SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN NGUYÊN TỪ

* Bài này Nguyên Từ viết cho tập tài liệu TRẠI VẠN HẠNH V . Xin được đăng lại đây, mong đón nhận tôn ý các anh chị Huynh trưởng đàn anh lão thành và tất cả các Huynh trưởng bốn phương để có được một tài liệu hoàn chỉnh trong tương lai.
A. DẪN NHẬP:
Suốt quá trình huấn luyện, từ khi bước chân vào làm Huynh trưởng rồi qua các trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, chúng ta chỉ mới được nhắc nhở đến bổn phận, đến trách nhiệm của người Huynh trưởng theo từng cấp độ ( “Người Đoàn phó” trong trại Lộc Uyển “, Người Đoàn trưởng” trong trại A Dục, “ Người Liên Đoàn trưởng” trong trại Huyền Trang). Đến hôm nay, khi tham dự trại Vạn Hạnh, trại huấn luyện cao nhất của GĐPT/VN mới đặt vấn đề “ Sứ mệnh của người Huynh trưởng”. Đúng vậy, đã là “ Sứ mệnh “ thì phải đặt đúng tầm cỡ.
Sứ mệnh khác xa với bổn phận và cũng khác xa với trách nhiệm.
B.NỘI DUNG:
I. THẾ NÀO LÀ SỨ MỆNH:
Để xác định rõ thế nào là “Sứ mệnh”, thiết nghĩ chúng ta cũng cần trở lại định danh trình tự các từ :”bổn phận” và”trách nhiệm”.
* Bổn phận (Obligation): Phận sự của từng cá nhân mình, có tính cách luân lý (theo từ điển Việt Nam của bản tự khai trí và từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học VN 1992)
Như vậy, khi nói đến bổn phận là có sự tương quan đối đãi và mang tính chất luân lý trong từng phạm vi.
Bổn phận con  cha, mẹ. Bổn phận trò  Thầy.
Bổn phận vợ  chồng. Bổn phận chủ nhân  người làm công v.v…
Khi có sự tương hệ cùng một lúc với nhiều đối tượng thì chỉ cần nêu một chủ thể, như Bổn phận người công dân, bổn phận người Đoàn trưởng v.v… ( đương nhiên cũng phải hiểu ra nhiều mối tương hệ).
* Trách nhiệm (Responsibility): Nhiệm vụ người khác giao, mình phải làm tròn và gánh chịu hậu qủa nếu không đạt (từ điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí và từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học Việt Nam 1992).
Như vậy, trách nhiệm là có tính cách giao phó, khẳng định cụ thể, như : Huynh trưởng cấp Tín có trách nhiệm về sự thịnh suy của một đơn vị GĐPT, Huynh trưởng cấp Tấn có trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT trong một tỉnh v.v…
* Sứ mệnh (Embassy): Tầm nguyên = mệnh lệnh của quốc gia trao cho sứ giả ( Từ điển Việt Nam của BTT Khai Trí).
-    Nhiệm vụ quan trọng có tính cách thiêng liêng ( Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học VN 1992).
-    Ngày xưa khi nhận lệnh của triều đình để đi Sứ, là Sứ giả đã nhận lãnh sứ mệnh mà tổ quốc giao phó. Sự mất còn, của thịnh suy của tổ quốc là do ở tài của Sứ giả này.
Vậy sứ mệnh cũng là trách nhiệm nhưng có tính cách cao cả và thiêng liêng.
II. SỨ MỆNH CỦA HUYNH TRƯỞNG GĐPT/VN:
1. Ai là người nhận lãnh sứ mệnh GĐPT/VN:
Người Đoàn phó thì mới nói đến bổn phận,  chưa đặt nặng vấn đề trách nhiệm, người Đoàn trưởng bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm của một Đoàn, người Liên Đoàn trưởng thì nhận lãnh trách nhiệm của một Liên Đoàn, của một gia đình. Ban Hướng Dẫn tỉnh, (đứng đầu là Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn) chịu trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị tỉnh, Ban Hướng Dẫn trung ương ( đứng đầu là Anh Trưởng Ban ) chịu trách nhiệm lãnh đạo GĐPT toàn quốc. Nhưng đã là toàn quốc có tầm cỡ vĩ đại nên trách nhiệm ấy gắn liền với sứ mệnh. Nói thế, không có thể là chỉ giao phó, sứ mệnh cho BHD TRUNG ƯƠNG, mà tất cả những Huynh trưởng cấp Dũng cũng như những Huynh trưởng đã có lý tưởng vững chắc, những Huynh trưởng đã gắn liền đới mình với bề dày lịch sử của GĐPT/VN, những Huynh trưởng đã từng chịu bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu hy sinh, đều phải nhận lãnh sứ mệnh này trong tương lai người nhận lãnh sứ mệnh này là anh chị em.
