PHẬT HOÀNG VIỆT NAM TRẦN NHÂN TÔNG


PHẬT HOÀNG VIỆT NAM
                                                             TRẦN NHÂN TÔNG
 
Sang thế kỷ 13, Mông Cổ trở thành một đế quốc hùng mạnh, lãnh thổ rộng lớn vắt ngang địa cầu, từ bờ Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải, gây bao nỗi kinh hoàng cho các dân tộc trên thế giới – xâm chiếm Trung Quốc thiết lập nhà Nguyên. Chính trong thời gian đó, Danh tướng Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt đã đánh thắng 3 lần xâm lược của Nguyên-Mông, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông.
Đặc biệt, Trần Nhân Tông là một hiện tương độc nhất vô nhị trong lịch sử Tiên Rồng.
Với tầm vóc Danh nhân văn hóa, Trần Nhân Tông (1258-1308) tỏa sáng trong tư cách một vị hoàng đế anh minh, vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đượm lẽ đạo tình đời. Thời gian sinh sống nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và để lại nhiều thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm có giá trị.
Trên thực tế, có thể nhận diện Trần Nhân Tông như một nhân vật lịch sử, một mẫu hình Hoàng đế phương Đông gắn với vị thế Thiền sư – nhà Truyền giáo và Thi nhân – người kiến tạo những giá trị văn hóa. Ở đây, chúng ta xác định Trần Nhân Tông như một tác giả văn học, trên cơ sở đó soi chiếu trở lại vị thế Hoàng đế – Danh nhân văn hóa dân tộc…
Vào ngày 24-2 năm Mậu ngọ (1258), Trần Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Hoảng (Trần Thánh Tông). Đến năm 1273, Hoàng trưởng tử Khâm được sắc phong làm Hoàng Thái tử, chọn trưởng nữ của Hưng Đạo làm Phi. Vào năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Trần Nhân Tông. Từ đây, Trần Nhân Tông bắt đầu một trang đời mới trên cương vị hoàng đế, cùng toàn dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lược của Nguyên-Mông. Trong thời điểm nguy nan của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông năm 1285, Trần Nhân Tông cho khắc thơ vào thuyền ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin chiến thắng:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê viêc cũ ngươi nên nhớ,
Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân)
Trên tư cách hoàng đế, Trần Nhân Tông thể hiện rõ tinh thần yêu nước và tài năng lãnh đạo, tập hợp lực lượng. Vua từng 2 lần hỏi ý kiến Hưng Đạo về thế giặc, Hưng Đạo trả lời: “Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn” Trong việc dùng người, Vua biết Trần Khánh Dư là kẻ tham nhưng vẫn sử dụng vì Khánh Dư có tài làm tướng. Vua còn trực tiếp hòa giải mối hiềm khích giữa Tả phụ Lê Tòng Giáo với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Yêu, để cả hai giao hảo gắn bó với nhau. Đến ngày toàn thắng, Trần Nhân Tông làm lễ bái yết Chiêu Lăng và có hai câu thơ nổi tiếng khẳng định bản lĩnh, sức mạnh và niềm tự hào dân tộc:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.*
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng)
*cái bình vàng, ví nước nhà như một cái bình vàng.
Trong thời bình, Trần Nhân Tông thực hiện chủ trương “Khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dung nhân tài tiến bộ, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng (năm1290), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo vua Anh Tông và tham gia chính sự. Trần Nhân Tông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vùng biên giới phía Tây và phía Nam đất nước. Ngay cả khi đã xuất gia tu hành, đến năm 1301, Trần Nhân Tông vân du các nơi, bàn quốc sự và hứa gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, châu Lý làm quà sính lễ. Sách ‘ Đại Việt sử ký toàn thư’ chép:
“Mùa hè, tháng 6 năm 1306, gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Trước đây, Thượng Hoàng (Nhân Tông) vân du sang Chiêm Thành đã hứa gả rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó…
Mùa xuân năm 1307, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên hai châu đó”.
Trong công việc triều chính cũng như cuộc sống thường nhật. Trần Nhân Tông thực sự là vị vua anh minh, khoan từ, cố kết được lòng người. Trần Nhân Tông cũng là người sống thủy chung, đối xử bình dị, chân tình với cả gia đồng, gia nhân. Trong vai trò Thượng Hoàng, Trần Nhân Tông vẫn nghiêm túc răn dạy vua Anh Tông từ việc lớn đến việc nhỏ.
