TIỂU SỬ
CỐ HUYNH TRƯỞNG
NGUYÊN HÙNG – VÕ ĐÌNH CƯỜNG
(1918-2008)
ĐỒNG SÁNG LẬP VIÊN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Thân thế:
Huynh Trưởng Võ Đình Cường Pháp danh Nguyên Hùng, sinh năm Mậu Ngọ
(1918) tại Thạch Bình, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Xuất
thân trong một gia đình thâm tín đạo Phật, Anh là đệ tử đã thọ tam quy
ngũ giới với Bổn Sư Thích Trí Thủ tại tu viện Quảng Hương Già Lam. Đây
là điểm mốc và là nền tảng cho sự cống hiến cuộc đời phụng sự đạo pháp
và dân tộc của anh. Kể từ đây anh dành tất cả tình cảm, tâm sức, trí tuệ
của mình cho sự nghiệp gầy dựng, phát triển và hướng dẫn tổ chức Gia
Đình Phật Tử Việt Nam từ những năm 1947 đến sau năm 1975.Hoạt động Gia Đình Phật Tử:
Mùa thu năm 1940, anh tham gia Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập gồm những thanh niên trí thức yêu nước, có một niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng giải thoát của đạo Phật. Tổ chức này hình thành như là những phản ứng văn hóa nhằm bảo vệ nếp sống cổ truyền của dân tộc Việt và bảo tồn tinh thần Phật Giáo trước làn sóng ngoại lai xâm lấn dữ dội.
Các đoàn Đồng Ấu Phật Tử, Thanh Niên Phật Học Đức Dục về sau chuyển thành Gia Đình Phật Hóa Phổ, rồi cải đổi danh xung thành Gia Đình Phật Tử như chúng ta đã biết qua lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Từ năm 1944, trong tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, dưới sự dẫn dắt của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, anh Võ Đình Cường, anh Đinh Văn Nam (tức Hòa Thượng Minh Châu về sau này) cùng một số anh chị trí thức cốt cán là những thành viên tham gia hết sức tích cực bên cạnh cư sĩ Tâm Minh. Nhưng rồi cuối năm 1946, khi phong trào toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, cư sĩ Tâm Minh trở về quê nhà ở Quảng Nam rồi sau đó ra Hà Nội. Kể từ đó, anh Võ Đình Cường là con chim đầu đàn tiếp nối công việc giáo dục, duy trì và phát triển tổ chức. Tuy vậy, do vận mệnh đất nước từ giai đoạn 1945 đền 1947 nhiều sóng gió chiến tranh với các cuộc càn quét, tản cư, hồi cư… Các thành viên nòng cốt của tổ chức lớp thì lên đường ra chiến trận theo tiếng gọi núi sông; lớp thì tản cư theo gia đình, thôn xóm… nên mãi đến sau cuộc hồi cư, từ năm 1948 anh mới có thể cùng anh chị em trong tổ chức tận tâm, tận lực xây dựng và bồi đắp, phát triển phong trào Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Năm 1949, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên – Huế được thành lập, với chức vụ Trưởng Ban được công cử là Trưởng Lê Cao Phan và anh Võ Đình Cường là thành viên cùng các Trưởng: Tráng Thông, Phan Xuân Sanh, Lê Văn Dũng…
Năm 1951, Gia Đình Phật Hóa Phổ cải đổi danh xưng thành Gia Đình Phật Tử, anh được công cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Phần – cơ cấu tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện nay.
Nói chính xác hơn, trước tình hình phát triển nhanh chóng và rộng khắp của các Gia Đình Phật Hóa Phổ, một cuộc họp tại trụ sở Hội Phật Học Trung Việt (đường Nguyễn Hoàng – Huế) đã bầu ra Ban Hướng Dẫn Trung Việt Gia Đình Phật Hóa Phổ và công cử anh là Trưởng Ban. Tiếp đó, song song với sự kiện Đại Hội thống nhất Phật Giáo toàn quốc gồm 6 tập đoàn Phật Giáo cả 3 miền Bắc – Trung – Nam họp tại chùa Từ Đàm, Huế ngày 6 tháng 5 năm 1951 (đã hình thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam) anh cùng các anh chị Huynh Trưởng cốt cán của phong trào như Lê Cao Phan, Phan Cảnh Tuân, Nguyên Xuân Quyền, Lê Cảnh Đạm, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, Hoàng Thị Kim Cúc… tổ chức trại huấn luyện Kim Cang tại Huế nhằm đào tạo những Huynh Trưởng nòng cốt cho ba miền Nam – Trung – Bắc (anh Võ Đình Cường là Trưởng Ban Trại Trưởng). Danh hiệu Gia Đình Phật Tử đã được quyết định bởi thành phần Ban Hướng Dẫn Trung Việt Gia Đình Phật Hóa Phổ và các Trưởng là đại biểu được tuyển chọn để lãnh đạo và phát triển phong trào tại Bắc Việt và Nam Việt.
Cũng trong Đại Hội Phật Giáo toàn quốc nói trên, anh Võ Đình Cường được giao phó đảm trách Ủy Viên Thanh Niên của Liên Phái (Ủy Viên Thanh Niên Phật Tử Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam).
Năm 1952, anh cùng Ban Hướng Dẫn quyết định thành lập một Ban Quản Trại lưu động để huấn luyện, đào tạo Huynh Trưởng các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt… làm hạt nhân phát triển tổ chức. Từ đó, các đơn vị Gia Đình Phật Tử, các Ban Hướng Dẫn liên tiếp được hình thành từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi cao, biển xa đến tận hang cùng ngỏ hẽm
Anh luôn quan tâm đến việc gầy dựng và đào tạo các thế hệ Huynh Trưởng kế thừa nên nhiều năm kế tiếp sau đó cho dù đất nước bị phân qua, chiến tranh ác liệt, Pháp Nạn dồn dập… nhưng với lực lượng Huynh Trưởng đông đảo, trung kiên và tài năng đều khắp từ Bến Hải đến Cà Mau, anh luôn vững tay chèo chống cùng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, không những duy trì được mà còn khiến tổ chức Gia Đình Phật Tử phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như phẩm lượng; không chỉ tinh thần mà cả những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động. Phải nói chính trong thời kỳ nguy hiểm của tranh chấp chiến sự và tranh chấp ý thức hệ đó, Gia Đình Phật Tử lại không ngừng phát triển một cách thuần chất. Có thể coi đây là một thời kỳ hoàng kim của tổ chức cho đến ngày hòa bình năm 1975. Trong suốt thời kỳ ấy, qua hầu hết các kỳ Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam toàn quốc, anh luôn được tín nhiệm ở cương vị Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Năm 1964, sau cơn Pháp Nạn, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, truyền thừa Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, anh được Đại Hội công cử đảm nhiệm chức vụ Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ thuộc Tổng Vụ Thanh Niên và được tín nhiệm liên tiếp các Đại Hội nhiệm kỳ sau cho đến năm 1981.
Hoạt động văn hóa – xã hội:
Anh Võ Đình Cường trở thành nhà văn, nhà báo từ rất sớm.
- Từ năm 1941 đến năm 1945, anh là cộng tác viên của tạp chí Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật Học do bác sĩ (cư sĩ) Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ nhiệm.
- Từ năm 1945 đến năm 1957, tại Huế, anh đảm nhiệm lúc thì vai trò Tổng Thư Ký Tòa Soạn, khi thì Biên Tập Viên các báo Giải Thoát, Tiến Hóa, Ngày Mai, Liên Hoa.
- Từ năm 1957 đến 1966, tại Sài Gòn, anh phụ trách Biên Tập Viên tạp chí Phật Giáo Việt Nam; Tổng Thư Ký tuần báo Hải Triều Âm và Tổng Thư Ký Toà Soạn tuần báo Thiện Mỹ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
- Năm 1976, anh đảm trách nhiệm vụ Tổng Biên Tập báo Giác Ngộ cho đến năm 1990; vào năm 1982, anh cho ra đời và làm Tổng Biên Tập tờ Tập Văn Phật Giáo (tức tờ Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo hiện nay) trong thời gian anh nhận giữ các chức vụ Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương; Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương; Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam và Cố Vấn Phân Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Ương khi anh tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ năm 1981.
Anh cũng đã sáng tác, biên soạn và xuất một số tác phẩm đa dạng và giá trị như:
Ánh Đạo Vàng (1945).
Thử Hòa Điệu Sống (1949)
Đây, Gia Đình (1956).
Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh (1960).
Những Cặp Kính Màu (1964).
Những Ngả Đường (truyện dài – 1965)
Đạo Phật Qua Cặp Kính Màu Của Tôi (nghị luận – 1967).
Cành Hoa Mẹ Tặng (tuyển tập – 1994).
Cô Gái Bất Khuất (dịch phẩm từ truyện ngắn của Somerset Maugham – 1972).
Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt Nam (dịch từ nguyên bản tiềng Pháp tài liệu của Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc về cuộc đàn áp Phật Giáo năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm – xuất bản năm 1964).
Anh là một nhân sĩ trí thức; một nhà mô phạm; một nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục… Anh đã từng giảng dạy tại một số trường trung học tư thục ở Huế và Sài Gòn. Nhưng vì tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên với mục đích thứ hai là “Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo” nên những hoạt động của anh trong tổ chức và vì tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng chính là những hoạt động xã hội đắc lực nổi bật và xuất sắc nhất của anh.
— oOo —
70 năm phụng sự cho đạo pháp, quê hương với một quảng đường dài trong đó dành trọn vẹn cho cho lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam… để rồi thuận thế vô thường theo định luật thành – trụ – hoại – diệt trong pháp môn nhà Phật, anh an tường xả báo thân từ biệt Ta Bà lúc 18 giờ ngày 6 tháng 3 năm 2008, nhằm ngày 29 tháng giêng âm lịch năm Mậu Tý, hưởng thọ 91 tuổi.
0 comments