TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN MINH

 

TIỂU SỬ

CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN MINH

(1922-1978)


Hòa thượng Thích Thiện Minh, thế danh Đỗ Xuân Hàng, pháp danh Thiện Minh, pháp hiệu Thích Trí Nghiễm. Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1922(1) – Nhâm Tuất – tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất gia năm 12 tuổi, đệ tử của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên (Thuyền Tôn), Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Gia đình Ngài thuộc tầng lớp thức giả, thân phụ là ông Đỗ Xuân Quang, có làm việc làng, được phong Cửu Phẩm Văn Giai. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Nhơn. Ngài là người con thứ năm trong tám anh chị em(2).
(2) Theo gia phả Chi 5, Phái II, Họ Đỗ Khắc, làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, 8 anh em là: Xuân Tiềm, Thị Tiến, Xuân Khôi (chết năm 1917), Thị Diệu, Xuân Hàng (1922-1978), Xuân Tú, Xuân Uyển, Thị Danh. (Nguồn: http://gdpthaingoai.org).
Năm Tân Mùi (1931), khi mới 10 tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia tu học. Khi ấy phong trào Chấn Hưng Phật Giáo đang được phát động rầm rộ tại Trung Kỳ và Hội An Nam Phật Học được thành lập tại Huế năm 1932. Do đó, Ngài thừa hưởng được những thuận duyên để vun bồi cho sự tu học ngay từ bước đầu.
Năm Giáp Tuất (1934), Hòa Thượng Giác Tiên cùng đệ tử thân tín của Hòa Thượng là ngài Mật Khế đứng ra tổ chức, thành lập trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm, thu nhận chỉ 50 Học Tăng được tuyển chọn rất kỹ từ nhiều nơi, trong đó có Ngài.(2)
(2) Đoạn này có tài liệu ghi: Năm 1936, Ngài bắt đầu theo học lớp Sơ Ðẳng Phật Học tại chùa Tuy Ba, cùng lớp với Thầy Võ Tường (tức Thích Thiện Siêu), Nguyễn Bình (tức Thích Trí Tịnh), Phạm Quang (tức Thích Trí Quang), Trần Trọng Thuyên (tức Thích Trí Thuyền). Ðến năm 1943, tốt nghiệp Trung Ðẳng Phật Học, nhưng chưa thọ đại giới đàn Bảo Quốc để theo đuổi chương trình Ðại Học Phật Giáo (Nguồn: Thư Viện Lam).
Vốn có tư chất thông minh lại tinh tấn tu học, suốt thời gian theo học tại trường An Nam Phật Học, từ bậc Tiểu học, lên Cao đẳng và Đại học Phật Giáo, Ngài đều gặt hái được kết quả tốt đẹp. Nơi đây, tài hùng biện thu hút người nghe của Ngài được bộc lộ mỗi khi Ngài đăng đàn diễn thuyết nên Ngài được chư tôn đức Giám Quản luôn khen ngợi.
Năm Quý Mùi (1943), Ngài tốt nghiệp Đại học Phật Giáo, chuẩn bị nhận lãnh trọng trách hoằng pháp lợi sanh thì tình hình trong nước có biến động dồn dập. Đảo chính Nhật (9.3.1945) rồi Cách Mạng Tháng Tám; Nam Bộ Kháng Chiến (23.9.1945)… Tất cả các hoạt động của Phật Giáo cũng chịu nhiều ảnh hưởng phải ngưng hoạt động. Không ít trí thức, Tăng sĩ và Phật Tử đã lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân cứu nước của toàn dân. Các Học Tăng tốt nghiệp xuất sắc cùng khóa với Ngài có các ngài Trí Quang, Trí Thuyên… cũng không ngần ngại dấn thân vào các tổ chức cứu nước. Ngài hăng hái phụ trách Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tại tỉnh Quảng Trị. Nhờ tri kiến uyên thâm và tài hùng biện vô ngại, Ngài đã vận động được sự ủng hộ từ nhiều phía đóng góp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến.
Năm Bính Tuất (1946) đến năm Đinh Hợi (1947), nhiều tổ chức kháng chiến tại Huế tan vỡ, quân viễn chinh Pháp tràn ra Quảng Trị, Quảng Bình, gây nhiều tang tóc bi thương. Ngài bị Pháp bắt giam một thời gian. Sau đó vội vàng về Huế, Ngài cùng với nhiều vị khác khôi phục lại các hoạt động Phật Giáo.