Không chỉ thể hiện những phẩm chất của đấng minh quân chí hiếu – chí nhân – chí minh – chí thành – chí kính, Trần Nhân Tông còn bộc lộ vị thế của mình qua những vần thơ thế sự. Khi đất nước lâm nguy, Trần Nhân Tông ứng khẩu đề thơ, bày tỏ tinh thần dấn thân nhập cuộc cùng toàn dân đánh giặc cứu nước. Đến thời bình, ông viết “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân thăm Chiêu Lăng) để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên và cuộc chiến vừa qua:
Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
(Nghìn cửa, nghiêm tì hổ
Bảy phẩm đủ cân đai
Lính bạc đầu còn đó
Chuyên Nguyên Phong, kể hoài)
(Trần Lê Văn dịch)
Với sự tự ý thức về vương quyền và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong quan niệm về con người, Trần Nhân Tông vịnh cây mai để khẳng định phẩm chất bậc hoàng đế:
Thiết đảm, thạch can lăng hiểu tuyết
Cảo quần, luyện thuế nhạ đông phong.
Như Hán Văn xưa, danh tiết kiệm
Thái Tông, Đường nọ, tiếng anh hùng
(Mai)
(Gan lì sắt đá nhờn sương tuyết
Mộc mạc khăn xiêm đón gió đông.
Như Hán Văn xưa, danh tiết kiệm
Thái Tông, Đường nọ, tiếng anh hùng.
(Cây mai – Đào phương Bình dịch)
Trần Nhân Tông cũng ghi nhận tiết tháo của bề tôi, tỏ lòng tôn trọng các quần thần:
Ngạo tuyết tâm hư
Lăng sương tiết kính.
Giả nhĩ vi nô
Khủng phi thiên tính.
(Trúc nô minh)
(Tâm không giãi tuyết
Đốt cứng phơi sương.
Mượn ngươi làm nô
Sợ trái tính thường)
(Bài minh đề trúc nô – Cao xuân Huy dịch)
TỊCH HIỆP THIÊN HÀ TẨY CHIẾN TRẦN
Có nghĩa là: Kéo dài cả dải ngân hà về để rửa sạch mọi oán hờn, khổ đau và mâu thuẫn từ chiến tranh.
Trần Nhân Tông, trong bài thơ tặng Lý Tư Diễn, sứ thần Nguyên -Mông, năm 1289, viết câu thơ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc kể trên. Đối với “tâm trạng một dân tộc” chúng ta, mà hàng năm qua, thời gian lầm than, phải kháng chiến chống là các thế lực hiếu chiến phương Bắc để giữ nước, bao giờ cũng dài lâu hơn gấp bội thời gian dựng nước.
1- Sự Khoan Hồng của Trần Nhân Tông:
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Vua ra lệnh cho tha hết những kẻ hàng giặc bằng cách cho đốt hết mọi lá thư đầu hàng để xóa bỏ nghi kỵ, lo sợ. Không ít ý kiến băn khoăn. Ai cũng biết chiến tranh luôn gây mọi tai họa khủng khiếp cho một dân tộc, bởi nó đảo lộn mọi giá trị. Vua đã làm cái việc ít ai làm nên mong muốn đồng thuận là điều cực khó. Việc này thật là hiếm hoi trong lịch sử, có thể dẫn chứng trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ (1861-1865) như sau:
Trận chiến nổi tiếng nhất là ở Gettysburg vào tháng 4-1863, đã làm 7000 người chết trận của cả hai phe miền Bắc (có 22 bang, có cờ “Stars & Stripes – cờ sao và sọc) và phe miền Nam (11 bang, có cờ “Stars & Bars- cờ sao và vạch lớn, có nô lệ da đen). Tồng thống Abraham Lincoln của miền Bắc chiến thắng – đã làm điều chưa hề có trong lịch sử là ông cho chiêu tập thi hài của cả hai phe để xây dựng thành Nghĩa trang Quốc gia.
Xét về tổng thể của lịch sử nhân loại, việc làm của Lincolnlà tiếp nối sự việc mà Trần Nhân Tông đã làm, 600 năm sau! Tổng thống Mỹ đã tha thứ cho tất cả mọi lỗi lầm của những kẻ lầm lạc phe miền Nam, và ông còn ra lệnh tha bổng cho 20 vạn tù binh miền Nam đầu hàng – nhất là ông không cho binh sĩ miền Bắc tổ chức ăn mừng chiến thắng, vì “Những người bại trận là đồng bào của chúng ta đó”. Lý do chính là ông biết đó là cách tốt nhất để xóa bỏ hận thù, hàn gắn những vết thương chiến tranh, bãi bỏ chế độ nô lệ, vì mục tiêu thống nhất hai miền Bắc và Nam.