Trại sinh Vạn Hạnh V hôm nay, nên ngay từ bây giờ các anh chị em phải chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị tư tưởng để nhận lãnh sứ mệnh cao cả mà GĐPT/VN giao phó.
2. Sứ mệnh GĐPT VN :
Nói đến sứ mệnh của Huynh trưởng GĐPT/VN tức là nói đến sứ mệnh mà tổ chức GĐPT/VN đang gánh vác. Sứ mệnh này, các bậc tiền bối Khai Sáng GĐPT ( tiền thân là Đoàn Phật Học Đức Dục và Gia Đình Phật Hoá Phổ ) đã tự đề ra cho mình hơn 60 năm qua, khi đất nước đang bị điêu đứng bởi nạn ngoại xâm, nền đạo đức cổ truyền bị bứng gốc, nền văn hoá dân tộc bị lung lay bởi luồng văn hoá nô dịch tha hoá Tây phương. ( cần nghiên cứu thêm SỨ MỆNH GĐPT của Người Áo Lam ). 60 năm qua, các thế hệ Huynh trưởng đàn anh chúng ta đã tiếp nối sứ mệnh một cách trung kiên dũng mãnh. Giờ này thì trọng trách ấy, đang đặt cả vào các Huynh trưởng tầm cỡ như đã nói ở trên, trong đó có cả anh chị em trại sinh Vạn Hạnh này.
Sứ mệnh này có thể triển khai trên hai lãnh vực:
a.    Phổ quát: trên lãnh vực phổ quát thì đó là:
-    Sứ mệnh phụng sự Đạo pháp và lý tưởng GĐPT.
-    Sứ mệnh phụng sự dân tộc.
-    Sứ mệnh phụng sự Hoà bình.
* Sứ mệnh phụng sự Đạo pháp và lý tưởng GĐPT:
Tổ chức GĐPT được thoát thai trong lòng Đạo pháp, lại nữa, đã là Huynh trưởng thì cũng xác quyết là một Phật tử chân chánh ( theo mục đích của GĐPT ) mà : một Huynh trưởng đã qua qúa trình trưởng thành trong tổ chức cho đến ngày đặt chân lên trại Vạn Hạnh, chắc hẳn phải là một Huynh trưởng trung kiên. Một Phật tử chân chánh, trung kiên ắt hẳn phải nhận lãnh sứ mệnh phụng sự Đạo pháp.
Phụng sự Đạo pháp là bảo tồn Đạo pháp, xiển dương Chánh pháp và làm cho Đạo pháp mỗi ngày một tăng huy.
Bảo tồn Đạo pháp là gìn giữ sự trong sáng của Đạo pháp, đánh đỗ những mê tín dị đoan, bài trừ những phần tử ma quái núp bóng Giáo hội để lợi dụng phục vụ cho những ý đồ đen tối của mình hoặc phá hoại sự hoà hợp Tăng, hỗ trợ chư Tăng trong vấn đề hoằng dương chánh pháp. Xiển dương chánh pháp: đem chánh pháp phổ cập trong quần chúng, hướng dẫn những người chung quanh mình tu tập để tiến dần đến an lạc giải thoát. Đối với Huynh trưởng thì môi trường xiển dương chánh pháp chính là đàn em của chúng ta. Phải dạy các em hiểu đúng chánh pháp, hướng dẫn các em thực hành đúng chánh pháp. Chỉ thực hiện tốt những điều ấy thì đồng thời chúng ta đã làm cho Đạo pháp càng ngày càng tăng huy rồi.
Nói đến lý tưởng GĐPT thì đối với trại Vạn Hạnh ắt hẳn từ lâu đã chọn GĐPT làm lý tưởng của mình để “ Chỉ hướng cho thuyền đời, Nở hoa cho cuộc sống”, dĩ nhiên chúng ta phải phụng sự lý tưởng ấy. Cho nên, với người Huynh trưởng, khi nói đến phụng sự Đạo pháp thì chúng ta cùng lúc phụng sự lý tưởng của Gia Đình Phật Tử. Nếu một Phật tử chân chánh, trung kiên thường nên câu “ thà giữ đạo mà chết không thà bỏ đạo để được sống”, thì người Huynh trưởng chúng ta, ngoài câu ấy ra còn phải nói thêm: “ thà chết vì lý tưởng GĐPT còn hơn sống không có lý tưởng”.