Năm Đinh Hợi (1947), sau khi trợ duyên cùng ngài Trí Thủ khai giảng Phật Học Đường Trung Việt tại chùa Báo Quốc (Huế), Ngài cũng kịp lúc góp sức cùng các ngài Mật Hiển, Mật Nguyện vận động thành lập Sơn Môn Tăng Già Trung Việt.
Năm Mậu Tý (1948), sau khi thọ Sa Di giới, Ngài lấy Pháp danh là Thích Trí Nghiễm và đến năm Kỷ Sửu (1949), Ngài được phân công đi vào nhận công tác Phật sự tại vùng Cao Nguyên và phía Nam Trung Việt, khôi phục và thành lập lại các Tỉnh hội, làm Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Ðà Lạt và là giảng sư của Hội tại cao nguyên Lâm Viên. Suốt 4 năm tại đây, Ngài đã ra công xây dựng những Chi Hội; xây dựng được nhiều cơ sở vững chắc cho Hội An Nam Phật Học tại các tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; lập nhiều đơn vị Gia Ðình Phật Tử, xuất bản tờ Hướng Thiện, rồi tờ Liên Hoa và Sen Hồng.
Năm Tân Mão (1951), Giáo Hội Tăng Già Trung Việt được thành lập tại Huế. Đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của các vị lãnh đạo để bàn bạc những vấn đề thiết yếu cho Phật Giáo. Và chỉ một năm sau, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập. Tại Đại Hội quan trọng này, Ngài được bầu vào Chủ Tọa Đoàn điều khiển các cuộc thảo luận.
Năm Nhâm Thìn (1952), Giáo Hội cử Ngài về làm giảng sư những tỉnh miền Nam Trung Việt. Lúc đó, Ngài đổi Pháp danh là Thích Thiện Minh. Cũng như ở vùng cao nguyên, tại đây, nhờ phương pháp tổ chức, nhờ đức kiên nhẫn của Ngài, Phật Giáo tại miền thùy dương đã vươn cao chưa từng thấy.
Ðến năm 1956, Thượng Tọa Thiện Minh cùng các Cao Tăng ở Bắc về Trung Phần, nhất là có sự tiếp tay của cụ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, đã đứng ra tổ chức Ðại Hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam kỳ II. Sau Ðại Hội, Thượng Tọa trở về công tác tại Nha Trang một thời gian rồi lại trở về Huế, điều hành Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần.
Trong thời gian làm Phật sự tại miền Nam Trung Việt và Cao Nguyên. Ngài thường xuyên viết bài cộng tác với Tạp Chí Viên Âm do Hòa Thượng Trí Quang làm chủ bút và tiếp tục làm chủ nhiệm Tạp Chí Hướng Thiện xuất bản tại Đà Lạt năm 1950. Trong thời gian tại Khánh Hòa, Ngài làm Trị Sự Trưởng Tỉnh Giáo Hội một thời gian dài, đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng các cơ sở Chi Hội tại các quận và các Khuôn Hội tại thị xã Nha Trang. Đặc biệt, Khuôn Hội Linh Thứu gồm đa số đồng bào di cư ở khu Xóm Mới đã được Ngài trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt trong những ngày đầu. Từ nơi này, Ngài cũng có công sức rất lớn cho việc nuôi dưỡng và hình thành Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang (về sau tức là Phật Học Viện Trung Phần).
Năm Kỷ Hợi (1959), tại Đại Hội của Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần được tổ chức tại Huế, Ngài được suy cử làm Trị Sự Trưởng Tổng Hội cho đến năm 1962 thì Hòa Thượng Trí Quang lên thay để Ngài lãnh trọng trách khác.
Năm Nhâm Dần (1962), chính sách kỳ thị tôn giáo của nhà cầm quyền bắt đầu bịểu hiện những trấn áp mãnh liệt. Bằng những hồ sơ chính xác, Thượng Tọa gởi lên chính quyền yêu cầu đưa ra ánh sáng những vụ bắt bớ, thủ tiêu Phật Giáo Đồ.
Năm Quý Mão (1963), sau vụ triệt hạ cờ Phật Giáo; vụ thảm sát tín đồ và đồng bào tại Ðài Phát Thanh Huế trong dịp đại lễ Phật Ðản, tình hình Phật Giáo ngày càng trở nên sôi động và phức tạp. Đây là thời điểm mà bất kỳ một Tăng sĩ hay Phật Tử nào có nhiệt tâm, mến đạo đều ưu tư và chung lo góp phần mình trong công cuộc chống kỳ thị tôn giáo của chính thể Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngài đã cùng Ban Trị Sự Tổng Hội, dưới sự lãnh đạo tối cao của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, phát động phong trào đấu tranh, đòi thực thi 5 nguyện vọng đã lập thành Tuyên Ngôn đề ngày 10.5.1963. Sau đó, Ngài cùng Hòa Thượng Trí Quang cung thỉnh Hòa Thượng Hội Chủ vào Sài Gòn để chuyển cuộc đấu tranh trực tiếp với chính thể Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và tại nơi này, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo được thành lập, đòi chính quyền đương thời hủy bỏ đạo dụ số 10, thỏa mãn 5 nguyện vọng chân chính của Phật Giáo. Ngài là một trong năm thành viên ở ngôi vị cố vấn chủ chốt của Ủy Ban Liên Phái.
Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, chính thể Tổng Thống Ngô Đình Diệm hốt hoảng, yêu cầu Ủy Ban Liên Phái cử phái đoàn đến để thương thuyết. Ngài được cử làm Trưởng Phái Đoàn trong lần thương thuyết này. Trước sự việc còn đang gây nên nhiều làn sóng đấu tranh, phẫn uất, Bà Trần Lệ Xuân lại còn mô tả hành động tự thiêu của ngài Quảng Đức với những lời lẽ khiếm nhã, Ngài bình tĩnh, khôn ngoan đối chất với Ủy Ban Liên Bộ, dùng khả năng hùng biện, lý lẽ vững chắc, Ngài đã thẳng thừng lên án chính phủ, dồn họ vào thế phải ký bản Thông Cáo Chung, mặc dù bản Thông Cáo Chung này chỉ là kế hoãn binh để chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm chuẩn bị một kế hoạch thâm độc hơn, đó là kế hoạch “Nước Lũ” và nó đã được thực hiện vào đêm 20 rạng sáng 21.8.1963. Rất nhiều chùa chiền trên toàn quốc bị bao vây, đập phá và nhiều chư tôn Giáo Phẩm bị bắt bớ, đánh đập, tù đày, trong đó có Đại Lão Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, Ngài cũng cùng chung số phận ngay trong đêm đáng nhớ ấy và chỉ được thả sau ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Ngày 1-11-1963, Tướng Dương Văn Minh cùng các tướng lãnh quân đội nổi dậy lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, lúc bấy giờ mọi tai họa dành riêng cho một tôn giáo lớn của dân tộc mới hoàn toàn chấm dứt.
Năm Giáp Tuất (1964), một ngày lễ Phật Đản huy hoàng chưa từng có tại Việt Nam được thể hiện bằng lễ đài hùng vĩ ngay tại Bến Bạch Đằng Sài Gòn. Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Trong tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất này, Thượng Tọa Thiện Minh được suy cử làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.
Với cương vị mới mẻ và quan trọng này, Ngài đã vận động từ mọi nơi, xây dựng nên Trung Tâm Quảng Đức ở số 294 đường Công Lý , Sài Gòn. Đây là trụ sở của Tổng Vụ Thanh Niên và trụ sở của các Vụ trực thuộc như Gia Đình Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Hướng Đạo Phật Giáo, Thanh Niên Thiện Chí Phật Tử… Nơi đây còn là Trung Tâm Văn Hóa – Xã Hội hoạt động rất sôi nổi của Giáo Hội. Đồng thời còn là nơi xuất phát nhiều cuộc đấu tranh đòi dân chủ trong nửa cuối thập niên 60. Cũng chính Thượng Tọa đã đứng ra điều động tổ chức Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử lịch sử tại trường Gia Long, Sài Gòn năm 1964. Khi vừa hoàn thành xong công trình (Trung Tâm Quảng Đức) to lớn này, Ngài được Giáo Hội ủy cử làm Trưởng Đoàn Phật Giáo Việt Nam đi dự Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới được tổ chức tại Nhật Bản.
Những năm cuối thập niên 60, phong trào đấu tranh đòi thực hiện Quốc Hội Lập Hiến, Dân Chủ Dân Sinh bùng nổ khắp mọi nơi  do chính quyền thời ấy trở lại chế độ “quân nhân trị”, bè phái, đàn áp Phật Giáo và các tổ chức đối lập một lần nữa. Những nhà lãnh đạo Phật Giáo trong số đó có Thượng Tọa Thiện Minh lại đứng ra bảo vệ tự do tín ngưỡng và tự do dân chủ..