Cách nhau 600 năm sống nửa vòng địa cầu, Nhà vua và Tổng thống Mỹ lại tìm được “sự đồng cảm sâu sắc “như vậy. Cả hai bậc vĩ nhân đều biết rõ rằng không thể nào xóa tan được mây đen của thù hận nếu người chiến thắng cứ “sỉ nhục” kẻ chiến bại, theo cách này hay cách khác.
2- Tất cả Vì cái Chung, Vì Giang sơn, Tổ quốc:
Trần Nhân Tông đã “Tịch hiệp thiên hà” ngay cả trong thời bình. Sau khi từ giã ngai vàng cao sang, vua con Trần Anh Tông đã bị vua cha dạy dỗ; “Dân vi quý, quân vi khinh. Đất nước điêu linh, tương tàn, quan càng nhiều thì dân đen càng khổ, không thể dành vinh quang, đặc quyền cho một tầng lớp quan lại mà thôi!”.
3- Duyên nợ “Tịch hiệp” của Trần Nhân Tông là cái mối quan tâm nhất. Ta biết rằng, Trần Nhân Tông sau khi đã thành bậc đại sư, pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà – người đời gọi là Điều Ngự Giác Hoàng (người theo hạnh đầu đà điều hòa và chế ngự được tâm. Đầu đà, tức “Dhuta”= rũ sạch: 3 loại tham về áo quần, nơi ở, thức ăn). Ông đã bôn ba hoằng dương Phật pháp ở phương Nam xa xôi, nhưng lại còn đóng thêm vai ‘Ông mai, ông mối’. Mâu thuẫn là, lẽ thường tình là xuất gia thì phải lánh tuyệt bụi trần, vậy mà Trần Nhân Tông chẳng hề sợ hãi vì “Phật ở trong tâm. Tâm là Phật”. Quan niệm đó là tông phái đặc trưng của Trúc Lâm Yên Tử. Dẫu sống trong trần ai mà vẫn thanh cao thư thái (Cư trần lạc đạo). Phải đem Phật tính ra để giúp đời, vì
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Trần Nhân Tông không chỉ cứu một người mà còn cứu cả dân tộc, cứu cả sự vĩnh hằng của giang sơn, tổ quốc Việt Nam . Ông chỉ có một người con gái duy nhất, vậy mà vì vùng phên dậu phương Nam quan trọng tới bờ cõi nước nhà, vì xã tắc muôn đời, ông sẵn sàng chịu để cho người đời chê trách. Ông có nghe câu
Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo?
Ông biết nhưng ông tin cuộc đời sẽ hiểu, con cháu sau này sẽ mãi tri ân. Chính nhờ Huyền Trân Công chúa gả cho Chế Mân, chúa Chiêm Thành, mà bờ cõi nước Nam có thêm 2 châu Ô. Châu Lý, sau đổi là châu Thuận, châu Hóa (Huế là Hóa đọc trại ra), chạy dài tới tận đèo Hải Vân.
“Tịch hiệp” trong trái tim Trần Nhân Tông là thống nhất cả giống nòi, cả quá khứ lẫn tương lai, cả thành công lẫn lỗi lầm… Trong ông không có sự chia tách Bắc-Nam, đúng như ông đã từng nói:
Con người thì có Nam, có Bắc
Còn Phật tánh không phân biệt Bắc Nam.
Trần Nhân Tông đến với Phật pháp rất sớm, bởi ông biết rất rõ rằng Cõi Phật là lý tưởng, là chân lý đích thực mà không một hệ tư tưởng nào có thể thay thế được.
“Tịch hiệp cả giải ngân hà” để cho con cháu đồng lòng, cho Tổ quốc vững bền đến muôn thuở là tâm nguyện của ông.
“Giang sơn ngàn thuở vững âu vàng”
Là câu thơ được tinh chiết từ khí núi, hồn sông.
“Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần”
Là nỗi khắc khoải dài lâu nhất cùa dân tộc Việt Nam. Và
“Gia trung hữu bảo vưu tầm mịch”
(trong nhà có của báu chớ tìm kiếm) là lời nhắn nhủ tâm huyết sâu xa, ý vị đến muôn đời của Trần Nhân Tông – vị PHẬT HOÀNG VIỆT NAM
Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang