Hoài Niệm Tuổi Thơ
Tôi có một ông bác họ, Bác Hương Thạch, thành viên Hội Đồng Hương
Chính thời kỳ sau Hiệp Định Geneve năm 1954, tức là một Ủy Viên của Ủy
Ban Hành Chánh Xã, lúc đó khoảng gần 60 tuổi mà tôi thì còn con nít mới 9
tuổi. Ông bác này có một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ ván thùng cây để nuôi
chim bồ-câu. Chiếc nhà gỗ nhỏ đó khoảng 50 cm x 50 cm x 40 cm có hai
cửa tròn để chim bồ câu ra vào. Bác sơn chiếc nhà màu xanh da trời rất
đẹp rồi đặt lên trên một cây trụ khá cao, có lẽ khoảng 5 đến 6 mét. Bác
nuôi một cặp chim bồ câu gồm một trống và một mái.
Em trai của Bác Hương Thạch là bác Chính. Bác Chính có một người con
trai trưởng là anh Hai Khẩn. Anh Hai Khẩn đã lập gia đình và có một
đứa con trai, nhà của anh Hai Khẩn ở cùng trong làng và cách nhà bác
Hương Thạch dưới một cây số. Bắt chước bác Hương Thạch, anh Hai Khẩn
đóng một căn nhà gỗ ba tầng để nuôi chim bồ câu với kích thước tương tự
như căn nhà gỗ nhỏ của bác Hương Thạch, nhưng anh Hai Khẩn sơn căn nhà
gỗ nhỏ đó ba màu, mỗi tầng một màu gồm xanh da trời, tím, và hồng. Ban
đầu anh Hai Khẩn cũng chỉ nuôi một cặp bồ câu mặc dầu thùng nhà gỗ có
đến ba tầng thì đáng lẽ anh ấy nuôi được đến sáu con chim bồ câu.
Ba chén bỏ lúa cho chim ăn thì không khác chiếc chén bên chuồng chim
của bác Hương Thạch, nhưng dĩa lớn chứa nước cho chim uống thì chỉ có
một cho cả ba tầng. Anh Hai Khẩn dùng chiếc ống chích thuốc (syringe)
để mỗi ngày cho một ít nước trà đường vào dĩa nước giếng cho chim uống;
lượng nước trà đường mỗi ngày một nhiều hơn, và nước trà mỗi ngày một
đậm hơn.
Sau một thời gian, không biết chim bồ câu ở đâu, chứ trong làng và
trong xã lúc đó thì không có ai nuôi chim bồ câu cả, lại tập trung về
sống trong chiếc thùng gỗ ba tầng của anh Hai Khẩn có đến những trên hai
mươi con; tất nhiên là có cả hai con chim bồ câu của bác Hương Thạch
nữa.
Trước nay trong xã ai cũng nhìn bác Hương Thạch là một nhà hào phú
nhân đức, một vị nhân sĩ khiêm tốn, luôn luôn giúp đỡ người cùng khó
trong làng, nhưng từ khi bác Hương Thạch chửi vợ chồng anh Hai Khẩn đã
"ăn cắp" đôi chim bồ câu của bác bằng những lời lẽ thô tục thì mọi người
từ từ xa lánh bác. Mặc dầu chị Hai Khẩn hứa chiều hôm đó khi chim bay
về chuồng thì chị sẽ cho bắt hai con bồ câu của bác Hương Thạch nhốt vào
lồng tre rồi đem đến nhà để trả lại cho bác mà bác vẫn chửi chị Hai
Khẩn là "con đ ... !" Thật sự chị Hai Khẩn không có lỗi gì vì ngay cả
việc đóng thùng gỗ nuôi chim bồ câu cũng là "sáng kiến" riêng của chồng
chị chứ chị không can dự vào.
Việc chửi nhau thô bạo giữa người bác và vợ chồng người cháu ruột đã
làm cho tôi sửng sờ mà người anh lớn của tôi còn làm cho tôi kinh khiếp
hơn. Anh nói:
- Tại em đó !
- Tại em ?
- Ai biểu em khen anh Hai Khẩn giỏi, làm thùng chim đẹp, và biết cách dụ chim về ... .
- Em đâu có nói với bác Hương Thạch
- Em nhốt được gió sao ? Lời em nói đã bay trong gió đến với bác Hương Thạch, em biết không.
- Trời đất ! Em có lỗi với anh Hai Khẩn quá, nhất là với chị Hai Khẩn.
- Do vậy, trước khi em đi Đà Nẵng để học Lớp Nhì và Lớp Nhất thì anh nói với em lời này và em phải ghi nhớ đó nghe.
Phàm là con người thì ai cũng tự cho mình là nhất, là số một; vậy em
đừng bao giờ nói ai là số hai, là đứng nhì trong mọi trường hợp.
Và anh có một điều nữa muốn nói với em. Em thấy con trâu, con bò,
con heo khi sinh con thì bao lâu con mới sinh của nó đứng lên đi được ?
- Chỉ trong một vài giờ hay nhiều lắm là một buổi vì khi con bò con
sinh ra buổi sáng thì buổi chiều nó đã chập chửng theo mẹ nó để đi về
chuồng được rồi.
- Thế con người thì trong bao lâu mới tự đi được ?
- Em không biết, nhưng dường như khoảng một năm, phải không anh ?
- Đúng rồi, nhưng tại sao con người thông minh hơn con vật mà yếu quá vậy ?
- Em không biết nữa !
- Và đấy là điều thứ hai anh sẽ dạy cho em biết và em phải nhớ giữ
trong lòng nghe. Đúng là con người thông minh hơn con vật mà cái thông
minh đó đặt ở đâu trong thân thể con người ? Đặt ở trong bộ óc của con
người mà bộ óc thì ở trong cái đầu nên cái đầu trước hết là "lớn" hơn
cái mình và tay chân. Vì cái đầu lớn trước và lớn nhanh hơn thân thể
nên người mẹ phải sinh con sớm khi con chưa đủ mạnh như con vật; nếu chờ
cho con đủ sức khỏe như con vật thì cái đầu đứa bé lớn quá, không thể
sinh được. Em ghi nhớ lấy rồi sau này khi em học về thân thể con người
thì em sẽ hiểu. Việc anh cần em ghi nhớ là bộ óc được đặt vào vị trí
cao nhất trong một vỏ bọc với một loại xương cứng chắc nhất. Trong mọi
trường hợp thì em phải bảo vệ cái đầu trước hết, khi cái đầu không thể
bảo vệ trọn vẹn thì phải quyết tâm bảo vệ bộ óc vì nếu bộ óc bị tổn
thương thì em xem như đã chết. Để em dễ hiểu thì anh đưa ra một ví dụ.
Ở trường em, khi không có ông hiệu trưởng thì mọi việc đều lộn xộn.
Ông hiệu trưởng ví như bộ óc của trường em vậy.
Trần Việt Long
0 comments