Ở miền Trung (Đà Nẵng) vào ngày 15 tháng 5 năm 1966 trước làn sóng đấu tranh của Phật Giáo, 2.000 lính dã chiến đã bao vây chùa chiền. Cuộc đổ máu đã diễn ra bởi sự đàn áp của quân đội từ Sài Gòn ra với các cánh quân địa phương. Hơn 600 Tăng Ni, Phật Tử chết và trên 1.000 người khác bị thương. Trước tình hình đó, Hòa Thượng Trí Quang hô hào tiến hành cuộc đấu tranh bất bạo động để hỗ trợ cho cuộc đối đầu của Ngài Thiện Minh ở Sài Gòn.
Nhân danh Chủ Tịch các lực lượng đấu tranh và Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, ngày 28.5.1966, Ngài đã gặp trực tiếp hai tướng Thiệu-Kỳ đưa ra những yêu sách đấu tranh. Riêng Ngài sau một buổi báo cáo kết quả cùng Viện Hóa Đạo và các Phong Trào do Ngài làm Chủ Tịch vào ngày 1 tháng 6 năm 1966, một mình đi bằng taxi về, Thượng Tọa đã bị mưu sát ngay trước Trung Tâm Quảng Ðức. Ngài vừa đặt chân xuống lề đường trước cổng Trung Tâm thì một quả lựu đạn nổ ngay chỗ Ngài vừa bước ra. Rất may Ngài chỉ bị thương ở chân. Từ cuộc ám sát đó, sức khỏe Ngài giảm sút thấy rõ. Mọi hoạt động của Ngài như mất dần kết quả nguyên vẹn. Tuy nhiên, Ngài vẫn không kém quyết liệt trước mọi tình huống, vẫn tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội cùng chư tôn đức khác.
Ngày 17 tháng 3 năm 1969, Thượng Tọa bị Tòa Án Quân Sự Mặt Trận kết án 15 năm tù khổ sai cấm cố. Khắp trong và ngoài nước vô cùng công phẩn. Tại Sài Gòn, một “Ủy Ban Vận Động Đòi Hủy Bỏ Bản Án Thích Thiện Minh” ra đời, trong đó có đủ thành phần tôn giáo; nghị sĩ; dân biểu; chính trị gia; sinh viên, học sinh… Dưới áp lực quá mạnh mẽ, chính quyền ra quyết định phóng thích Thượng Tọa ngày 1 tháng 11 năm 1969.
Năm 1970, Thượng Tọa lên đường tham dự Hội Nghị Tôn Giáo Và Hòa Bình Thế Giới tại Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, Thượng Tọa đã đọc bản tham luận nổi tiếng nhan đề ”Quan điểm của Phật Giáo về bất bạo động”.
Năm 1971, Ngài được cử làm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Đây là giai đoạn Viện Hóa Đạo bị phân hóa trầm trọng, Ngài đã góp phần ổn định, lèo lái vượt qua, ngay cả đó là những năm ác liệt nhất của chiến tranh.
Năm 1972, khi Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Ngài phải ra đảm đương chức vụ Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cho đến khi tổ chức được Đại Hội Phật Giáo kỳ IV, Hòa Thượng Thích Trí Thủ nhận chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài mới rút về làm Cố Vấn cho Viện Hóa Đạo mà thôi.
Năm 1973, Thượng Tọa trong cương vị Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ra Thông bạch gởi toàn thể Tăng Ni, Phật Tử toàn quốc phải nổ lực xây dựng, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh khi hòa bình vãn hồi. Nhưng Hiệp Định Ngưng Bắn Và Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam ký kết tại Paris đã không được các bên tham chiến nghiêm chỉnh thi hành.
Thời gian sau đó, vì sức khỏe, Ngài phải hạn chế hoạt động, trao lại chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên – dù chưa có người thay – do đó Viện Hóa Đạo đã đặc cách Quyền Tổng Vụ Trưởng cho Đại Đức Thích Giác Đức cho đến năm 1975.
Sau đại hội kỳ VII của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1976, Ngài được cung thỉnh làm Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo.
Ngày 9 tháng 6 năm 1977, Giáo Hội ra Thông Ðiệp kêu gọi Bảo Vệ Nhân Quyền ở Việt Nam. Thông Ðiệp lưu hành vô cùng khó khăn, ai bắt gặp có Thông Ðiệp, thì lập tức bị giam. Ngày 15 tháng 6 năm 1977, Thượng Tọa Thích Mãn Giác rời nước ra đi bằng đường biển, mang theo Thông Ðiệp đó cùng nhiều tài liệu về đàn áp Phật Giáo. Nhà đương cuộc cho rằng chính Thượng Tọa Thiện Minh đã tổ chức, xếp đặt những biến cố trên nên ngày 28 tháng 3 năm 1978, Thượng Tọa bị trục xuất khỏi Trung Tâm Quảng Ðức, không cho phép chùa chiền nào chấp chứa.
