới phía Tây là còn giữ được tín ngưỡng Phật giáo. Trong vùng lãnh thổ này có nhiều vị đại sư thật nổi tiếng, chẳng hạn như nhà dịch thuật lừng danh người Tây tạng là Lâm-thân Tăng-pha (Rinchen Zangpo) (958-1055), và một đại sư Ấn độ là A-đề-sa (Atisa) từ Ấn độ lên giảng Pháp. Nhưng cũng trong thời kỳ này ở Ấn độ, Phật giáo lại bắt đầu suy tàn vì các đạo quân Hung nô và Hồi giáo thay nhau xâm lược, đốt phá chùa chiền và giết hại tăng lữ, các nhà sư sống sót thường tản mác và đi ngược lên Tây tạng để phục hưng Phật giáo trên phần đất này.
Vào cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII, lại một lần nữa các đạo quân Hồi giáo xuất phát từ Apganixtan tiến sang xâm lăng miền Bắc Ấn, đốt chùa và giết hại tăng sĩ, đại học Na-lan-đà bị san bằng, thư viện chứa hàng triệu kinh sách cũng bị đốt sạch, tại Na-lan-đà hàng ngàn tăng sĩ bị giết. Biến cố này đánh dấu sự chấm dứt cuối cùng của Phật giáo trên đất Ấn. Thêm một lần nữa tăng sĩ sống sót gom góp kinh sách vượt Hy-mã-lạp-sơn lên Tây tạng, một số khác tản mác sang Indonesia.
Có thể nói văn hoá Tây tạng là một nền văn hoá hoàn toàn Phật giáo, nhưng chính nền văn hoá đó lại tượng trưng cho sức mạnh của cả một dân tộc. Tuy nhỏ bé trên phương diện dân số, vì chỉ gồm có vài triệu người, và vô nghĩa trên phương diện kinh tế và quân sự, nhưng dân tộc Tây tạng vẫn chưa bị đồng hoá và tiêu diệt. Ngày nay các học giả Tây phương nghiên cứu Phật giáo, thì ngoài tiếng Phạn và tiếng Hán ra, phần đông đều phải học tiếng Tây tạng, ngôn ngữ của một dân tộc nhỏ bé nhưng đã bảo vệ toàn vẹn được Đạo Pháp, chuyển tải được Đạo Pháp một cách thật sâu sắc để ngày nay quảng bá trên toàn thế giới.
Trường hợp của Việt Nam :
Theo các học giả Tây phương thì Phật giáo được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II, tức trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 (43-544), dưới triều đại nhà Hán, tuy rằng cũng có giả thuyết cho rằng Phật giáo đã được các vị sư người Ấn truyền bá sang Việt Nam bằng đường biển từ trước cả thế kỷ thứ II. Vị thái thú đầu tiên trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba là Mã Viện, việc cai trị hoàn toàn trong tay quan lại người Trung quốc, vì thế có thể Hán học chưa được phổ biến rộng rãi. Nhưng về sau dưới sự cai trị của quan thái thú Sĩ Nhiếp từ năm 187 đến năm 226, thì Hán học được mở mang.
Người Giao chỉ học Hán ngữ, nhiều người đỗ cao và làm quan chức cho nhà Hán, chẳng hạn như Lý Tiến làm đến chức Thứ sử đời Hán Linh đế vào cuối thế kỷ thứ II, Lý Cầm giữ chức Tiêu-lệ hiệu-úy trong hoàng triều nhà Hán. Phật giáo du nhập vào Việt Nam cùng lúc với phong trào Hán học được bành trướng như trên đây. Kinh sách lúc bấy giờ nhất định là bằng Hán ngữ, tuy nhiên cũng phải hiểu rằng Phật giáo được truyền vào Trung quốc trước đó cũng không lâu, vì thế kinh sách Phật giáo cũng không nhiều, chưa kể là các nhà sư ở Trung quốc vào thời ấy phần lớn còn là người Ấn độ và người Tây Á sang giảng Pháp.
Phật giáo và Hán ngữ du nhập vào Nhật bản vào giữa thế kỷ thứ VI, và đến thế kỷ thứ IX thì người Nhật phát minh được “chữ nôm “ của họ, biến dạng từ chữ Hán. Trong trường hợp của Việt Nam, phải chờ đến thời nhà Trần (1225-1413) thì chữ nôm mới được bành trướng rộng rãi – chữ “ nôm “ là cách đọc biến dạng của chữ “ nam “. Kể từ thế kỷ XIII, tiếng nôm rất phổ biến, được sử dụng trong văn chương, thi phú, các bài hát và khúc ngâm…Song song với xu hướng ưa chuộng văn nôm dưới thời nhà Trần thì Phật giáo và văn hoá Việt Nam cũng bước vào thời kỳ phát triển cao độ và phong phú nhất.
Theo học giả Phật giáo Jean-Noël Robert thì việc hoằng Pháp trong dân gian không thể dùng Hán ngữ, vì thế chính hàng tăng lữ Việt Nam đã dùng tiếng nôm để dịch kinh sách, thuyết giảng và tụng niệm. Do đó việc phát triển tiếng nôm không nhất thiết là do tầng lớp nho sĩ mà chính là do tầng lớp tăng lữ trong xã hội đứng ra đảm trách từ lâu, trước cả thời nhà Trần. Giả thuyết trên đây có vẻ đúng vì vết tích xưa nhất là một tấm bia khắc chữ nôm dưới triều đại vua Lý Cao Tông vào năm 1209, tấm bia này đã được tìm thấy ở chùa Bảo An thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Suốt hơn một ngàn năm, tiếng Hán là ngữ tự của tầng lớp nho sĩ, quan lại ở triều đình, văn chương tiếng nôm chỉ là loại văn chương truyền khẩu trong dân gian, và có thể trong nền văn chương truyền khẩu ấy có cả việc hoằng Pháp, vì Thiền học đã phát triển sâu rộng trong xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ VI, và vị thiền sư Vô Ngôn Thông còn sáng lập thêm một học phái mới vào thế kỷ thứ IX. Vào năm 946, nhà vua Đinh Bộ Lĩnh phong cho nhà sư Ngô Chân Lưu chức « tăng thống » để điều hành Phật sự trong nước. Nhất định là vào thời ấy hàng tăng lữ không thể dùng tiếng Hán để giảng Pháp cho Phật tử đến chùa. Tiếng nôm dùng vào việc hoằng Pháp có thể đã được phát triển trong các thời kỳ này.
Sau này chữ nôm và tư tưởng Phật giáo mới bắt đầu để lại dấu tích trong văn chương chữ viết của Nguyễn Trải (1380-1442) và Nguyễn Du (1765-1820), của các vua chúa từ các thời nhà Trần cho đến nhà Nguyễn, trước khi có chữ quốc ngữ trong thời cận đại. Tư tưởng Phật giáo không những bàng bạc trong tâm hồn của văn nhân và nho sĩ bằng chữ viết mà còn tiếp tục đi sâu vào đời sống dân gian bằng cách truyền khẩu. ■
Hoàng Phong
0 comments