Phụng sự Đạo pháp  và lý tưởng Gia Đình Phật Tử đã nâng lên hàng sứ mệnh thì chúng ta còn phải dũng cảm cương quyết chống những tuyên truyền xuyên tạc cố ý làm mất giá trị, làm sai lạc ý nghĩa của giáo lý, chống lại những hình thức mô phỏng xâm nhập cố ý làm sai lạc tồn chỉ và truyền thống của GĐPT đã có bề dày lịch sử 60 năm. Chống những hình thức chắp vá gượng gạo làm mất những nét đăc thù Phật giáo trong mọi lãnh vực : Nghệ thuật, văn chương, nghi lễ … và phải biết đem Đạo Phật đi vào cuộc sống.
* Sứ mệnh phụng sự Dân tộc:
Một Huynh trưởng GĐPT cũng là một công dân, một công dân phải biết yêu thương quê hương xứ sở, đồng bào dân tộc, huống chi là một Phật tử, lòng từ bi trải rộng, yêu tất cả mọi người và mọi loài thì sao ta lại không yêu quê hương, không yêu dân tộc. Ở đây không còn là nói đến bổn phận đối với dân tộc, đối với đất nước (đã nói nhiều ở các bậc học và các trại huấn luyện trước đây rồi). Tầm cở trại sinh Vạn Hạnh ( nâng lên hàng sứ mệnh ), chúng ta phải nhận lãnh lãnh sứ mệnh thiêng liêng này.
Chúng ta phải góp phần vào việc bảo toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, danh dự tổ quốc. Giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần bất khuất. Chúng ta không cục bộ, không thủ cựu, biết cải tiến, biết lựa chọn để đồng hoá những văn minh du nhập làm giàu cho Văn hoá dân tộc nhưng không vọng ngoại. Chống chủ nghĩa phi nhân chà đạp lên tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng, nhu cầu tín ngưỡng của chúng ta là nhu cầu một đời sống an lạc trong tinh thần Phật giáo. Vấn đề này đã được đề cập đến ngay  khi anh chị em chúng ta bước chân vào trại Huấn luyện đầu tiên trong cuộc đời làm Huynh trưởng, trại Lộc Uyển. Anh chị em chúng ta, chắc hẳn đã tư duy ít nhất là 12 năm rồi, bây giờ chính là lúc cần khắc sâu để nhận lãnh sứ mệnh.
* Sứ mệnh phụng sự Hoà bình:
Trong chương trình Bậc Lực (năm thứ II) chúng ta đã có dịp đề cập đến “ Phật giáo với sứ mệnh hoà bình”. Bây giờ là lúc anh chị em chúng ta nhận lãnh sứ mệnh đó. Những năm đầu của thập niên 70 đã từng có những Thông Điệp Hoà Bình của đức Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN trong những kỳ Đại lễ Phật Đản. Cũng trong thời điểm đó phong trào đòi hỏi Hoà bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh bộc phát mạnh khắp nơi trên thế giới. Cho đến hôm nay, chiến tranh như đã dừng lại ở vùng Đông Nam Á thì lại trỗi dậy ở vùng Trung Đông và những vụ khủng bố lớn lao xảy ra trong nhiều nước từ Âu sang Á khởi đầu bằng vụ Binladen ở Mỹ. Cuộc chiến Irak mới đây tuy đã chấm dứt trên các trận chiến tàn khốc thì lại thế chiến đột kích, du kích, gây thảm hoạ chết chóc hằng ngày. Các nước trên thế giới, nhất là những cường quốc đang phập phồng lo âu trước tình trạng đe doạ của chiến tranh hạt nhân. Hoà bình theo quan niêm của Phật giáo, như chúng ta đã biết, không phải là một phong trào, một chiêu bài, một kế hoạch mà là một tâm niệm phát xuất từ Trí tuệ và Từ bi. Chúng ta đã khẳng định: Đạo Phật là Đạo Hòa bình vì Đạo Phật tôn trọng sự sống của muôn loài trên hết. Nguồn gốc của chiến tranh, xét cho cùng tột là do Tham, Sân, Si - mà đạo Phật là Đạo diệt Tham, Sân, Si. Phong trào đòi hỏi Hoà bình của Phật giáo tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60 vào đầu thập niên 70 cũng đã có ảnh hưởng  lớn, đã được các nước trên thế giới hưởng ứng và phong trào đó đã lan rộng khắp nhiều nước. Cuối cùng thì các phe lấn chiếm cũng đã chịu ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp Hoà bình. Nhưng đây chỉ là thứ Hoà bình chủ nghĩa, chỉ có tính cách giai đoạn không phải là thứ Hoà bình vĩnh cửu. Nên như đã nói trên phong trào Hoà bình cũng chỉ là giai đoạn. Vì vậy, Hoà bình Phật giáo không dừng ở dạng  phong trào mà đã đặt thành SỨ MỆNH.