Ngày 13 tháng 4 năm 1978, sau nhiều tháng lang thang, Thượng Tọa bị bắt giam tại Hàng Xanh, Sài Gòn. Người ta bắt Thượng Tọa phải cởi áo tu sĩ nhưng Thượng Tọa đã khẳng khái trả lời: ”Minh xuất gia từ năm 12 tuổi, đã quen mặc nâu sòng rồi, khó mặc thứ khác”.  Vì phản ứng và câu nói này, Thượng Tọa bị phạt 7 ngày đêm không quần áo.  Sức khỏe của Thượng Tọa suy giảm dần trong tù. Cuối cùng Thượng Tọa bị áp giải về trại cải tạo Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay trở lại là tỉnh Bình Thuận). Không biết chế độ đối xử thế nào mà ngày 17 tháng 10 năm 1978 thì Thượng Tọa tắt thở. Giáo Hội nghe tin, cử một phái đoàn ra Hàm Tân nhận diện một thi thể bị bọc kín, khuôn mặt tím bầm, mắt sâu hóm, râu và tóc ra dài che phủ cả mặt. Giáo Hội xin đưa về mai táng nhưng không được chấp thuận; xin tụng một thời kinh cầu siêu cũng bị chối từ. Sự kiện Ngài bị giam giữ và lưu đày nơi vòng lao lý cho đến nay vẫn còn là một nghi án chưa được làm minh bạch về cái chết của Ngài.
Hòa Thượng Thích Thiện Minh trụ thế được 56 năm với 36 năm hành đạo. Chùa Thuyền Tôn (Huế) đã lập tháp vọng thờ Ngài với ngày kỷ niệm tưởng nhớ công ơn Thượng Tọa là ngày 15 tháng 9 âm lịch hằng năm.
— oOo —
* Xuất xứ tài liệu: QUANG MAI sưu tập, tổng hợp & trình bày từ các nguồn tài liệu tham khảo:
* Chú thích:
- (1)   Có tài liệu ghi Ngài sinh ngày 21.4.1921.
- Mới đây, trong dịp húy nhật lần thứ 35 ngày Cố Hòa Thượng thượng Thiện hạ Minh viên tịch tổ chức tại “Lam Linh Đường” tịnh thất Huyền Không (Thị trấn Phú Mỹ – 2013), tôi có nghe được thông tin là tại chùa Phước Quang, ấp Quảng Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Long Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – khu vực Đại Tòng Lâm Phật Giáo tại Bà Rịa Vũng Tàu – vừa tổ chức một buổi lễ cung nghinh di cốt Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh để ký tự phụng thờ. Cũng theo nguồn tin này thì Ngài là người “khai canh” làng Quảng Phú; khai sơn chùa Phước Quang; và sáng lập GĐPT Khánh Quảng (hiện trực thuộc Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu).
Địa phương này tọa lạc tại khu vực Đại Tòng Lâm như nói trên, và theo chúng tôi được biết – cũng như qua một số tài liệu – thì “Đại Tùng Lâm Phật Giáo” trước đây (trước năm 1975) thuộc tỉnh Phước Tuy, miền Đông Nam Phần; được nhị vị Cố HT Thiện Hoa, Thiện Hòa đến khai sơn năm 1958. Sau đó, vào năm 1964,  Hòa Thượng Thiện Hòa với sứ mạng Trị Sự Trưởng Tăng Già Nam Việt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lập hồ sơ xin khai khẩn 100 mẫu đất hoang hóa tại xã Phú Mỹ, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), với dự án xây dựng thành một Tòng Lâm  danh tiếng của Phật Giáo Việt Nam. Hồ sơ được chính quyền đương thời duyệt thuận, cấp “sổ bộ” đất và nhiều đơn vị Quân Nhân Phật Tử đã về đây trợ lực khai khẩn khu đất “Đại Tòng Lâm Phật Giáo”.
Do nguồn tin về việc khai sơn và về linh cốt của Cố Hòa Thượng Thiện Minh chúng tôi chưa có thời gian xác thực nên xin sẽ thông tin sau và bổ sung vào tiểu sử Ngài nếu thông tin hoàn toàn chính xác.
QUANG MAI
                            
HT Thích Thiện Minh ban đạo từ trong lễ an vị Phật chùa Phước Quang (Quảng Phú, Đại Tòng Lâm) và công nhận GĐPT Khánh Quảng trong dịp lễ Thành Đạo năm DL 1973 (Chú thích của GĐPT Khánh Quảng).
Ảnh trên Facebook GĐPT Khánh Quảng.
Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang