Con voi hiếu nghĩa

Kinh dạy “Hiếu hạnh là Phật hạnh, hiếu tâm là Phật tâm”. Bởi vậy mười phương ba đời chư Phật cũng đều thực hành tâm hạnh hiếu thảo nhiều đời thuần thục trải qua hằng ba a-tăng kỳ kiếp mới đặng quả vị giác ngộ.

Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật có thuật lại một câu chuyện rằng: Ngày xưa, ở xứ Ba La Nại, có một vị vua ham mê săn bắn. Một hôm vua săn bắt được một con voi trắng rất mực xinh đẹp. Vua giao cho một người lính tượng hiền lành cần mẫn trông nom chăm sóc cẩn thận. Nhưng voi ngày đêm không chịu ăn uống khóc mãi. Người lính tượng sợ để lâu voi chết nên vào tâu vua. Vua ra vuốt ve voi và bảo:

-Tại sao có cỏ non, mật ngọt ấy thế mà sao ngươi không chịu ăn uống?

Voi đáp:

- Muôn tâu bệ hạ. Tôi hiện còn có cha mẹ rất già ở trong rừng. Không tự nuôi sống được. Nay tôi ở đây, mẹ cha tôi đói khát, chắc chết. Tôi lòng nào mà ăn ngon uống ngọt cho được. Nếu bệ hạ có lòng trắc ẩn, gia tâm thương xót, cho phép tôi được vào rừng xanh săn sóc cho hai đấng sinh thành. Khi song thân qua đời, tôi sẽ trở lại chốn này để bệ hạ mặc tình sai khiến.

Vua nghe nói động lòng từ mẫn, bằng khuyên voi ăn uống và ra lệnh thả voi ra ngay. Sau đó ông bỏ hẳn công việc săn bắn vui chơi, chăm lo chánh trị, mưu lợi cho dân, cho nước. Quốc gia vì thế mà thái bình thạnh trị. Câu chuyện voi xưa dần chìm vào quên lãng. Mười hai năm sau, vua đang họp triều chính cùng bá quan văn võ, bỗng có một tên quân vào báo là có một chú voi già ốm yếu đến và khẩn thiết muốn bái kiến bệ hạ. Vua thuận cho đưa voi vào, vào đến nơi, voi quỳ mọp xuống tâu rằng:

- Mười hai năm trước, tôi đội ơn bệ hạ tha cho để làm tròn hiếu đạo săn sóc cha mẹ. Nay song thân tôi đều đã qua đời. Y như cam kết, tôi trở lại chốn này. Số phận tùy bệ hạ định đoạt.

Nhìn thấy voi già yếu tiều tụy quá, vua chột dạ xót thương đưa tay ve vuốt mà rằng:

- Nếu mọi người, mọi loài đồng biết hiếu kính cha mẹ, biết trung tín, giữ lời đã hứa như ngươi thì đời thịnh trị cả. Thôi hãy ở lại đây với ta. Ta sẽ chu cấp cho ngươi trọn đời.

Đến đây, Phật xác nhận bản sanh: “Voi ấy nào phải ai xa lạ chính là tiền thân ta đó”. Phật tử phải khéo suy và hành trì cho đúng vậy.

Kinh Pháp Cú (13)

Như lời Mái nhà vụng lợp,

Mưa liền xâm nhập vào,

Cũng vậy tâm không tu,

Tham dục liền thâm nhập.

Thích Trúc Thạnh Không

Chủ đề: , , ,

0 comments

Lên đầu trang