Ba mươi năm qua các nhà lãnh đạo tinh thần có uy tín có năng lượng tâm linh tha thiết với nền Hoà bình nhân loại đã không ngừng đeo đuổi sứ mệnh của mình, đã có kết qủa bước đầu tuy nhỏ bé nhưng rất phấn khởi:
-    Năm 1998 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã ký quyết nghị A/RES/53/25 lấy năm 2000 làm “ Năm quốc tế của sự tu tập Hoà bình” ( International Year For the Culture of Peace ) và lấy thập niên 2001 – 2010 làm “ Thập niên quốc tế xiễn dương việc tu tập bất bạo động và Hoà bình để làm lợi lạc cho tất cả trẻ em trên thế giới.” (International Decade For a Culture of Peace and Non Violence For the Children in the World ).
-    Tổ chức UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organisation ) tức là tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hiệp Quốc xúc tiến tu tập, xiễn dương chủ trương này.
-    UNESCO đã ra tuyên cáo 2000 gồm 6 điểm rút từ nội dung 5 giới của Phật giáo nhưng trình bày vắn tắt và tránh dùng từ ngữ Phật giáo để đại đa số quần chúng trên thế giới thuộc nhiều truyền thống tâm linh. Khác nhau có thể hiểu và tiếp nhận một cách dễ dàng (phụ lục đính kèm) .
Bản tuyên cáo này đã được hầu hết các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới ký đồng tình (trong đó có Việt Nam).
-    Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ về hoà bình thế giới của các nhà lãnh đạo tôn giáo và tâm linh (The Millennium World Peace Summit of Religions and Spiritual Leaders) đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào những ngày cuối tháng 8 năm 2000. Quy tụ đến cả 1000 đại biểu, những vị lãnh đạo lớn của các tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Trong bài tựa của chương trình, ông Bawa Jain, Tổng thư ký của Hội Nghị Thượng đỉnh có nói: “ Lần đầu tiên trong lịch sử 55 năm của tổ chức Liên Hiệp Quốc, những vị lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tập họp tại đây. Trong thời gian chúng ta đến với nhau sẽ tìm ra phương cách để các tổ chức tôn giáo và chính trị có thể hợp tác với nhau để bảo vệ nền hoà bình chung, lấy lại sự toàn vẹn  môi sinh và chấm dứt sự tuyệt vọng của nghèo đói” (Vâng, ngày hôm nay nói đến hoà bình không phải chỉ đề cập đến vấn đề giải quyết chiến tranh mà còn phải đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề nghèo đói bệnh tật).
Chủ đề được đặt ra cho Hội nghị là “ Từ đối thoại đến hành động” (From Dialogue to Action) gồm 4 đề tài chính được thảo luận sôi nổi, rốt ráo suốt trong 4 ngày đại hội là:
-    Chuyển hoá xung đột ( Conflict Transformation)
-    Bao dung và hoá giải ( Forgiveness and  Reconeiliation )
-    Xóa bỏ nghèo đói ( The Elimination of Poverty)
-    Bảo vệ và khôi phục môi sinh ( Environmental Preservation and Restoration)
Chắc chắn anh chị em chúng ta không khỏi băn khoăn:
Vậy thì sứ mệnh bảo vệ Hoà bình phải dành cho những chính trị gia lỗi lạc, những nhà lãnh đạo tôn giáo và tâm linh, có tiếng tăm trên thế giới chứ đâu phải ở tầm tay thấp bé của chúng ta ? Quan niệm như vậy là hạn hẹp  rồi đấy. Bài diễn văn trong buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh này, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói: “ … Chúng ta (Liên Hiệp Quốc ) đã cố gắng thực hiện hoà bình trên trái đất này, nhưng chúng ta đã thất bại đau đớn. Trừ khi có cuộc phục hưng của tâm linh …”. Mà nói đến khả năng phục hưng tâm linh thì Phật giáo là ưu việt và Phật giáo chính là đạo hoà bình như chúng ta đã phân tích ở trên. Dĩ nhiên phải có sự chỉ đạo của chư  Tôn túc, của những vị hướng dẫn tinh thần ưu tú, của những vị dồi dào năng lượng chuyển hoá, nhưng phải có lớp người hậu thuẫn, có lớp người hỗ trợ chứ ? Lớp người đó là ai ? Nếu không phải là những Phật tử, chân chính trung kiên như chúng ta. Vậy sứ mệnh ấy há không phải chúng ta có phần chia sẽ gánh vác  đó sao ?
                                                                                   ( Còn tiếp )
http://gdptduchue.info/
Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang