ĐIẾU VĂN - Tiễn Biệt Anh Bổn Đồng Phạm Lợi

                                                                       ĐIẾU VĂN
                                            TIỄN BIỆT ANH BỔN ĐỒNG PHẠM LỢI
                                            (Phó Trưởng Ban Nam BHD/GĐPT/Bình Thuận).

Cùng các cháu, các em thương mến! 


Với tư cách là một đoàn sinh của anh nơi quê nhà Quảng Ngãi nghèo khó, xin cung kính nghiêng mình trước chơn linh anh, người đã thay mặt cho tổ chức dạy bảo uốn nén tôi từ thuở ấu thơ và cẩn thận dặn dò “Điều tối quan trọng trong một đời người không ở nơi tài sản, công danh và sự nghiệp mà là cần phải có một tấm lòng.” Và xin chia sẻ sự mất mát lớn lao cùng các em các cháu và chúng ta chắc chắn chơn linh anh, chơn linh cha, chơn linh ông đã dũ sạch bụi phong trần mà về nơi nhàn cảnh. Giờ chúng tôi xin phép tang gia hiếu quyến được có đôi lời cùng chơn linh.
Anh Bổn Đồng Phạm Lợi kính thương!
Từ Sài Gòn, nghe tin anh gục ngã,
Không phải trên chốn Sa Trường
Mà là trên trận địa Lam thương, tứ bề thọ địch.
Ngày Lam viên quốc nội và trên toàn Thế giới,
Xích lại gần nhau, siết chặt tay nhau nối vòng tay lớn
Đem con tim từ bi, thắp sáng lửa tin yêu, bừng cháy làm nguồn năng lực giải trừ Quốc Nạn, pháp nạn, Tổ Chức Nạn trong lý tưởng Hoà Bình, Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.
Anh là ngọn đuốc sáng thanh lương từ trên cao chất ngất, soi sáng cho thế nhân, cho chúng em con đường Tin Phật, Trọng Pháp, Kính Tăng.
Anh nghèo khó, không nhiều tiền lắm của nhưng tín tâm thành ý khó ai tày.
Anh không bằng cấp. Anh không địa vị. Nhưng anh đến người mến. Anh đi người thương. Bởi anh biết lấy Giới-Định-Tuệ hương thắp sáng tri kiến tánh khôn lường. Ngào ngạt khắp muôn phương bằng nhân cách phạm hạnh của chính mình.

Nhớ Linh xưa!
Ngày còn là Gia Trưởng GĐPT Phổ Minh đã long trọng cài lên túi trái áo em huy hiệu Hoa Sen Trắng và kỳ vọng nơi em sẽ có đủ điều kiện góp phần thăng tiến tổ chức về sau nầy.
Nhìn bộ đồng phục bằng vải ta vải tám mới tinh nguyên còn thơm mùi thuốc nhuộm thủ công tại quê nhà. Bộ đồng phục có được từ những giọt mồ hôi lao tác trên ruộng đồng chắc chiu, góp cùng nhau mà có. Em đứng chết trân tay chân run run mắt nhoà lệ nhỏ xuống và trọn đời chỉ nhỏ lệ vì tình LAM.
Làng xóm xã ta có anh, mà chùa chiền niệm Phật đường từng bước phát triển, đạo mạch thông lưu pháp luân thường chuyển anh bị cưởng chế phải đi di dân lập ấp, và nơi nầy là quê hương thứ hai của anh.

Anh đi đến đâu cũng mang tư tưởng hoằng hoá lợi sanh xây chùa tạo tượng. Nên bất cứ ngôi Tam Bảo nào ở chốn nầy cũng có bàn tay công đức xây dựng của anh.
Trong tổ chức anh là người lãnh đạo giỏi. Đề án kế hoạch có sẳn trong đầu, chương trình thực hiện rõ trong bàn tay. Giải quyết tháo gỡ vướng bận như có Long Thiên hổ trợ. Khỏa bằng trăn trở bằng bàn tay Đâu La.
Anh trân trọng tài năng và uy danh của tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để hạt giống Bồ Đề được phát triển, tuổi trẻ thăng hoa.

Anh tổ chức trai đàn mà hưng long Quảng Hạnh, lấy lại Quảng Sơn mà không cần phải đơn trương bút giấy, đáo tụng đình.
Canh cánh bên lòng, lời anh dạy ngày xưa, hãy nuôi dưỡng và bảo vệ con tim chớ để cho thương tật, trong tổ chức mình luôn luôn đứng sau người em nhé.
Vâng lời anh, em chỉ biết cần cù làm việc, sá gì cấp bậc, chức vụ, lợi danh. Trong tác phẩm của em có bóng hình anh trong đó. Anh em mình ẩn hiện trong nhau như bóng với hình giữa trưa giờ ngọ.

Khi sống đã quang minh, thác ấm thân phải lổi lạc, chắc chắn là phải siêu sanh thoát hóa, hay hoàn độ Ta Bà hành hạnh độ tha.
Tức có nghĩa là đến đi tự tại, vào ra lên xuống không hai, siết chặt mối dây đời đời thân cận.
Sống thế đó!
Thác thế đó!
“Đường đi khó, không khó! Vì ngăn sông cách núi.”
Nhưng anh em mình có bao giờ ngại núi e sông.
“Anh em ta ơi!
Đường dài còn dài, còn nhiều trở ngại, còn nhiều gian khó, kiên gan, kiên gan anh em ta ơi quyết tâm vượt qua”
Anh xả báo thân vào tháng hạ mùa hè, miền đông Nam Phần mưa rơi tầm tả như là phút chuyển giao thế hệ trẻ vươn lên.
Cả cuộc đời anh là một bản trường ca thiểu dục: “nên thân và tâm tự tại tất cả”

Thế là hành trang đã đủ để anh xuất sanh.
Thế là hành trang đã đủ để em đến với anh!
Nơi tha phương ta đồng hát bản “Vô sanh”
Nhé anh!
Ô hô!
Thương thay!

THỊ NGUYÊN
Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang