Năm 1973 anh Quảng Thuận Lê Văn Thảo – cựu huynh trưởng GĐPT Chánh Thọ đi lập một đơn vị mới có tên là Tâm Minh. Anh xuất thân mô phạm nên rất bài bản, soạn tài liệu cho các bậc sen non bằng hình vẽ dù đường nét rất sơ sài, trong đó có một slogan rất lạ: “Tiếng hát Ca Lăng Tần Già” chỉ một câu này mà tôi giữ quyển tài liệu chỉ vài trang giấy đó cho đến ngày nay để chứng minh tôi biết câu này từ anh Lê Văn Thảo!
Hồi đó, tôi có cái nết xấu là hay tìm tòi cho ra cái gì mình chưa hiểu nên tra cứu kinh điển để hiểu biết về loài chim Ca Lăng Tần Già
Trong kinh A Di Đà có đoạn: “Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.
Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần..v..v.. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao?
Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ. Xá-Lợi-Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Ðà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.
………”
Những khi đi một mình, ngồi một mình, tôi cảm thấy giũ bỏ được bao khó nhọc não phiền bên triền đồi, khe suối, rừng thưa… bổng nghe tiếng chim hót vang dậy, rộn ràng lòng bổng lâng lâng yên tịnh. Chim hót vui hay lòng mình đang vui? hay tại mình an ổn mà trọn nghe được tiếng chim ca?
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…” nhưng chữ “vui” trong Thiền quán có nghĩa là không có sự hiện diện của phiền não, khổ đau, khi phiền não, khổ đau không có mặt tức địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh không hiện hữu nên không thể nói lúc đó mình vui hay buồn theo tình đời nhân thế.
Thế nên, muốn nghe được chim nói pháp thì lòng phải an, tâm phải tịnh thì sẽ “duyên” được với tiếng hát các loài chim từ cõi tịnh độ. Cõi tịnh độ ấy trong chúng ta ai ai cũng có. Các loài chim ấy lại từ tâm mà hóa hiện nên người già, ưa triết lý thích bạch hạc, bậc vương giả ưa màu sắc xum xoe của con công (khổng tước) người bình thường thì thích nghe chim Anh vũ (két) lập lại lời kinh kệ, người tu tuệ thì ưa tiếng Xá Lợi thông minh, bậc đại trí thì hợp với tiếng Ca Lăng Tần Già, tiếng nó làm dậy sắc tinh hà trong vũ trụ hư huyễn, ảo hóa theo nhịp quay của nhân duyên mà chuyển hóa thế gian từ phương pháp diệt trừ 10 phiền não.
Kinh A Di Đà cũng nói: “Phật bảo ngài Trưởng lão Xá-Lợi-Phất rằng: “Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Ðà hiện nay đương nói pháp…..”
Pháp số “mười muôn ức” này chính là vượt qua 10 phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, chấp kiến, tà kiến, giới cấm thủ kiến), nhất là dẹp được 5 chi đầu rất khó trừ diệt (tham-sân-si-mạn-nghi) thời sẽ đến được nước Cực lạc phía Tây. Sở dĩ từ 10 biến thành 10 muôn ức là do tập nhiễm lâu ngày khó chuyển hóa nên các vị Bồ tát từ cõi khác đến thường có chung một nhận xét: “Chúng sinh nơi cõi Ta bà rất ngang ngạnh, cứng đầu khó dạy bảo”.
Chúng sinh khó độ (chúng sinh dị độ) không có nghĩa là không độ được. Phật nhãn đã vượt mọi chiều không gian, thời gian đã thấu suốt Ngài và tuyên bố “Chúng sinh là Phật sẽ thành”, trước sau gì cũng thành Phật, sống nơi ô nhiễm mà không bị vấy nhiễm; từ trong phiền não mà chứng đắc Niết bàn. Muốn đến được cõi Phật thì xa quá! Hay là hãy tìm cách để Phật độ hiện ra nơi chúng ta?
Vậy thì khi Tham thì đừng tham, khi giận thì đừng giận, khi ghen ghét thì đừng ghen ghét, khi cái “Tôi” của mình đáng ghét hiện ra thì phải biết khiêm cung chắp tay tâm niệm: “lạy người tôi không dám xem thường các người…” Lúc đó, chúng ta sẽ nghe tiếng chim Ca Lăng Tần Già dậylên tiếng lảnh lót, vũ trụ thiên hà nhịp nhàng chuyển động theo nhịp nhân sinh.
Thật ra, chim vẫn hót vui, hoa vẫn nở, và bình minh vẫn rạng rỡ muôn màu. Chỉ có ta đang đắm chìm trong buồn vui – yêu ghét…mà không thấy đó thôi.
Ngay khi nhận nhiệm vụ Ủy Viên Văn Nghệ tôi đã phác thảo ý tưởng về một hội thi Tiếng hát Ca Lăng Tần Già, phát họa Logo sử dụng chung cho toàn quốc, thiết kế biểu tượng, phông màn, sáng tác nhạc hiệu ngay trong…bệnh viện. Thân tôi tuy bệnh không đi nổi nhưng ý nguyện tôi còn lớn hơn thân bệnh nên ngay bên giường bệnh có anh em hứa giúp cho vé máy bay. Các biểu tượng (kỷ niệm chương) quá mắc mỏ thì có quý Anh chị em từ bên Úc Đại Lợi nhiệt tình hỗ trợ; bổng dưng xuất hiện những người em cho tới ngày đi tôi mới biết tên? Phát tâm in ấn miễn phí, ngồi tháo ráp 150 quyển notebook và thực hiện nhiệm vụ truyền thông online sự kiện tại một huyện Cam Lâm nhỏ bé ra khắp thế giới, hàng hóa thì giao cho một đàn em nhận tải theo xe khách; lên máy bay có đàn em khác “hộ tống” ngồi xuống vừa nối seat belt thì Thượng Tọa Nhuận Châu ngồi kế bên.
21:00 xuống phi trường Cam Ranh thì xe hơi ra đón, vào chùa thì “bị” ở phòng máy lạnh, 11 phái đoàn các tỉnh cũng phải ở trong các phòng gắn máy lạnh như thế.
Tôi vào đến chùa Thanh Sơn chỉ bằng hai tay không, BHD Cam Ranh ra chào tiếp. Tôi đã thấy một lễ đài hoành tráng, sân khấu cao rộng ráp từ vật liệu của chùa bằng cả công sức của BHD và toàn thể ngành Nam GĐPT Thanh Sơn suốt mấy ngày qua.
Bấy giờ anh Huệ Quảng hỏi tôi, bên anh đã xong hết chưa vì Ban tổ chức chưa từng họp lần nào! Tôi khoác tay trả lời: “ Cung tên đã sẵn sàng chờ đến giờ là bấm nút”.
Đức Quảng
nguồn trang nhà http://www.gdptvietnam.com/
0 comments